“Để chung tay cùng cả nước phòng chống dịch COVID-19, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN kêu gọi đoàn viên, CNVCLĐ cả nước hạn chế đi lại, cân nhắc thật kỹ việc về quê ăn Tết và nên ở lại địa phương đang làm việc đón Tết để đảm bảo sức khỏe, việc làm lâu dài; đảm bảo Tết đầm ấm, an toàn” – ông Nguyễn Đình Khang – Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đưa ra lời kêu gọi trong cuộc trao đổi với báo chí vào chiều 3.2 về công tác chăm lo Tết cho CNLĐ.
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang động viên công nhân lao động làm việc trong đợt cao điểm phòng chống dịch COVID-19.
Thưa ông, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, sẽ có nhiều NLĐ không về quê đón Tết, tổ chức Công đoàn (CĐ) sẽ có những hoạt động nào chăm lo cho họ?
– Đến nay, qua theo dõi nắm tình hình của các cấp CĐ, đã có hàng chục vạn công nhân lao động (CNLĐ) ở lại, không về quê, nhất là CNLĐ khu vực phía Nam. Hàng trăm nghìn người dù nhiều năm không được sum vầy ngày Tết bên gia đình vẫn tự nguyện ở lại để tránh dịch. Đó là tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng rất đáng hoan nghênh của CNLĐ.
Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đề nghị các cấp CĐ tiếp tục làm tốt công tác chăm lo Tết cho CNLĐ, không để NLĐ nào không có Tết. Với những người ở lại, Tổng LĐLĐVN đã chỉ đạo các cấp CĐ phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho NLĐ; tổ chức các gian hàng bán hàng bình ổn giá, phiên chợ 0 đồng sẽ mở cửa phục vụ trong dịp Tết, thăm, tặng quà, động viên, tổ chức các trò chơi dân gian…
Tổng LĐLĐVN luôn nhất quán với mục tiêu tất cả đoàn viên và NLĐ đều có Tết. Ngay trong những ngày đầu năm 2021 các cấp CĐ đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động như “Tết Sum vầy”, “Tấm vé nghĩa tình”… nhằm chăm lo tốt nhất cho CNLĐ. Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cũng đã có Quyết định số 1921/QĐ-TLĐ ngày 12.1.2021 về việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và thiên tai năm 2020 trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 với mức trung bình là 1 triệu đồng/người. Dự kiến tổng mức hỗ trợ khoảng 500 tỉ đồng.
Với sáng kiến và nguồn lực của tổ chức CĐ, đến nay đã có gần 30 đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ban, ngành trung ương thăm, tặng quà cho hàng nghìn CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn trên khắp mọi miền Tổ quốc (trung bình mỗi suất quà trị giá 1.000.000 đồng). Cùng với đó, các cấp CĐ đã dành nguồn lực lớn “dốc sức” chăm lo cho NLĐ. Nhiều LĐLĐ tỉnh, TP đã chi hàng trăm tỷ đồng từ nguồn tích lũy của tổ chức CĐ và xã hội hóa để chăm lo Tết cho CNLĐ.
Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, với phương châm “Đón Tết an toàn trong mùa dịch”, ngay sau khi có Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28.1.2021, Tổng LĐLĐVN đã có công văn số 1594/TLĐ ngày 29.1.2021 yêu cầu các cấp CĐ triển khai các biện pháp nhằm nhanh chóng kiểm soát hiệu quả, triệt để dập dịch. Trong đó chỉ đạo:
Rà soát các hoạt động theo kế hoạch dự kiến triển khai trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, nhất là Tết Sum vầy để thực hiện các biện pháp an toàn chống dịch: Tạm dừng hoạt động, không tổ chức hoạt động đông người, tiến hành giãn cách xã hội; Đối với những hoạt động cần thiết được phép tổ chức, phải hạn chế số lượng người tham gia và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống COVID-19; giảm quy mô tổ chức sự kiện đông người mà chuyển chăm lo trực tiếp cho NLĐ.
Cùng với đó, các hoạt động chăm lo Tết chuyển hướng trực tiếp đến đoàn viên, NLĐ. Các cấp CĐ tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho đoàn viên, NLĐ tại doanh nghiệp, khu nhà trọ, không tổ chức các sự kiện bề nổi, tập trung đông người.
Ông đánh giá như thế nào về sự hỗ trợ của đơn vị, doanh nghiệp, của cộng đồng xã hội (chủ nhà trọ…) đối với CNLĐ trong dịp Tết này?
– Cùng với Nhà nước, tổ chức CĐ, nhiều đơn vị, DN, cộng đồng xã hội đã đồng hành, chung tay để hỗ trợ, giúp đỡ CNLĐ trong bối cảnh khó khăn khi dịch bệnh bùng phát. Nhiều chủ nhà trọ giảm, giãn tiền thuê nhà, điện nước cho CNLĐ thuê trọ. Nhiều DN dù khó khăn vẫn cố gắng có thêm tiền thưởng Tết cho NLĐ, hỗ trợ tiền đi lại, tổ chức xe đưa đón CNLĐ về quê ăn Tết. Và khi dịch bệnh bùng phát, lại sẵn sàng cùng tổ chức CĐ hỗ trợ bù đắp chi phí nếu NLĐ lựa chọn ở lại địa phương ăn Tết; tham gia tổ chức để CNLĐ xa quê vẫn được đón Tết đầm ấm.
Những việc làm đó thể hiện tinh thần, trách nhiệm xã hội rất cao của các đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng. Bởi hơn hết, CNLĐ chính là tài sản, vốn quý của doanh nghiệp, là lực lượng nòng cốt làm ra của cải vật chất cho xã hội. Chăm lo cho nguồn nhân lực chính là sự “đầu tư” lâu dài và hiệu quả, là nền tảng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế, xã hội.
Ông có khuyến cáo gì với hàng triệu công nhân lao động nhân dịp Tết này về công tác phòng chống dịch cũng như khai báo y tế?
– Hiện nay, Việt Nam đã rơi vào đợt bùng dịch COVID-19 lần thứ 3. Thông tin chủ động khai báo của người dân vô cùng quan trọng, vì vậy, Tổng LĐLĐVN đề nghị anh chị em CN hợp tác khai báo y tế, giúp truy vết, xử lý kịp thời các ca nghi nhiễm; thực hiện đầy đủ các yêu cầu, biện pháp phòng chống dịch của Bộ Y tế, chính quyền địa phương và DN.
– Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN!
Theo congdoan.vn