Năm 2020, lịch sử phát triển ngành Dầu khí sẽ ghi thêm vào trang sử xây dựng và phát triển của mình một dấu ấn thật ấn tượng. Đó là vượt qua một năm với vô vàn khó khăn chưa từng xảy ra trong quá khứ. Tuy nhiên bằng các phương pháp quản trị hiện đại, kinh nghiệm tiên tiến, tập thể cán bộ, người lao động ngành Dầu khí cùng đồng sức chung lòng vượt qua thách thức.
Qua khó khăn càng thêm vững vàng
Tại công trường dự án Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Sông Hậu, những tháng đầu năm 2020 là thời điểm mà Dự án NMNĐ Sông Hậu 1 đang trong giai đoạn triển khai quan trọng, cần đẩy nhanh tiến độ các hạng mục trên đường găng để đảm bảo đạt được các mốc tiến độ.
Thế nhưng dịch Covid-19 xảy ra đã tác động rất lớn đến tình hình triển khai thi công, lắp đặt và chạy thử Nhà máy. Trong thời gian này, việc huy động nhân lực, vật tư thiết bị cho thi công, lắp đặt và chạy thử gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc không thể huy động các chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại Dự án để thực hiện các khâu, các công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. Đã có một số hạng mục bị ảnh hưởng như: Hệ thống nước làm mát; Các hạng mục, hệ thống của nhà thầu DHI; Hệ thống lọc bụi tĩnh điện; Hệ thống thải tro xỉ; Hệ thống khử lưu huỳnh. Điều này dẫn đến tiến độ chung của Dự án bị ảnh hưởng.
Nhiệt điện Sông Hậu 1 chờ cơ chế |
Ông Hồ Xuân Hiền – Giám đốc Cty NĐ Sông Hậu cho biết, để ứng phó với tác động của “khủng hoảng kép”, Ban QLDA đã phối hợp với Tổng thầu LILAMA triển khai các giải pháp tại Ban QLDA cũng như trên công trường NMNĐ Sông Hậu 1 như về phương án phương án, kịch bản ứng phó phòng, chống dịch Covid-19… Ban QLDA cùng với Tổng thầu LILAMA và các nhà thầu phụ đã nghiên cứu điều chỉnh kế hoạch triển khai công việc Dự án cho phù hợp, bảo đảm công việc thi công trên công trường vẫn được triển khai, cố gắng giảm thiểu các tác động của Covid-19 đến tiến độ chung của Dự án. Với các giải pháp đã được triển khai hiệu quả như điều chỉnh kế hoạch công việc; thay đổi tiến trình thi công các hạng mục công việc, sử dụng nguồn nội lực để thực hiện một số công việc thay cho các chuyên gia nước ngoài …
Đến thời điểm này, Nhà máy đã ứng phó với dịch Covid-19 và đảm bảo tiến độ tổng thể tình hình thi công trên công trường, không để xẩy ra tình trạng công trường phải dừng hoạt động. Trong đó, 2 công trình: “Sân phân phối 500 kV Trung tâm Điện lực Sông Hậu” và “Đốt lửa lần đầu Lò hơi Tổ máy số 1 Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 thành công” đã được gắn biển chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Còn tại Công ty CP dịch vụ lắp đặt vận hành và bảo dưỡng công trình dầu khí (POS), để đối phó với những khó khăn, thách thức, trong năm 2020 Công ty đã triển khai một loạt các giải pháp như tăng cường công tác quản lý, hợp lý hóa sản xuất để tiết giảm chi phí và gia tăng lợi nhuận, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, rà soát các định mức cũng như tham gia tối đa công tác đấu thầu để tìm kiếm công việc trong nước và nước ngoài… Kết quả trong 9 tháng đầu năm 2020, Công ty đã triển khai tốt kế hoạch được giao, tiếp tục mang lại công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động và từng bước nâng cao thương hiệu, uy tín của Công ty tại thị trường trong nước và nước ngoài.
