26/04/2014 5:22:11

Bài học quản lý công nghệ tại Petrovietnam

Ngành Dầu khí có đặc thù là ngành công nghiệp mang tính quốc tế cao, sử dụng nhiều công nghệ hiện đại. Hiện nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã, đang và sẽ tiếp tục tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế song phương và đa phương nhằm nhanh chóng nâng cao tiềm lực về khoa học công nghệ.

Quan điểm phổ quát về quản lý công nghệ

Với mục tiêu xây dựng một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, khoa học công nghệ (KHCN) và công nhân kỹ thuật dầu khí Việt Nam đủ mạnh về chất lượng và số lượng để có thể tự điều hành các hoạt động dầu khí cả ở trong nước và các dự án đầu tư ở nước ngoài, trong Chiến lược tăng tốc phát triển, Petrovietnam đã đặt ra 3 nhóm giải pháp đột phá và biện pháp triển khai tổ chức thực hiện quyết liệt đồng bộ đó là các nhóm giải pháp về quản lý, nhóm giải pháp về KHCN và nhóm giải pháp phát triển nguồn nhân lực.

Chúng ta biết rằng, mỗi một nhóm giải pháp đều hàm chứa rất nhiều nội dung, đặc biệt là các vấn đề về quản lý. Nhiều người thường coi 2 khái niệm “quản lý” và “công nghệ” là những lĩnh vực tách biệt nhau. Công nghệ là những vấn đề thuần túy chuyên môn kỹ thuật, còn quản lý là việc chỉ đạo tổ chức, điều hành sản xuất kinh doanh của các nhà lãnh đạo. Nhưng trên thực tế của nền sản xuất hiện đại, đặc biệt ở Petrovietnam – một tập đoàn kinh tế kỹ thuật hàng đầu, thì 2 khái niệm này gắn bó “như môi với răng”, quản lý công nghệ một cách đúng đắn quyết định hầu như mọi vấn đề then chốt nhất của doanh nghiệp như nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả đầu tư… Mối quan hệ hữu cơ, tác động qua lại mật thiết giữa các nhóm giải pháp này là điều tất yếu.

Các cán bộ kỹ thuật của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất luôn làm chủ công nghệ hiện đại và phát huy hàng trăm sáng kiến cải tiến kỹ thuật mỗi năm

Năng lượng Mới đề cập đến vấn đề quản lý công nghệ (QLCN) nhằm trao đổi về cách tiếp cận và kinh nghiệm của một số nhà khoa học, nhà QLCN và kỹ thuật cũng như những bài học về QLCN tại Petrovietnam để giúp bạn đọc có thêm những thông tin bổ ích về lĩnh vực này.

QLCN là một khái niệm phức tạp, mới mẻ, tổng hợp, đa ngành và là sự quy tụ của các khoa học, bao gồm khoa học kỹ thuật, khoa học ứng dụng, khoa học quản lý và khoa học xã hội. Trong công cuộc CNH, HĐH đất nước, công tác QLCN có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và hiện đang là vấn đề bức bách của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Công nghệ được coi là một tài sản và cũng giống như mọi thứ tài sản khác, nó cần phải được quản lý và làm sao được sử dụng một cách tối ưu. Nó có thể được hình thành nên bởi các mục tiêu chiến lược và đến lượt mình lại góp phần hình thành nên những mục tiêu đó. Bản chất của nó là luôn luôn động và bao hàm trong đó là vấn đề quản lý sự thay đổi.

Cách nay hơn 20 năm, TS Merrifield, một nhà quản lý của Hoa Kỳ từng diễn tả một cách đơn giản và đầy sức thuyết phục về nhu cầu đối với việc QLCN như sau: …“Một vấn đề hầu như đã trở thành tiền đề cho thấy bất kỳ một tổ chức nào nếu không thường xuyên tiến hành việc phát triển, tiếp thu hoặc làm thích nghi và thúc đẩy tiến bộ công nghệ thì chỉ có khả năng duy trì quyết định chiến lược kinh doanh của mình trong thời hạn từ 5 năm đến 10 năm là cùng. Hơn nữa, những yếu tố mang tính kinh điển tạo nên lợi thế so sánh cần đến trước đây để đem lại khả năng cạnh tranh công nghiệp đã không đủ đảm bảo cho vấn đề sống còn của doanh nghiệp ngày nay. Bởi vậy việc QLCN không chỉ là mối quan tâm riêng cho những doanh nghiệp có công nghệ cao mà đã trở thành một việc làm cấp thiết cho tất cả mọi tổ chức liên quan đến phát triển, kinh doanh hoặc sử dụng công nghệ, không phụ thuộc vào quy mô tổ chức lớn hay nhỏ”.

