25/12/2020 12:21:09

Người Dầu khí trong tâm dịch Sahara

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hàng nghìn người lao động dầu khí đã và đang bị kẹt lại ở nước ngoài. Với những cán bộ biệt phái của Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), gần 1 năm trời không đổi ca, làm việc và sinh hoạt tại khu mỏ nằm giữa sa mạc Sahara đầy khắc nghiệt, vượt qua nỗi lo lắng, sợ hãi để hoàn thành tốt nhiệm vụ, trở về với gia đình, với quê hương, đất nước, thật sự là cả một hành trình đầy cam go của nghị lực và bản lĩnh thép.

Dự án khai thác và phát triển mỏ Bir Seba, Lô 433a & 416b (Algeria) là dự án có vị trí đặc biệt khi nằm giữa sa mạc Sahara, phải mất hàng tiếng đồng hồ để di chuyển từ thành phố Alger (thủ đô Algeria) xuống đến khu mỏ bằng cả máy bay lẫn xe hơi. Dự án này là dự án thăm dò khai thác tại nước ngoài đầu tiên mà PVEP cũng như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) thành công từ khâu đấu thầu quốc tế đến việc đảm nhận vai trò là Nhà điều hành. Trong suốt giai đoạn tìm kiếm thăm dò từ 2003 – 2008, hoàn toàn do nhân sự Việt Nam đảm nhiệm.

Người Dầu khí trong tâm dịch Sahara

Hoạt động khai thác tại mỏ Bir Seba

Hiện tại dự án được điều hành bởi Công ty Điều hành Chung Groupment Bir Seba (GBRS) do các bên trong liên doanh thành lập theo quy định của Hợp đồng phân chia sản phẩm đối với giai đoạn phát triển khai thác gồm PVEP, Sonatrach, Công ty Dầu khí Thái Lan (PTTEP). Với những ý nghĩa như vậy, những cán bộ PVEP tại đây luôn ý thức cao về trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như sứ mệnh của mình làm thế nào để dự án hoạt động ổn định, hiệu quả, an toàn.

Năm 2020, ngành Dầu khí thế giới hứng chịu một đợt khủng hoảng kép từ giá dầu sụt giảm và dịch bệnh Covid-19 khiến hàng nghìn người lao động dầu khí của Petrovietnam nói chung và PVEP đã và đang bị kẹt lại ở nước ngoài. Đối với những cán bộ biệt phái của PVEP tại Bir Seba đặc biệt hơn những người lao động dầu khí khác, đã gần 1 năm, họ không được đổi ca, mắc kẹt giữa sa mạc Sahara đầy khắc nghiệt.

Theo chia sẻ của anh Tô Văn Trường, Kỹ sư khai thác của dự án, hiện nay, dưới khu mỏ chỉ còn 3 anh em Việt Nam vẫn đang làm việc. Bên cạnh anh Trường là anh Lê Bá Tuấn, Trưởng ban Khai thác và anh Đào Anh Văn, Quyền Trưởng phòng Tài chính.

Tháng 2/2020, 3 người cùng nhiều anh em PVEP khác vẫn tiến hành đổi ca như thường lệ. Từ giữa tháng 1 đã có những ca bệnh Covid-19 đầu tiên ở trong nước, với những thông tin về dịch Covid-19 nhận được, cán bộ của PVEP cũng đã có những tâm lý lo lắng nhất định khi biết được sự nguy hiểm của dịch bệnh cũng như khả năng cách ly khiến cho việc trở về Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng với quyết tâm mạnh mẽ, anh em vẫn tiếp tục lên đường thực hiện nhiệm vụ cùng với những phương tiện bảo hộ như khẩu trang, chuẩn bị sẵn dung dịch sát khuẩn, nhắc nhở nhau tự ý thức giữ khoảng cách với người khác nhằm hạn chế khả năng lây lan dịch bệnh.

Trong quá trình di chuyển sang đến châu Âu và sau đó là Algeria, khi mà cả châu Âu vẫn chưa có ý thức về phòng, chống dịch, các cán bộ PVEP vẫn tuân thủ các biện pháp, vẫn giữ đúng khuyến cáo tại Việt Nam, luôn đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Điều này khiến các anh em trông lạ lẫm với người nước ngoài nhưng sau đó đã trở thành hành động đúng đắn, an toàn cho cán bộ, kỹ sư của PVEP.