Giàn BK-21 |
Với Xí nghiêp Xây lắp – VSP thì gặp khó khăn ngay khi triển khai thi công các hạng mục đầu tiên để chế tạo kết cấu cho giàn BK-21. Đứng trước khó khăn do đại dịch Covid-19 và giá dầu thế giới giảm sâu, hàng loạt các giải pháp ứng phó được tiến hành như tăng tiến độ thiết kế, thực hiện khẩn các đơn hàng còn lại, rà soát sử dụng vật tư thiết bị (VTTB) tồn kho hoặc tạm sử dụng VTTB của công trình có độ ưu tiên thấp cho công trình BK21, tăng cường phối hợp, đôn đốc các nhà thầu về thời hạn cung cấp hàng đúng theo hợp đồng hoặc giảm tối đa thời hạn bị trễ do ảnh hưởng của đại dịch, rà soát tổng thể các công đoạn xây dựng cho toàn bộ công trình đề phòng trường hợp nhà thầu không thể cung cấp VTTB đúng thời hạn do đại dịch COVID -19 kéo dài và lan rộng, có giải pháp thi công phù hợp hay biện pháp kỹ thuật thay thế…
Công trình BK21 đã hoàn thành trước kế hoạch 28 ngày, xứng đáng là công trình chào mừng Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. |
Ngày 28/9/2020, Hội đồng nghiệm thu của Vietsovpetro đã tiến hành nghiệm thu tổng thể giàn BK-21 và các hạng mục công trình liên quan. Hội đồng nghiệm thu đánh giá rất cao về chất lượng và tiến độ xây dựng. BK21 đã sẵn sàng cho công tác chạy thử và đưa vào khai thác.
9h00 ngày 02/10/2020, sau khi hoàn thành các công việc chuẩn bị, Xí nghiệp Khai thác đã thực hiện gọi dòng thành công giếng BH-49, sau đó vào lúc 10h45 đã tiếp tục gọi dòng giếng BH-48; đến 19h15 ngày 03/10/2020 đã tiếp tục gọi dòng giếng BH-47. Công trình BK21 đã hoàn thành trước kế hoạch 28 ngày, xứng đáng là công trình chào mừng Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Hạ Thủy giàn BK-21 |
Riêng khu Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau, các đơn vị đã xây dựng các kịch bản sẵn sàng trong tình huống khẩn cấp ứng phó với dịch Covid -19 vừa xây dựng kịch bản sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, tại Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mauđối mặt với việc huy động nhân sự nước ngoài (Siemens) tham gia công tác Tiểu tu Nhà máy Điện Cà Mau 1&2 trong năm 2020 và công tác Đại tu nhà máy điện Cà Mau 1 năm 2021 rất khó khăn, phát sinh nhiều chi phí liên quan do công tác cách ly theo quy định Chính phủ Việt Nam.
Công ty Khí Cà Mau (KCM) cũng vậy, trong đại dịch nhu cầu nhiên liệu phục vụ sản xuất- dân dụng giảm, giá dầu giảm, ảnh hưởng kép đến KCM khi có sản phẩm là khí khô, LPG và Condensate. Nhưng KCM phối hợp A0 nỗ lực huy động tiêu thụ khí PM3 khi giá khí rẻ, có lợi cho khách hàng nhiệt điện. Cùng với đó, KCM đã xây dựng kế hoạch sản xuất Nhà máy GPP, phối hợp KDK (Công ty Kinh doanh Khí) linh hoạt trong điều độ xuất sản phẩm LPG, Condensate, tồn kho tại KCM và hệ thống các kho chứa khách hàng PVGAS….
Covid -19 là phép thử
Trong hệ thống các đơn vị thành viên của Petrovietnam, có những đơn vị không những đối mặt với khủng khoảng kép từ đại dịch mà còn đối mặt với áp lực từ những cơ chế chính sách trong nước như Công ty CP Phân bón Cà Mau (PVCFC), Tổng công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí (PVFCCo). Tuy nhiên, bằng các giải pháp quản trị điều hành, ứng phó với biến động giá của mặt hàng phân bón và họ đã vượt qua khó khăn và duy trì tăng trưởng.
Cảng xuất hàng của Đạm Cà Mau |
Đại diện lãnh đạo PVFCCo ông Cao Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc cho biết đơn vị này đã và đang tích cực thực hiện những kịch bản, giải pháp toàn diện để ứng phóvượt khủng khoảng do giá dầu giảm và dịch bệnh Covid-19. Một mặt, PVFCCo luôn đảm bảo an toàn trong sản xuất, vận hành sản xuất tốt, liên tục, hiệu quả để tận dụng cơ hội giảm giá thành do giá khí đầu vào giảm theo đà giảm của giá dầu, mặt khác PVFCCo cải tiến, sáng tạo phù hợp với nhu cầu thị trường, kế hoạch tiêu thụ năm và đặc biệt là tình hình thời tiết, thiên tai, dịch Covid-19 như năm nay.