Với sự phát triển và đổi mới nhanh chóng công nghệ của các nước trong khu vực và trên thế giới tạo điều kiện cho các nước đang phát triển tiếp thu và áp dụng ngay các thành tựu mới của công nghệ hiện đại, tiên tiến. Một số nước xung quanh chúng ta đã từ bỏ chiến lược phát triển công nghiệp dựa trên nguồn nhân lực rẻ và dồi dào trong nước để chuyển sang chiến lược phát triển công nghiệp hiện đại, sử dụng ưu thế của khoa học công nghệ cao.

Kinh nghiệm QLCN trên thế giới

Ngày nay công nghệ và QLCN được coi là công cụ biến đổi mạnh mẽ nhất ở cả những nước phát triển và đang phát triển. Điểm khác nhau cơ bản nhất giữa các nước phát triển và đang phát triển, đồng thời đó cũng là nguyên nhân khiến cho các nước phát triển trở thành những nước giàu có chính là ở nền tảng công nghệ, cơ sở của công nghiệp hóa.

Những nước thành công trong việc tiếp thu công nghệ đã đi đến một nhận định: Cần có được một trình độ công nghệ tối thiểu không những để làm chủ, cải tiến công nghệ của nước ngoài phù hợp với các điều kiện cụ thể của mình sau khi được chuyển giao vào mà còn tạo cơ sở để lựa chọn một cách sáng suốt đối với rất nhiều các nhà cung cấp công nghệ tiềm năng. Việc xây dựng năng lực quản lý công nghệ – một nhân tố chính của năng lực công nghệ, có tầm quan trọng sống còn đối với các nước đang phát triển. Nó có thể làm tăng tốc độ của quá trình tiếp thu, đồng hoá, phổ biến công nghệ nhập, tăng được khả năng lựa chọn công nghệ một cách độc lập, giúp cho họ hoàn thiện và cải tiến được các kỹ thuật đã chọn và dần dần tạo ra được các công nghệ nội sinh.

Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) từng kết luận: “Có ít bằng chứng cho thấy một doanh nghiệp nào đó phụ thuộc đơn thuần vào công nghệ nước ngoài lại có được thành công đáng kể trong phát triển công nghệ mang tính lâu dài”.

Kinh nghiệm của Mỹ, Nhật Bản và một số các nước mới công nghiệp hóa là minh chứng cho thấy, việc có được những năng lực nội sinh mạnh là những nhân tố bổ sung cần thiết để tạo nên thành công cho nền kinh tế. Năng lực quản lý công nghệ cần được coi là tiền đề quan trọng giúp đem lại thành công.

Petrovietnam từ đổi mới nhận thức đến hành động

Có thể nói, Dầu khí là ngành kinh tế kỹ thuật hàng đầu của đất nước, tập trung nguồn lực KHCN rất lớn cũng như đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật đông đảo nhất. Trong giai đoạn phát triển hiện nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang quyết liệt thực hiện chủ trương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật đồng bộ, hiện đại cho các đơn vị nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong toàn Tập đoàn; đồng thời tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện thành công các giải pháp đột phá về KHCN, tập trung vào các nội dung chính về cơ chế, chính sách phát triển hoạt động KHCN, về tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ thông qua việc ban hành “Quy chế trích lập và sử dụng Quỹ Phát triển KHCN của Tập đoàn”, sửa đổi quy chế “Quản lý nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ”, ban hành “Quy chế quản lý sáng kiến, sáng chế của Tập đoàn” nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững theo chiều sâu.

Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, đến nay, ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam đã hoàn chỉnh từ khâu tìm kiếm, thăm dò, khai thác tới vận chuyển, chế biến, kinh doanh, dịch vụ, phân phối các sản phẩm dầu khí ở trong nước và đang vươn mạnh mẽ ra thị trường thế giới. KH&CN luôn đóng một vai trò hết sức to lớn trong hoạt động của ngành, bởi đây là ngành có công nghệ hội nhập quốc tế sâu rộng nhất, toàn diện nhất. Nhiều thành tựu mới của nền KH&CN thế giới đã được chuyển giao và ứng dụng thành công vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh cốt lõi của ngành Dầu khí Việt Nam.

Hai thành tựu KHCN gần đây nhất của Petrovietnam được tôn vinh và đánh giá cao là cụm công trình khoa học về tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng granitoid trước Đệ tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN và Công trình giàn khoan tự nâng 90m nước (Tam Đảo-03) là công trình cơ khí trọng điểm của Nhà nước do Tập đoàn làm chủ đầu tư, PVShipyard làm tổng thầu thiết kế, chế tạo đã hoàn thành và được đưa vào vận hành từ tháng 3/2012.

Phát triển KH&CN luôn được coi là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cấp lãnh đạo và mọi thành viên trong Tập đoàn, nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của KH&CN trong chiến lược phát triển luôn được nâng cao, sự tập trung xây dựng và áp dụng các chính sách ưu tiên phát triển KH&CN luôn đồng bộ và nhất quán trong toàn hệ thống. Lãnh đạo Tập đoàn luôn xác định rõ trong các chỉ đạo toàn ngành là đội ngũ lãnh đạo và quản lý phải luôn có ý thức nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, tìm cách giải phóng sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ KH&CN; cán bộ làm công tác KH&CN phải luôn có khát vọng cống hiến khoa học và đam mê các phát minh trong nghiên cứu khoa học để có được những nghiên cứu ứng dụng thật sự giá trị và mang lại ý nghĩa thực tiễn, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế về KH&CN nhằm tận dụng và phát huy nguồn nhân lực bên ngoài để phát triển tiềm lực KH&CN Dầu khí của Việt Nam.

Một điều rất đặc biệt trong ngành Dầu khí nhiều năm qua là các cán bộ đầu ngành, lãnh đạo Tập đoàn, lãnh đạo các đơn vị hầu như tất cả đều trưởng thành từ quá trình sản xuất công nghiệp hoặc quản lý chuyên môn. Họ là những tiến sĩ, kỹ sư, nhà khoa học hoặc các nhà quản trị kinh tế kỹ thuật thực thụ, được đào tạo bài bản, hiểu biết sâu sắc chuyên môn và công nghệ mình quản lý, tích lũy được kinh nghiệm thực tế, có năng lực và nhiệt huyết với nghề. Bởi vậy, dễ tìm được thứ ngôn ngữ thống nhất khi nói đến tầm quan trọng của KHCN. Đặt mục tiêu đúng sẽ có chiến lược đúng, kế sách tổ chức triển khai hợp lý.

Có thể nói, Petrovietnam đã quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về KH&CN, tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (Nghị quyết số 20-NQ/TW) với nội dung “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” nhằm bắt kịp nhịp đập và hơi thở thực tiễn hoạt động KHCN trong giai đoạn tái cấu trúc Tập đoàn, phấn đấu đạt được nhiều thành tích cao hơn nữa trong sản xuất kinh doanh, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh năng lượng, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống.

Petrovietnam luôn coi KHCN là nền tảng và động lực cho sự phát triển. Trong giai đoạn 2006-2011, PVN đã đầu tư gần 5.000 tỉ đồng cho KHCN, trong đó PVN chi khoảng 90% vốn đầu tư, còn lại là nguồn ngân sách Nhà nước. Khoản đầu tư này gấp đôi kinh phí hoạt động của hai viện khoa học thuộc Chính phủ là Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.

Sau 3 năm thực hiện giải pháp đột phá về KHCN, kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học công nghệ năm 2013 của Petrovietnam đã có những bước tiến vượt bậc, ngày càng gắn liền với thực tiễn hoạt động của ngành trong nước và ở nước ngoài, thực sự là cơ sở khoa học tin cậy phục vụ việc nâng cao kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.

Nguyễn Tiến Dũng