14/09/2020 1:38:05

Đi theo mệnh lệnh trái tim

Từ những năm đầu tiên sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với tinh thần quốc tế vô sản và theo mệnh lệnh của trái tim, các chuyên gia Liên Xô đã sang giúp Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và phát triển đất nước. Hình ảnh ấy luôn khắc sâu trong tâm trí của nhân dân Việt Nam nói chung và các thế hệ cán bộ, người lao động ngành dầu khí nói riêng.

Là một trong những cán bộ từng công tác ở Xí nghiệp Liên doanh dầu khí Việt-Xô, gọi tắt là Vietsovpetro (ngày nay là Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro) ở thành phố biển Vũng Tàu thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Ngô Thường San, Anh hùng Lao động, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, nguyên Tổng giám đốc Vietsovpetro, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam có nhiều kỷ niệm với các chuyên gia dầu khí Liên Xô. Dù đã ở tuổi 82 nhưng ông Ngô Thường San còn rất minh mẫn, vẫn tận tâm tận lực cống hiến cho ngành dầu khí Việt Nam.

Một dịp, tôi được ông San kể cho nghe về những năm tháng công tác tại Vietsovpetro. Hồi Vietsovpetro mới thành lập vào năm 1981, ông San giữ vị trí Phó tổng giám đốc; sau đó, được tập thể hai phía Việt Nam, Liên Xô bầu làm Tổng giám đốc. Cùng tôi ôn lại chuyện cũ, ông không nhắc tới việc mình lãnh đạo Vietsovpetro khó khăn, phức tạp như thế nào để trở thành “con chim đầu đàn” của ngành dầu khí Việt Nam mà chỉ say sưa kể về những người bạn chuyên gia Liên Xô được cử sang giúp Việt Nam khai thác dầu khí. Ông San bồi hồi xúc động nhớ lại: “Năm 1979, Đảng và Nhà nước ta quyết định hợp tác toàn diện với Liên Xô để thăm dò và khai thác dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế trên vùng biển Việt Nam. Hồi đó, mỗi năm, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam một triệu tấn dầu với chi phí vận chuyển vô cùng tốn kém vì phải đi đường biển rất xa. Vì vậy, Liên Xô quyết định thay đổi chiến lược: Phải giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp dầu khí, tức là giúp Việt Nam “cần câu cá”. Quyết định đầu tư cho ngành dầu khí Việt Nam, Liên Xô đã nêu ra khẩu hiệu ấm áp tình nghĩa: “Sang làm việc ở Việt Nam xuất phát từ mệnh lệnh của trái tim”; cử các cán bộ giỏi, giàu kinh nghiệm của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Liên Xô sang Việt Nam và thành lập Vietsovpetro”.

di theo menh lenh trai tim

Ông Ngô Thường San nghiên cứu tài liệu về mỏ dầu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo ông Ngô Thường San, lúc đó, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Liên Xô và Bộ Công nghiệp Khí Liên Xô rất nhiệt tình ủng hộ việc thành lập Vietsovpetro. Ngày 25-5-1984, Vietsovpetro tiến hành thử vỉa và phát hiện dầu trong trầm tích Miocen (tầng 23). Cả nước nói chung, nhân dân Vũng Tàu nói riêng vui mừng hân hoan và tin tưởng rằng sẽ khai thác được dầu. Ngày 3-6-1984, lễ mừng đón dòng dầu đầu tiên được tìm thấy ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam diễn ra tại Vũng Tàu. Cuối năm 1984, Bộ Công nghiệp Khí Liên Xô phê duyệt trữ lượng và sơ đồ công nghệ khai thác thử mỏ Bạch Hổ. Do đó, ngoài giếng BH-5 (giếng thăm dò đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ), Vietsovpetro cần phải nhanh chóng có giếng thăm dò thứ hai và mở rộng diện tích thăm dò. Phía Việt Nam yêu cầu khoan giếng BH-4 ở phía bắc mỏ Bạch Hổ, cách giếng BH-5 khoảng 10km. Quan điểm khoan giếng BH-4 của được Bộ Công nghiệp Khí Liên Xô ủng hộ. Khi đó, đồng chí Đỗ Mười, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định cho khoan giếng BH-4. Tháng 10-1984, đoàn của Vietsovpetro sang Moscow để tham gia duyệt báo cáo trữ lượng và sơ đồ công nghệ mỏ Bạch Hổ do Viện Nghiên cứu và thiết kế dầu khí biển Sakhalin lập. Các đồng nghiệp Liên Xô ủng hộ phương án khai thác sớm mỏ Bạch Hổ vì khoan qua tầng 23 có biểu hiện dầu tốt và gặp tầng sản phẩm mới khá dày. Tổng lưu lượng ở các vỉa có thể lên đến 1.000 tấn/ngày.

