Sau bao ngày kẹt lại nơi đất khách, cảm xúc của lần về nhà này sau những tháng ngày sống giữa tâm dịch nơi đất khách quê người rất đặc biệt với người dầu khí, niềm vui, hạnh phúc thật sự vỡ òa…
Kỳ cuối: “Vỡ oà” niềm vui ngày trở về
Đầu tháng 7, khi nghe thông tin PV Drilling thuê được máy bay để đưa người sang thay ca và đưa người về, ai cũng phấn khởi, nóng ruột, muốn về ngay. Nhưng người sang được thì cũng phải cách ly 2 tuần nữa mới có thể ra giàn để thay ca. Tuy nhiên, cũng chỉ hơn một nửa số người trên giàn được về trên chuyến bay đó. Anh Nguyễn Huy Tú – thuyền trưởng (Barge Captain) giàn PV DRILLING II – cho biết, mọi người đều rất muốn về nhưng do yêu cầu của công việc nên anh cùng một số anh em nữa phải ở lại để chờ giàn kết thúc công việc và kéo giàn về Việt Nam. Thời điểm đó rất cần nhân sự để đưa giàn về vì người Malaysia không chịu theo giàn sang Việt Nam bởi họ biết như vậy có thể sẽ bị kẹt lại nhiều tháng trời. Ban lãnh đạo PV Drilling đã động viên anh em tiếp tục cố gắng, ở lại thêm khoảng 2-3 tuần nữa, chờ kéo giàn về để bảo đảm an toàn. Thuê chuyến bay riêng để đưa người sang thay ca là cả quá trình đầy khó khăn phức tạp, thể hiện sự quan tâm, đồng cảm sâu sắc của Ban lãnh đạo PV Drilling đối với người lao động đang bị kẹt tại nước ngoài.
Giàn PV DRILLING II |
Đến ngày 19-7, giàn khoan PV DRILLING II bắt đầu rời khỏi vùng biển của Malaysia, được kéo về đến Vũng Tàu ngày 26-7. Những người thực hiện đưa giàn vào vị trí, tổ chức mọi thứ cho ổn định, chống chân rồi tiếp tục ở đó cách ly thêm 1 tuần nữa để đủ thời gian 2 tuần. “Về đến Vũng Tàu, mọi người phấn chấn hẳn lên, đỡ lo lắng, chỉ chờ được lấy mẫu xét nghiệm Covid. Mọi người đều mong đừng ai bị nhiễm để có thể được về nhà trót lọt” – anh Tú chia sẻ.
Ngày 3-8 có kết quả xét nghiệm lần thứ 2, tất cả đều âm tính, mọi người thở phào nhẹ nhõm. Sau đó, lực lượng biên phòng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu làm thủ tục nhập cảnh cho mọi người trên giàn. Tuy nhiên, đến ngày 4-8 cũng chỉ một số người được rời giàn về nhà, một số người vẫn phải ở lại để gấp rút chuẩn bị cho công tác sửa chữa, bảo trì bảo dưỡng giàn chuẩn bị cho hợp đồng khoan mới ngay sau đó và chờ người ra thay. “Mọi người đã trải qua rất nhiều cảm xúc trong thời gian 6 tháng, nhiều người lo lắng, suy sụp, mất tinh thần làm việc… Nhưng tất cả đều đã vượt qua và bình an trở về với gia đình. Cảm xúc của lần về nhà này thật sự đặc biệt, vui mừng, hạnh phúc không lời nào có thể diễn tả hết” – anh Tú bộc bạch.
Ngày 16-8-2020, 23 người lao động là kỹ sư, thủy thủ được PTSC thuê một chuyến bay riêng sang Malaysia để lai dắt tàu tàu chứa FSO GOLDEN STAR về nước. Việc lai dắt tàu về cũng lắm gian nan. Khi máy bay vừa hạ cánh, nhân viên an ninh và y tế “tống” họ vào một chiếc xe khách, mỗi người được phát 1 chai nước và lấy mẫu xét nghiệm. Thời gian cứ trôi qua một cách chậm chạp, bụng đói cồn cào, muốn tiểu tiện cũng phải nín nhịn. Nguyên một ngày dài như thế ngồi trên xe, đến 1 giờ sáng có kết quả âm tính, mọi người được về khách sạn tại Kuala Lumpur tiếp tục cách ly 14 ngày theo quy định. Hết 14 ngày, xe lại chở đoàn từ Kuala Lumpur về Johor Bahru, lại bị “nhốt” trên xe, lại nhịn đói từ sáng sớm, chờ test Covid lần thứ 2 và khi Mai Hải Đăng đón anh em về tàu thì đã là 2 giờ sáng, mọi người gần như kiệt sức vì đói.
Tối ngày 9-9-2020, tàu xin được giấy phép, 6 giờ sáng ngày 10-9-2020, sau lễ chào cờ, anh em được lệnh rời cảng hướng về Việt Nam. Không thể tả được hết niềm vui, niềm vui ấy đã vỡ òa trong sự tự hào, sự nhớ thương, là kết quả của quyết tâm, của tinh thần dầu khí với nghị lực và bản lĩnh thép.
Niềm vui người lao động trên giàn PV DRLLING II |
Công việc phải xa nhà triền miên khiến những người thủy thủ, những kỹ sư, công nhân trên những giàn khoan, con tàu dầu khí, luôn cảm thấy “mắc nợ” với gia đình. Anh Nguyễn Huy Tú chia sẻ: “Gia đình, vợ con thiệt thòi rất nhiều, mỗi khi mình đi làm xa hàng tháng, hàng năm trời, con cái do một tay vợ chăm sóc, lo lắng bên nội, bên ngoại. Khi con cái học hành, gặp khó khăn cần có bố bên cạnh để động viên, chỉ dạy thì mình không trực tiếp hướng dẫn cho con. Những ngày con được nghỉ học, ngày hè muốn cùng ba mẹ đi chỗ này, chỗ khác nhưng mình cứ đi biền biệt”.
Anh Lại Hoàng Anh – giàn trưởng (Rig Manager) giàn PV DRILLING II – đã gắn bó với công việc trên các giàn khoan từ khi mới ra trường, rồi các dự án đóng giàn, dự án khoan, việc điều hành giàn khoan. Việc xa nhà dường như là số phận của anh. Đa số thời gian anh sống xa gia đình. Mỗi giai đoạn, mỗi chuyến đi đều có những cảm xúc khác nhau, những trải nghiệm giúp anh trưởng thành và chững chạc hơn trong cả công việc và cuộc sống. Nhưng đối với người đi biển, đi làm ca kíp, làm việc xa gia đình, ai cũng muốn sau 28 ngày về nhà với vợ con, với đất liền. Trên giàn điều kiện thông tin, liên lạc hiện nay rất đầy đủ, nhưng cũng không thể lấp đầy được những khoảng trống về gia đình.
Có dịp trao đổi với nhiều người lao động dầu khí làm việc xa nhà, chúng tôi thấy trong họ sự trân trọng, biết ơn và nặng lòng với gia đình. Nhìn những người thợ dầu khí hào sảng, “ăn sóng, nói gió”, mạnh mẽ trước những cơn sóng dữ, giữa biển khơi đầy hiểm nguy, mấy ai biết được trong sâu thẳm trái tim họ luôn có nỗi đau đáu với gia đình, khi gắn với công việc của mình với những ngày tháng xa nhà biền biệt.
Mai Phương – Thu Phượng