Phùng Thị Phương – Uỷ viên BCH, Phó trưởng ban Tổ chức Công đoàn Dầu khí Việt Nam
Để đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh và đánh giá đúng chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Hướng dẫn số 187/HD – TLĐ ngày 16/02/2011 về xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh và đánh giá chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở.
Hướng dẫn này thay thế Thông tri 01/TTr – TLĐ hướng dẫn xây dựng công đoàn cơ sở và nghiệp đoàn vững mạnh do Tổng liên đoàn ban hành ngày 27/10/2006.
Căn cứ Hướng dẫn số 187/HD – TLĐ và tình hình thực tế tại ngành Dầu khí, ngày 09/9/2011, Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã ban hành Hướng dẫn số 606/HD – CĐDK về việc hướng dẫn các công đoàn trực thuộc xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh và đánh giá chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở hàng năm.
Việc xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh và đánh giá chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở hàng năm phải đảm bảo các mục đích, yêu cầu sau:
Một là, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh và đánh giá chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở nhằm giúp các cấp công đoàn có căn cứ đề ra kế hoạch, giải pháp xây dựng và củng cố thường xuyên đối với hoạt động của công đoàn cơ sở, tạo điều kiện cho công đoàn cơ sở nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ.
Hai là, mỗi năm một lần thực hiện đánh giá chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở.
Ba là, các cấp công đoàn trong ngành Dầu khí cần quán triệt nội dung tiêu chuẩn xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh và phương pháp đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thẩm định việc đánh giá, xếp loại.
Bốn là, việc đánh giá, xếp loại công đoàn cơ sở vững mạnh bảo đảm tính dân chủ, khách quan, công khai, đúng thực chất, khắc phục tính hình thức, thành tích trong đánh giá chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở.
Việc đánh giá, xếp loại công đoàn cơ sở đều phải thực hiện hàng năm dù công đoàn cơ sở đó trực thuộc Công đoàn Dầu khí Việt Nam hay trực thuộc các công đoàn cấp trên cơ sở. Tuy nhiên, những công đoàn cơ sở thành lập mới hoặc được chia tách, sáp nhập, hợp nhất có thời gian hoạt động chưa đủ 8 tháng trong 1 năm thì không thực hiện đánh giá, xếp loại.
Việc đánh giá, xếp loại công đoàn cơ sở phải được căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ và các nội dung của 3 tiêu chuẩn thể hiện ở bảng tự đánh giá, chấm điểm xếp loại chất lượng hoạt động theo mẫu số 1 hoặc mẫu số 2 (đã được gửi về các công đoàn trực thuộc kèm theo Hướng dẫn số 606/HD – CĐDK). Mẫu số 1 dành cho các công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp Nhà nước gồm các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và các công ty/tổng công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty/tổng công ty cổ phần mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ. Mẫu số 2 dành cho các công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài Nhà nước gồm các công ty/tổng công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty/tổng công ty cổ phần mà Nhà nước sở hữu từ 50% vốn điều lệ trở xuống, các công ty/tổng công ty liên doanh và các công ty/tổng công ty 100% vốn nước ngoài. Hai mẫu biểu này cơ bản giống nhau về các tiêu chuẩn và nội dung, tuy nhiên chỉ tiêu về tỷ lệ CNVC – LĐ gia nhập công đoàn, tỷ lệ tổ công đoàn, công đoàn bộ phận đạt vững mạnh và tỷ lệ cán bộ công đoàn được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công đoàn là khác nhau để phù hợp với tình hình hoạt động của từng mô hình doanh nghiệp, đơn vị.
Bảng tự chấm điểm có tổng số điểm tối đa là 100 điểm, cụ thể như sau:
Tiêu chuẩn 1 tối đa 45 điểm: Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, lao động; tham gia quản lý, xây dựng quan hệ lao động hài hoà trong doanh nghiệp, đơn vị. Tiêu chuẩn này bao gồm các chỉ tiêu về: ký kết thoả ước lao động tập thể; tổ chức đại hội công nhân viên chức hoặc hội nghị người lao động; việc xây dựng các nội quy, quy định, quy chế về tiền lương, tiền thưởng, định mức lao động, đơn giá tiền lương, khen thưởng, kỷ luật của doanh nghiệp; tham gia giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của CNVC – LĐ; xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp giữa Ban Chấp hành Công đoàn và người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị; việc Công đoàn thường xuyên giám sát, hướng dẫn người lao động giao kết và chấm dứt hợp đồng lao động với người sử dụng lao động đúng quy định của pháp luật; giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách và tham gia các hội đồng có liên quan đến quyền, lợi ích của đoàn viên và CNVC – LĐ theo quy định của pháp luật, phối hợp với người sử dụng lao động giám sát việc thực hiện công tác bảo hộ lao động; việc tham gia tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề cho CNVC – LĐ; việc thành lập và hoạt động của hội đồng hoà giải lao động cơ sở…
Tiêu chuẩn 2 tối đa 40 điểm: Xây dựng tổ chức Công đoàn. Tiêu chuẩn này bao gồm các chỉ tiêu: tỷ lệ CNVC – LĐ gia nhập tổ chức Công đoàn; tỷ lệ tổ công đoàn, công đoàn bộ phận, công đoàn cơ sở thành viên đạt vững mạnh; tỷ lệ cán bộ công đoàn được bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ công đoàn; việc xây dựng quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Uỷ ban kiểm tra theo đúng quy định; việc tổ chức sinh hoạt Ban Chấp hành, Uỷ ban kiểm tra theo định kỳ và xây dựng chương trình công tác hàng năm; việc lập sổ và theo dõi, quản lý đoàn viên; việc ghi biên bản các cuộc họp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Uỷ ban kiểm tra; công tác thông tin các hoạt động công đoàn đến đoàn viên và tổ chức tốt các hoạt động nữ công; việc thực hiện trích nộp kinh phí, đoàn phí theo đúng quy định; việc thực hiện chế độ thông tin báo cáo với Công đoàn cấp trên.