Ông Ngô Thường San nhớ lại, lúc đó, cán bộ, kỹ sư Việt Nam chưa có khái niệm về móng granit nên vẫn tiếp tục khoan, nhưng càng xuống sâu đến 3.118m càng bị mất dung dịch mạnh. Cán bộ cả hai nước vô cùng lo lắng và suy nghĩ. “Cái khó ló cái khôn”, ông V.S.Vovk, Giám đốc Xí nghiệp khoan và ông Đinh Văn Danh, Phó giám đốc Xí nghiệp khoan đã nghĩ ra sáng kiến trộn trấu với đất sét để chống mất dung dịch. Sau khi đặt xong cầu xi măng ngăn cách, việc bắn vỉa và khai thác tầng 23 được thực hiện theo chương trình và dòng dầu đầu tiên được chuyển về UBN (tàu Krưm) vào ngày 26-6-1986. Vui mừng vì đất nước có dầu chưa được bao lâu, Vietsovpetro lại rơi vào tình trạng bế tắc, tưởng chừng không thể vượt qua được khi biết tin như “sét đánh ngang tai”: Sản lượng dầu ở mỏ Bạch Hổ vừa mới khai thác đã có nguy cơ sụt giảm nhanh chóng! Sau khi nghe ông Ngô Thường San báo cáo thực trạng của mỏ Bạch Hổ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã động viên: “Các đồng chí phải bình tĩnh và kiên trì. Phải tin vào trình độ của các bạn Liên Xô. Phải tiến lên phía trước, không được nghĩ đến lùi bước”.

Đoàn chuyên viên cao cấp của Bộ Công nghiệp Dầu Liên Xô do Thứ trưởng L.I.Filimonov dẫn đầu sang kiểm tra công việc. Tham gia đi với đoàn có Vụ trưởng Vụ Địa chất và Công nghệ mỏ Liên Xô. Ông Ngô Thường San và ban lãnh đạo hai phía Việt Nam, Liên Xô đều lo lắng là sẽ bị phê bình và phải nghe một kết luận khiển trách về mỏ Bạch Hổ. Nhưng ngược lại, đoàn chuyên viên cao cấp Bộ Công nghiệp Dầu Liên Xô còn hướng dẫn lại cách tổ chức kiểm tra khai thác sao cho tốt hơn và cần phải nhanh chóng tổ chức bơm ép nước, chuẩn bị khai thác thứ cấp bằng bơm ly tâm. Thứ trưởng L.I.Filimonov còn lưu ý 4 điểm; trong đó, có điểm thứ 3 là: “Sẽ cử các chuyên gia về công nghệ mỏ sang xây dựng trong Vietsovpetro một viện nghiên cứu và thiết kế đủ mạnh để có thể thực hiện chức năng thiết kế mỏ và công trình biển tại Việt Nam”. Riêng điểm lưu ý thứ 4 được coi là đặc biệt quan trọng là ngay lúc đó phải tổ chức bơm ép nước để duy trì áp suất vỉa. Việc bơm ép duy trì áp suất vỉa không kịp thời sẽ gây hậu quả khó khăn về sau, ảnh hưởng đến hệ số thu hồi. Vì thế, Viện Nghiên cứu khoa học và thiết kế (NIPI) thuộc Vietsovpetro ra đời và làm lại thiết kế mỏ Bạch Hổ. Sau đó, Vietsovpetro đã làm được một điều hãn hữu trong lịch sử dầu khí khi một giếng được khai thác bằng bộ khoan cụ. Giếng đã cho dòng dầu lớn, ước tính khoảng 2.000 tấn/ngày.

Việc Việt Nam phát hiện ra dầu ở tầng đá móng vào ngày 6-9-1988 và bơm nước vào vỉa để duy trì áp suất vỉa đóng góp lớn vào công nghệ khai thác dầu trên thế giới. Khi nhắc đến sự kiện nổi tiếng này, ông Ngô Thường San xúc động nói: “Không hiểu rằng ngày ấy, nếu không có sự giúp đỡ hết lòng, chí tình, chí nghĩa của các chuyên gia Liên Xô và sự tận tụy ngày đêm của đôi ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân Việt Nam ở Vietsovpetro để tìm thấy dầu dưới tầng đá móng thì tình hình kinh tế đất nước như thế nào! Vỉa dầu của ta áp suất rất cao. Việc khai thác lúc đầu cứ như là “ông trời’’ ban cho của dưới lòng biển”.

Từ năm 1993, Vietsovpetro lại tìm ra công nghệ bơm nước vào vỉa để ép dầu. Ông Aresev, Viện trưởng NIPI và ông Trần Lê Đông, Viện phó NIPI chủ trì đề tài bơm ép nước vào vỉa. Giải pháp bơm ép nước để tăng hệ số đẩy và quét dầu trong không gian rỗng của tầng đá móng nứt nẻ làm tăng hệ số thu hồi dầu được đánh giá cao về mặt công nghệ khoa học, mang lại lợi ích kinh tế lớn.

Ở độ tuổi xưa nay hiếm, ông Ngô Thường San vẫn luôn ghi nhớ và biết ơn ân tình của các chuyên gia dầu khí xứ sở Bạch dương, những người kề vai sát cánh cùng nhân dân Việt Nam phát triển ngành dầu khí. Ông Ngô Thường San xúc động nói: “Lịch sử phát triển của ngành dầu khí Việt Nam là minh chứng cho tình hữu nghị bền vững giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây, Liên bang (LB) Nga ngày nay. Các thế hệ người Việt Nam nói chung, cán bộ, người lao động ngành dầu khí nói riêng luôn trân trọng tấm lòng của những người con xứ sở Bạch Dương”.

Nhân dân Liên Xô đã dành cho Việt Nam sự giúp đỡ to lớn về tinh thần và vật chất trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Xuất phát từ “mệnh lệnh của trái tim” sang Việt Nam, các chuyên gia Liên Xô không quản khó khăn, vất vả giúp nước ta xây dựng và phát triển đất nước sau chiến tranh. Đó là nền tảng vững chắc để phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và LB Nga.

Theo Quân đội nhân dân