Người Dầu khí trong tâm dịch Sahara

Đoàn cán bộ, kỹ sư PVEP trong thời gian tại Đại sứ quán chờ sơ tán

Đến ngày 17/2, Algeria phát hiện ca nhiễm đầu tiên và sau đó bắt đầu có hiện tượng bùng phát mạnh và mất kiểm soát. Ngày 12/3, WHO chính thức công bố đại dịch. Ngày 17/3, Algeria quyết định đóng cửa đường bay quốc tế, đến 23/3, đóng cửa đường bay nội địa và hạn chế di chuyển (lockdown country) đến nay (12/2020).

Đối diện với tình hình đó, nhằm đảm bảo an toàn cho các cán bộ, kỹ sư, ngay từ đầu tháng 3/2020, PVEP đã có phương án sơ tán một phần cán bộ, kỹ sư, chỉ giữ lại một số vị trí nhằm duy trì sản xuất, đảm bảo vận hành và khai thác tối ưu, cũng như đảm bảo thông suốt liên lạc giữa dự án và Tổng Công ty để có các chỉ đạo kịp thời.

Người Dầu khí trong tâm dịch Sahara

Cán bộ, kỹ sư PVEP thực hiện giãn cách tại phòng ăn

Ngay sau lệnh sơ tán, 13 người rời mỏ lên thủ đô Alger, 3 người ở lại. Tuy nhiên, 13 cán bộ, kỹ sư sau khi lên thủ đô Alger đã bị mắc kẹt tại đây, do vào đúng thời điểm dừng các chuyến bay quốc tế. Rất may mắn cho các anh em PVEP khi Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria đã kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ, bố trí chỗ ăn ở cho toàn đoàn. Sau 7 tuần mắc kẹt tại Đại sứ quán, nhờ sự hỗ trợ của đặc biệt từ phía Đại sứ quán, của lãnh đạo PVEP và các ban chức năng, 9 cán bộ, kỹ sư đã được về Việt Nam theo các chuyến bay giải cứu, 4 người được bố trí quay lại mỏ để phục vụ công tác sản xuất từ ngày 7/5.

Vào tháng 7, dịch bệnh bùng phát nhanh và mạnh tại Algeria, khu vực mỏ đã có những ca nhiễm đầu tiên của nhân viên địa phương đến đổi ca. Tuy các ca nhiễm đã được cách ly kịp thời không gây lây lan ra cộng đồng cán bộ nhân viên làm việc tại mỏ nhưng cũng có rủi ro lớn về việc mất kiểm soát dịch bệnh. Nhiều tháng trời mắc kẹt tại đây, đây cũng là thời điểm căng thẳng nhất đối với anh em PVEP. Vừa lo lắng về dịch bệnh, vừa phải đảm bảo công tác an toàn, anh em cán bộ, kỹ sư cảm thấy căng thẳng. Đặc biệt hơn nữa đối với anh Nguyễn Thế Vinh khi trong thời điểm mắc kẹt tại dự án thì ở Việt Nam mẹ anh lâm trọng bệnh và qua đời. Anh em PVEP tại dự án cũng như lãnh đạo, anh em ở Việt Nam cảm thấy hết sức đau lòng, động viên, chia sẻ nỗi buồn cùng anh Vinh và gia đình cũng như cố gắng tìm cách để anh Vinh được về Việt Nam sớm nhất. Đối với cá nhân anh Vinh, nén đau thương, anh tiếp tục công việc và hoàn thành nhiệm vụ được giao, thể hiện rõ tinh thần ý chí, bản lĩnh của người đảng viên, người lao động Dầu khí. Sau khi tình trạng căng thẳng do dịch bệnh được nới lỏng, anh Vinh cũng được PVEP phối hợp với Đại sứ quán đưa về nước.

Thời điểm dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng, diễn biến khó lường, các biện pháp thắt chặt kiểm soát, các biện pháp sàng lọc và cách ly lúc này được áp dụng nghiêm ngặt hơn tại Algeria cũng như dưới mỏ. Nhận thấy nguy cơ lây nhiễm rất tiềm ẩn, nhờ sự giúp đỡ của Đại sứ quán cũng như dự án GBRS, PVEP đã quyết định sơ tán 4 người nữa về Việt Nam. Chỉ còn lại 3 cán bộ chủ chốt vẫn tiếp tục bám trụ ở lại làm việc, phối hợp cùng các nhân viên địa phương đảm bảo không gián đoạn vận hành khai thác, đảm bảo sản lượng cũng như thi công khoan phát triển.