Tiêu chuẩn 3 tối đa 15 điểm: Tuyên truyền, vận động đoàn viên, CNVC – LĐ và tổ chức các hoạt động khác. Tiêu chuẩn này bao gồm các chỉ tiêu: tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Công đoàn có liên quan đến đoàn viên và CNVC – LĐ; việc vận động đoàn viên và CNVC – LĐ chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế, quy định của doanh nghiệp; sự phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức phát động các phong trào thi đua; kết quả việc vận động đoàn viên và CNVC – LĐ tham gia các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ nhau trong công việc, giúp đỡ nhau khi khó khăn; việc tham gia các hoạt động văn hoá, thể thao… do Công đoàn cấp trên tổ chức; việc có hay không có đoàn viên tham nhũng, tiêu cực, bị cơ quan pháp luật phát hiện và xử lý, đoàn viên vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình, mắc tệ nạn xã hội; kết quả giới thiệu đoàn viên ưu tú cho cấp uỷ đảng bồi dưỡng kết nạp.
Cuối năm, thông qua việc chấm điểm các nội dung trên, các công đoàn cơ sở tự đánh giá chất lượng hoạt động và xếp loại công đoàn cấp mình trong năm và báo cáo lên Công đoàn cấp trên trực tiếp; Công đoàn cấp trên trực tiếp tổ chức kiểm tra, thẩm định đánh giá chất lượng hoạt động, xếp loại công đoàn cơ sở và báo cáo tổng hợp kết quả đánh giá chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở trực thuộc quản lý về Công đoàn Dầu khí Việt Nam theo mẫu số 3 (đã được gửi về các công đoàn trực thuộc kèm theo Hướng dẫn số 606/HD – CĐDK). Các công đoàn cơ sở được đánh giá chất lượng hoạt động và xếp thành 5 loại sau: công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc, công đoàn cơ sở vững mạnh, công đoàn cơ sở khá, công đoàn cơ sở trung bình và công đoàn cơ sở hoạt động yếu.
– Công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc: Là những công đoàn cơ sở đảm bảo các điều kiện đạt công đoàn cơ sở vững mạnh với số điểm từ 90 điểm trở lên (riêng đối với công đoàn cơ sở có số lượng từ 500 đoàn viên trở lên hoặc hoạt động phân tán, lưu động đạt từ 85 điểm trở lên) đồng thời không có chỉ tiêu nào của Tiêu chuẩn 1 và Tiêu chuẩn 2 đạt 0 điểm.
– Công đoàn cơ sở vững mạnh: Là những công đoàn cơ sở đạt từ 85 điểm trở lên; riêng đối với công đoàn cơ sở có số lượng từ 500 đoàn viên trở lên hoặc hoạt động phân tán, lưu động đạt từ 80 điểm trở lên. Ngoài đạt số điểm trên thì phải đảm bảo các điều kiện sau: ký kết được thoả ước lao động tập thể với nhiều nội dung có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật; không có tai nạn lao động chết người tại nơi làm việc; thực hiện tốt công tác thu, chi tài chính công đoàn, nộp kinh phí và đoàn phí lên công đoàn cấp trên theo đúng quy định của Nhà nước, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn Dầu khí Việt Nam.
– Công đoàn cơ sở khá: là những công đoàn cơ sở đạt từ 70 điểm trở lên.
– Công đoàn cơ sở trung bình: là những công đoàn cơ sở đạt từ 50 điểm trở lên.
– Công đoàn cơ sở hoạt động yếu: là những công đoàn cơ sở đạt dưới 50 điểm.
Năm 2012, trong tổng số 171 công đoàn cơ sở của cả Ngành được đánh giá chất lượng hoạt động và xếp loại (có 2 công đoàn cơ sở không thực hiện xếp loại vì mới chuyển về) thì có 111 công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc, chiếm 64,912%; 43 công đoàn cơ sở vững mạnh, chiếm 25,146%; 16 công đoàn cơ sở khá, chiếm 9,357% và 1 công đoàn cơ sở trung bình, chiếm 0,585%. Như vậy, số công đoàn cơ sở vững mạnh trở lên chiếm 90% tổng số công đoàn cơ sở được đánh giá chất lượng. Điều này cho thấy phần lớn các công đoàn cơ sở trong Ngành hoạt động với chất lượng tốt, được Công đoàn cấp trên đánh giá cao.
Hy vọng rằng, sau khi tổ chức đại hội, các công đoàn cơ sở nói riêng và các cấp Công đoàn trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói chung phát huy những thành tựu, ưu điểm trong những năm trước để bước sang nhiệm kỳ mới hoạt động chất lượng cao hơn nữa. Điều này không phải là sự mong muốn thành tích hình thức mà điều cốt lõi là chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn phải đáp ứng được sự mong mỏi của đoàn viên đồng thời góp phần giúp cho đơn vị nói riêng và Tập đoàn nói chung ngày càng phát triển.