07/09/2020 9:00:41

PVN: Chủ động nhận diện cơ hội, nắm bắt thời cơ từ cuộc CMCN 4.0

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước. Cùng với xu hướng chuyển dịch năng lượng, CMCN 4.0 đưa các công ty dầu khí về cùng xuất phát điểm.

Hiện nay trữ lượng không còn là tài sản quý giá nhất của các công ty dầu khí, thông tin và tri thức đã thay thế vai trò này. Mục tiêu thăm dò hiệu quả để gia tăng trữ lượng, tối ưu công nghệ để khai thác và chế biến hiệu quả dầu khí, tối ưu hệ thống phân phối để giảm chi phí, tối đa lợi thế cạnh tranh trước đây đã trở thành thu thập và tổng hợp tối đa thông tin/tri thức rồi phân tích và xử lý toàn diện để thấu hiểu bản chất và sử dụng hiệu quả để tạo lợi thế cạnh tranh.

pvn chu dong nhan dien co hoi nam bat thoi co tu cuoc cmcn 40
Tàu ngầm Neried Under Ice (NUI) có thể tự thu thập mẫu vật ở độ sâu dưới 500m dưới đáy biển dựa trên trí tuệ nhân tạo (IA).

Do đó, Tập đoàn cần nhận diện các cơ hội, học hỏi kinh nghiệm ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 của các công ty dầu khí và doanh nghiệp trên thế giới; hoạch định được các giải pháp khoa học công nghệ đột phá để chiếm lĩnh thời cơ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu của Tập đoàn trong dài hạn, giúp Tập đoàn phát triển bền vững.

CMCN 4.0 đã và đang tạo ra nhiều thay đổi cơ bản, vượt bậc về công nghệ trong việc thu thập thông tin (cảm biến thông tin ngày càng rẻ, kết nối di động trở nên rộng rãi và phổ biến) và phân tích và xử lý thông tin/tri thức để thấu hiểu bản chất (sức mạnh xử lý, lưu trữ tăng mạnh; nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo phát triển nhanh) để từ đó các công ty có thể quyết định sản xuất kinh doanh hằng ngày hoặc hoạch định chiến lược, kế hoạch dài hạn hiệu quả hơn.

Việc số hóa hoạt động tại các hoạt động hạ nguồn dầu khí có thể giúp tiết giảm 12-20% chi phí hoạt động, dừng hoạt động đột xuất giảm từ 15-25%, hiệu quả hoạt động tăng 8-12%, hiệu suất HSSE (sức khỏe, an toàn, an ninh và môi trường) được cải thiện, năng suất lao động tăng.

Các bản sao số (digital twins) cho phép tối ưu hóa quá trình khai thác từ mỏ đến khâu chế biến. Khả năng mô hình hóa ngày càng chi tiết, khả năng tương tác và cảm biến tốt hơn, các nền tảng và công cụ có sẵn tối ưu hơn đang giúp tạo ra các mô phỏng chi tiết và sống động hơn bao giờ hết. Trong tương lai, sẽ có nhiều công ty sử dụng bản sao kỹ thuật số để tối ưu hóa các quy trình, đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu trong thời gian thực và thiết kế các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới.

Với tiềm năng tăng cường hoặc thậm chí thay thế năng lực của con người, giải phóng con người cho những hoạt động mang tính sáng tạo với nhiều giá trị gia tăng hơn, không có gì bất ngờ khi một khảo sát mới đây của EY cho thấy hơn 92% các công ty dầu khí hiện nay đã đầu tư hoặc có kế hoạch đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) trong 2 năm tới.

Trong số đó, 50% giám đốc điều hành các công ty dầu khí cho biết họ đã bắt đầu sử dụng AI để hỗ trợ xử lý các bài toán khó và thách thức tại công ty mình. Robot với ứng dụng AI là một lĩnh vực đầy hứa hẹn được quan tâm đặc biệt để hạn chế nguy cơ làm việc trong điều kiện nguy hiểm cho con người.

Một số ứng dụng AI tiêu biểu tại các công ty dầu khí lớn trên thế giới như: Vào tháng 12/2016, ExxonMobil tuyên bố hợp tác với đại học MIT của Mỹ để thiết kế robot AI thám hiểm đại dương nhằm phát hiện rò rỉ dầu khí dưới đáy đại dương. Vào tháng 1/2019, BP đầu tư vào công ty công nghệ khởi nghiệp có trụ sở tại Houston – Belmont Technology để củng cố khả năng ứng dụng AI của công ty, nhằm phát triển một nền tảng khoa học địa lý đám mây được đặt tên là “Sandy”. Cổng thông tin Sandy có khả năng diễn giải các lĩnh vực chính của ngành dầu khí thành một “biểu đồ tri thức chuyên ngành”, bao gồm địa vật lý, khoa học địa chất, giếng chứa và thông tin lịch sử của dự án.

pvn chu dong nhan dien co hoi nam bat thoi co tu cuoc cmcn 40

Schlumberger, Chevron và Microsoft đã cho ra mắt trí tuệ nhân tạo cho ngành dầu khí.

Tương tự, tháng 9/2019, tại Diễn đàn Các giải pháp tích hợp phần mềm toàn cầu (SIS) ở Monaco, Schlumberger, Chevron và Microsoft đã cùng giới thiệu giải pháp DELFI. Đây là nền tảng trí tuệ nhân tạo dựa trên công nghệ điện toán đám mây, giúp nâng cao các dịch vụ kỹ thuật số trong các dự án thăm dò, phát triển, khai thác mỏ, tồn trữ và hệ thống các đường ống dầu khí.

Có thể nhận định rằng, để bắt kịp xu hướng phát triển của các tập đoàn dầu khí trên thế giới, cần lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sớm đưa vào chiến lược của ngành với trọng điểm đầu tư là công nghệ trí tuệ nhân tạo để từ đó nâng cao hiệu quả của ngành công nghiệp có vai trò then chốt trong an ninh năng lượng quốc gia.

Tùng Dương