Sáng 27-2, Đoàn kiểm tra của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội.
Tham gia đoàn công tác của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có các đồng chí: Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Về phía thành phố Hà Nội có đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ thành phố cùng đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị – xã hội, nghề nghiệp, các quận, huyện của thành phố.
Báo cáo với đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh, Tổ trưởng tổ giúp việc thường trực HĐND, UBND cho biết, ngay sau khi có các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Hà Nội đã khẩn trương triển khai thực hiện. Đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn đã triển khai công tác tuyên truyền, quán triệt những nội dung, định hướng dự thảo sửa đổi Hiến pháp với nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị, họp báo; mở chuyên trang, chuyên mục trên báo, Đài Phát thanh và truyền hình, Cổng thông tin điện tử của thành phố; mời các báo cáo viên của Trung ương, thành phố tuyên truyền, giới thiệu những nội dung của Dự thảo. Các ngành, đơn vị và các tổ chức đoàn thể đã tổ chức hội thảo thu hút nhiều đối tượng tham gia.
Mặc dù thời gian triển khai việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán nhưng thành phố coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tập trung thực hiện trong quý I/2013 với quyết tâm triển khai các nội dung đảm bảo Kế hoạch đề ra.
Theo báo cáo của đại diện các đơn vị đã tổ chức lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tính đến hết ngày 25/2, các ý kiến đều đánh giá cao Dự thảo đã cụ thể hóa các quan điểm của Đảng trong Cương lĩnh và văn kiện của Đại hội Đảng khóa XI về sửa đổi Hiến pháp 1992; nội dung sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo đã giải quyết được những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết thi hành Hiến pháp 1992; đã thể chế hóa và làm sâu sắc hơn chủ trương phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, các lực lượng xã hội phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước; tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn vị trí, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; phát huy nhân tố con người, thể hiện sâu sắc hơn quan điểm bảo vệ, tôn trọng quyền con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân; tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN…
Nhiều ý kiến đóng góp cụ thể vào các chương, điều, khoản, đoạn hoặc thuật ngữ, kết cấu; quyền sở hữu đất đai tại điều 58 của Dự thảo, thiết chế tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, các điều kiện đảm bảo quyền lực thực sự của HĐND, MTTQ, các tổ chức, đoàn thể chính trị – xã hội; nâng cao vị thế của các cơ quan này trong việc thực hiện dân chủ đại diện, phản biện xã hội; vấn đề dân chủ trực tiếp của nhân dân; nguyên tắc phân cấp đảm bảo quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi địa phương…
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định, các cấp chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn coi việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý đặc biệt, sâu rộng để góp phần xây dựng dự thảo chất lượng, hoàn thiện bộ luật gốc của quốc gia từ đòi hỏi thực tiễn của đất nước.
Góp ý với thành phố tại buổi làm việc, đồng chí Đinh Thế Huynh và các thành viên Đoàn kiểm tra đề nghị thành phố nghiên cứu, thực hiện các giải pháp phù hợp với đặc thù ở cấp cơ sở, tại từng khu dân cư, gia đình để thu thập được nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Thành phố cũng cần chú ý tổ chức tốt lấy kiến tại các khu công nghiệp, tổng hợp ý kiến của công nhân, người lao động đang sinh sống và làm việc trên địa bàn…
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, mục đích lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nhằm tạo sự nhất trí cao về mặt chính trị và pháp lý trong toàn xã hội. Đánh giá cao việc Hà Nội đã tổ chức triển khai lấy ý kiến nhân dân tương đối rộng, tập hợp được nhiều ý kiến trí tuệ, tích cực, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Hà Nội cần tiếp tục tổ chức lấy ý kiến một cách thuận lợi, khoa học theo từng đối tượng, từng ngành, từng đơn vị, cơ sở, tới từng chi bộ, chi đoàn, chi hội… với tinh thần “càng đông, càng nhiều, càng tốt”, “vừa sâu, vừa rộng” nhằm tạo điều kiện để người dân thực hiện quyền làm chủ đối với công việc quan trọng của đất nước. Chủ tịch Quốc hội lưu ý thành phố Hà Nội trong quá trình lấy ý kiến, nên thảo luận về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, bên cạnh đó kiên quyết đấu tranh ngăn chặn việc lợi dụng góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp để tuyên truyền, vận động người dân vào các mục đích cá nhân, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân; chống phá Đảng, Nhà nước.