Đặc biệt, PVFCCo linh hoạt điều động hàng theo thời vụ, thời tiết, tăng cường xuất khẩu hàng; từ thời điểm tình trạng dịch được công bố, PVFCCo cũng nhanh chóng chuyển các hoạt động xúc tiến thương mại có tập trung đông người, tiếp xúc trực tiếp… sang hình thức, hoạt động khác phù hợp hơn như digital marketing… Bên cạnh sản phẩm truyền thống là Đạm Phú Mỹ, PVFCCo tích cực đưa các sản phẩm chuyên dùng cho mùa khô hạn như dòng NPK Phú Mỹ 20-5-5+TE, phân đạm bổ sung vi lượng TE, phân bón NPK lỏng ra thị trường.
Xuất hàng NPK của Đạm Phú Mỹ |
Là đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón đầu ngành, Phân bón Cà Mau cũng chịu tác động lớn và phải nỗ lực bội phần để có thể vượt tâm bão. Bà Nguyễn Thị Hiền Phó TGĐ PVCFC cho biết: Trong những giai đoạn cam go như vừa rồi, PVCFC hoạt động quản trị, điều hành đã được nâng lên mức độ đỏ để có thể đảm bảo bộ máy hoạt động ổn định. Lãnh đạo vững tay chèo dẫn dắt đội ngũ đoàn kết, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh đã đề ra trong năm. Và PVCFC tiếp tục nâng cao công tác quản lý bằng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, tiết giảm chi phí thông qua vận hành nhà máy ổn định, áp dụng các chương trình, ý tưởng mới nâng cao năng suất. Tối ưu hóa và tiết kiệm năng lượng một cách hiệu quả.
Ở khía cạnh khác, Phó TGĐ Nguyễn Thị Hiền cho rằng: Covid -19 là phép thử cho mọi doanh nghiệp. Phân bón Cà Mau thấy mình ngày càng “cứng cáp” hơn sau cơn khủng hoảng này. Nếu như những năm trước việc thực hiện tổng bảo dưỡng hầu như đều có chuyên gia nước ngoài phụ trách khi dịch Covid bùng phát PVCFC đã mạnh dạn đảm trách bảo dưỡng nhà máy thay cho các chuyên gia nước ngoài. Hơn 1.950 hạng mục lớn nhỏ hoàn thành sớm hơn kế hoạch, tiết kiệm hiệu quả chi phí cho Công ty.
Còn đó những bất cập về chính sách
Điều mà PVCFC và PVFCCo đối mặt không chỉ trong những tháng đầu năm 2020 mà suốt gần 6 năm qua là chính sách thuế với mặt hàng phân bón. Với việc áp dụng mức thuế XNK ở mức 0% đã có tác dụng ngược kìm hãm sự cạnh tranh của các doanh nghiệp phân bón, kìm hãm sự phát triển cũng như vô tình làm thị trường của doanh nghiệp kinh doanh phân bón bị thu hẹp…
Đại diện cho PVCFC và PVFCCo đều có chung nhận định: Ngay khi Luật thuế 71 có hiệu lực, chỉ thời gian ngắn sau các doanh nghiệp đã thấy bất cập. Do không được khấu từ chi phí nên người tiêu dùng phải gánh chịu tất cả. Trang thiết bị đầu tư nhưng không được hoàn thuế, nguyên liệu sản xuất cũng vậy khiến giá thành bị đội lên.
Được biết mỗi năm Đạm Cà Mau không được khấu trừ gần 350 tỉ đồng tiền thuế, buộc phải đưa vào giá bán. Còn với PVFCCo cũng vậy, từ năm 2015 đến nay, khi phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, Đạm Phú Mỹ không được khấu trừ 1.637 tỉ đồng tiền thuế, buộc phải tăng giá bán, khiến khách hàng – người nông dân chịu thiệt…
Khó khăn tứ bề, nhưng PVCFC, PVFCCo, PV Power Cà Mau, POS… nói riêng hay tất cả đội ngũ người lao động Dầu khí nói chung đã và đang từng ngày vượt qua với sự tự tin mỗi ngày thêm lớn. Điều này một lần nữa cho thấy rằng, mức độ thành công được xác định không phải bởi những gì ta đã đạt được mà bởi những trở ngại ta đã vượt qua, nhất là với Petrovietnam.
Theo Báo Tài nguyên môi trường