Đối với doanh nghiệp nhà nước, công tác thi đua khen thưởng là không thể thiếu. Ấy vậy nhưng để thực hiện tốt công tác thuộc về “ý thức” này, biến nó thành nhu cầu, động lực thật sự của người lao động không phải là điều đơn giản.
Rất nhiều người biết rằng, việc tổ chức các phong trào thi đua luôn phải thiết thực, cụ thể tập trung vào mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống tinh thần và thu nhập cho người lao động. Nhưng thực tế tại các doanh nghiệp khác nhau, hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, có quá trình hình thành và phát triển khác nhau và đặc biệt là có những người lãnh đạo khác nhau thì cũng phải có kế hoạch thi đua khác nhau để làm sao vừa phải phù hợp với đặc trưng của doanh nghiệp vừa phải hòa vào cái chung của phong trào thi đua yêu nước của đơn vị chủ quản.
Vượt lên khó khăn vì dịch Covid-19 người lao động BSR đang sôi nổi thi đua bảo dưỡng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. |
Theo đó, các phong trào thi đua phải tổ chức đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, môi trường công việc, chức năng nhiệm vụ của từng tập thể, cá nhân và phong trào phải có sức lôi cuốn tạo sân chơi bình đẳng, kích thích sự lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, để tất cả mọi người lao động cùng tham gia với tinh thần hứng khởi, tự giác và hăng say nhất.
Nhằm khuyến khích người lao động trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hăng say lao động sản xuất, tìm tòi, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn cũng như phát huy sáng kiến, sáng chế phục vụ nghiên cứu khoa học, sản xuất, công tác thi đua, khen thưởng của Tập đoàn luôn được chú trọng, đặc biệt luôn quan tâm đến khen thưởng, tôn vinh công nhân, người lao động trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh có nhiều giải pháp, sáng kiến.
Các phong trào thi đua như: “Lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến”, “Thi đua đóng góp ý tưởng sáng tạo”,“Sáng kiến sáng chế cải tiến kỹ thuật”; “PVCFC Eureka – sáng tạo là không giới hạn”, “Hiến kế – Thân thiện – An toàn – Hiệu quả”… đã được các đơn vị triển khai nhằm hưởng ứng các phong trào thi đua của Tập đoàn. Các phong trào thi đua lao động sáng tạo đã mang lại rất nhiều lợi ích quan trọng cả về hiệu quả kinh tế và những đột phá trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh.
Kết quả sau 05 năm (2015-2019), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có hàng ngàn đề tài, sáng kiến, giải pháp với giá trị làm lợi hàng ngàn tỷ đồng và các lợi ích xã hội khác, cụ thể: có 2.779 sáng kiến cấp cơ sở được đơn vị đề nghị Tập đoàn xem xét công nhận, trong đó có 2.098 sáng kiến được công nhận cấp Tập đoàn, số tiền làm lợi hơn 8.772 tỷ đồng.
Có thể đúc kết một số kinh nghiệm về tạo dựng, duy trì và phát huy phong trào thi đua của Tập đoàn như sau: Chủ trương, tư tưởng chỉ đạo, mục đích, yêu cầu và ý nghĩa của phong trào thi đua, các văn bản pháp luật liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng cần được quán triệt một cách sâu rộng, đồng bộ trong toàn bộ hệ thống chính trị của Tập đoàn và phải tạo được sự đồng thuận của tập thể người lao động.
Mặt khác công tác tổng kết, khen thưởng phải kịp thời, công khai, minh bạch, trung thực, đối tượng khen thưởng phải đúng và phải là các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc nhất trong phong trào thi đua, phải ưu tiên nhất cho những tập thể nhỏ và những người trực tiếp lao động. Phải lấy mức độ hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo để bình xét các danh hiệu thi đua. Khen thưởng phải kịp thời, đúng mức, tăng cường các hình thức khen thưởng đột xuất.
Đặc biệt, công tác thi đua, khen thưởng là công việc thường xuyên, liên tục không gián đoạn mà phải là việc làm hàng ngày gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng tập thể và cá nhân theo từng chuyên đề, từng giai đoạn. Phải làm tốt công tác, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến. Làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền, các phong trào thi đua và giới thiệu, động viên, cổ vũ các gương điển hình người tốt việc tốt.
Công tác thi đua, khen thưởng chỉ thành công nếu tất cả các tập thể, cá nhân ý thức được trách nhiệm, bổn phận và quyền lợi của mình khi tham gia phong trào thi đua.
Một điểm nổi bật tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là hầu hết lãnh đạo các cấp đều xuất thân từ những người làm kỹ thuật, có chuyên môn cao và luôn có tư duy sáng tạo. Chính vì vậy, việc phát huy phong trào sáng kiến sáng chế, đổi mới để quản trị doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh không chỉ là trách nhiệm của người lãnh đạo mà còn là đam mê của các anh. Chính tinh thần, sự nêu gương đó đã tiếp lửa cho phong trào thi đua yêu nước, lao động sáng tạo của PVN 45 năm qua và làm nên tầm vóc của ngành dầu khí Việt Nam ngày nay.
Thành Công