Người Dầu khí trong tâm dịch Sahara

Cán bộ, kỹ sự PVEP tự cắt tóc cho nhau trong thời gian “mắc kẹt” tại mỏ Bir Seba

Trong bối cảnh đặc biệt này, những chỉ đạo điều hành online, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt được PVEP cũng như anh em dưới mỏ triển khai đã giúp dự án hoàn thành các chỉ tiêu khai thác, cũng như triển khai các hoạt động lớn như khoan phát triển các giếng giai đoạn phát triển Phase II được diễn ra suôn sẻ đã chứng tỏ sự chuyên nghiệp, chủ động và hiệu quả của PVEP.

hanh-trinh-vuot-len-chinh-minh-xa-hon-mot-vong-trai-dat-4

Anh em cán bộ tham gia giải chạy online trong thời gian mắc kẹt tại mỏ Bir Seba

Hơn 10 tháng ở lại tại mỏ, anh Lê Bá Tuấn cùng các cán bộ, nhân viên của PVEP đã luôn chủ động tuân thủ biện pháp phòng ngừa Covid-19, đương đầu các thách thức, tự ý thức rèn luyện, giữ cho mình sức khỏe, chủ động sáng tạo trong công việc để đảm bảo các mục tiêu của dự án và Tổng công ty. Anh Lê Bá Tuấn chia sẻ: Xa nhà lâu, ai cũng nhớ gia đình, nhớ quê hương. Hiểu được tâm tư, tình cảm đó, Chủ tịch PVEP Trần Hồng Nam, Tổng giám đốc Trần Quốc Việt, Phó Tổng giám đốc phụ trách dự án Vũ Minh Đức, Trưởng đại diện dự án Nguyễn Thanh Hải và Ban lãnh đạo Tổng công ty cũng như bộ phận quản lý dự án Algieria của Tổng công ty đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho chúng tôi. Các đồng chí luôn luôn lắng nghe, tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích về cả cơ chế, chính sách để chúng tôi yên tâm công tác. Tại Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo còn đến từng gia đình để nói chuyện động viên tới bố mẹ, vợ con từng CBNV… đây là nguồn động lực vô cùng to lớn cho gia đình và cá nhân chúng tôi, do vậy chúng tôi luôn phấn đấu hết mình trong công việc. Bởi hậu phương đã vững, tiền tuyến chắc chắn thắng to!

Với sự giúp đỡ và quan tâm hết sức nhiệt tình của Ngài Đại sứ Nguyễn Thành Vinh, Chánh Văn phòng sứ quán Trương Anh Dũng, Phụ trách lãnh sự Đào Văn Huỳnh và các cán bộ nhân viên của Đại sứ quán, Quân vụ, Thương vụ và Thông tấn xã tại Algeria, chúng tôi đã kịp thời nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ tìm kiếm và thu xếp chuyến bay; hỗ trợ ăn, ở, đi lại trong thời gian trung chuyển tại thủ đô Algeria, tiếp tế một số nhu yếu phẩm, thuốc men… Hơn hết là sự giúp đỡ, hỗ trợ nhiệt tình và chân thành, ấm áp từ phía các bạn địa phương, thấm tình Việt Nam – Algeria. Tất cả những điều này đã góp phần rất lớn để anh em chúng tôi luôn giữ được tinh thần trong những ngày tháng khó khăn này.

Lo lắng, sợ hãi là không thể tránh khỏi và cả vất vả vì phải làm việc gấp đôi, gấp ba ngày thường, nhưng dường như mục tiêu hoàn thành công việc để về nhà an toàn đã tiếp thêm nghị lực cho những người lao động dầu khí vượt qua nghịch cảnh…

“Dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, có thể những ngày tháng ở lại mỏ vẫn còn dài nhưng chúng tôi – những người đi tìm lửa, luôn khẳng định rằng, trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào cũng luôn nêu cao tinh thần, giữ vững cho mình sự say mê, nhiệt huyết với công việc… trong mọi hoàn cảnh, sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không nề hà khó khăn, quyết tâm luôn để ngọn lửa dầu khí cháy trong tim”, anh Lê Bá Tuấn chia sẻ!

Khánh An