Giai đoạn 2015-2019 là quãng thời gian thực sự thử thách đối với lãnh đạo, CBCNV Ban Khai thác Dầu khí. Hoạt động vận hành khai thác gặp rất nhiều khó khăn do các mỏ khai thác chính đang ở giai đoạn suy giảm sản lượng mạnh, độ ngập nước tăng cao và đặc biệt là do giá dầu giảm sâu. Tuy nhiên, với những giải pháp kịp thời, Ban đã đạt được những kết quả ấn tượng. Điều này được ghi nhận khi Ban được tôn vinh là một trong 10 tập thể điển hình xuất sắc của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giai đoạn 2015-2019.
Khó chồng khó
Giai đoạn 2011-2019, PVN có nhiều dự án và công trình dầu khí trong và ngoài nước được đưa vào vận hành khai thác. Chỉ tính riêng trong nước, giai đoạn này đã có 33 mỏ hoặc công trình mới được đưa vào hoạt động trong đó nhiều nhất là trong năm 2014 với 8 dự án mới.
Tuy nhiên, số lượng dự án mới giảm đáng kể trong vòng 3 năm gần đây. Tại thời điểm cuối năm 2019, Tập đoàn đang quản lý, khai thác 22 mỏ/cụm mỏ dầu khí, trong đó có 18 mỏ/cụm mỏ trong nước và 4 mỏ/cụm mỏ đang khai thác dầu thô tại nước ngoài.
Mặc dù có khá nhiều dự án trong nước mới được đưa vào khai thác nhưng các dự án này chủ yếu vẫn tập trung ở khu vực Bể trầm tích Cửu Long và Nam Côn Sơn, một phần nhỏ từ bể trầm tích Sông Hồng và Mã Lai – Thổ Chu. Các khu vực Phú Khánh, Tư Chính – Vũng Mây chưa có dự án nào được đưa vào phát triển khai thác.
Hoạt động khai thác dầu khí đang gặp không ít khó khăn |
Tổng sản lượng dầu thô khai thác trong giai đoạn 2011-2019 đạt gần 130 triệu tấn trong nước và 15 triệu tấn từ nước ngoài, trong đó sản lượng cao nhất vào năm 2015 đạt 18,8 triệu tấn dầu thô (riêng trong nước đạt 16,9 triệu tấn). Lượng khí bán trung bình mỗi năm khoảng 10 tỷ m3 và tổng giai đoạn đạt gần 90 tỷ m3.
Nhìn chung, công tác phát triển và khai thác giai đoạn 2011-2019 ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi biến động giá dầu với sự giảm đột ngột vào cuối năm 2014 kéo theo giảm số lượng các dự án mới được đưa vào sau đó. Ngoài ra, trong giai đoạn này, một dự án khí lớn là dự án khí Lô B cũng chưa thể đưa vào khai thác với nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Sau năm 2015, số lượng khai thác dầu thô các mỏ trong nước bắt đầu bước vào giai đoạn suy giảm đáng kể và các dự án mới đưa vào không đủ bù sản lượng như giai đoạn trước đó.
Bước sang năm 2020, cũng được đánh giá là một năm đầy khó khăn và thách thức cho nền kinh tế nói chung và ngành dầu khí nói riêng. Đại dịch Covid-19 ngay từ cuối năm 2019 và lan rộng vào đầu năm 2020 đã ảnh hưởng lớn tới nhiều dự án phát triển mỏ, nâng cấp thiết bị, sửa chữa, bảo trì bảo dưỡng…
Hơn thế nữa, ngành dầu khí còn chịu tác động kép khi giá dầu tụt giảm mạnh, có lúc xuống tới mức chỉ hơn 20 USD/thùng. Hậu quả của tác động kép này đối với công tác phát triển khai thác là nguồn nhân lực sẵn sàng làm việc thiếu hụt; các dịch vụ cung ứng vật tư, thiết bị bị giãn, hủy; việc xử lý các sự cố trong công tác vận hành khai thác bị trì hoãn, kéo dài dẫn đến thời gian ngừng hoạt động của mỏ nhiều hơn dự kiến; giá dầu thấp làm giảm tính hấp dẫn của các dự án phát triển mỏ mới hoặc đưa các công nghệ mới, các dự án gia tăng hệ số thu hồi dầu vào triển khai thực tế…
Cùng với đó, việc phát triển các mỏ cận biên trở nên không khả thi khi giá dầu xuống thấp. Dự kiến trong năm 2020, chỉ có 3 công trình/mỏ mới được đưa vào vận hành khai thác, trong đó dự án phát triển mỏ Sư Tử Trắng giai đoạn 2A nhiều khả năng sẽ có thể chậm sang 2021. Hai dự án khác là giàn BK-21 và mỏ Sao Vàng cũng đang bị nguy cơ chậm tiến độ do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Đại hội Chi bộ Ban Khai thác Dầu khí nhiệm kỳ 2020-2022 thành công tốt đẹp |
Những nỗ lực phi thường
Mặc dù khó khăn chồng chất đến từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng trong những năm qua Ban Khai thác đã đạt được những kết quả khá ấn tượng. Những kết quả này, mặc dù không phải như mong đợi nhưng đó là sự nỗ lực hết mình của Lãnh đạo, CBCNV để biến những khó khăn thành cơ hội, đóng góp tích cực vào việc hoàn thành kế hoạch khai thác dầu khí hàng năm của PVN được Chính phủ giao.
Năm 2017, PVN đạt sản lượng khai thác 15,52 triệu tấn dầu và 9,89 tỷ m3 khí, tương đương 109% kế hoạch khai thác dầu và 103% kế hoạch khí; năm 2018 đạt 13,97 triệu tấn dầu và 10,01 tỷ m3 khí, tương đương 106% kế hoạch khai thác dầu và 104% kế hoạch khí; năm 2019 đạt 13,08 triệu tấn dầu và 10,20 tỷ m3 khí, tương đương 106% kế hoạch khai thác dầu và 105% kế hoạch khí. Những thành tích đó đã giúp mục tiêu giai đoạn 2017-2020 đạt khoảng 12 triệu tấn dầu/năm và 10 tỷ m3 khí/năm trở thành hiện thực.
Theo đánh giá chung, công việc khai thác trong thời gian tới sẽ có những thuận lợi hơn, như giá dịch vụ, tàu bè, khoan và thiết bị dự kiến sẽ giảm theo giá dầu; các dự án khí đã đàm phán và thống nhất giá khí có giá trị thương mại không chịu ảnh hưởng nhiều bởi giá dầu; mức độ tăng cường hợp tác trong ngành công nghiệp dầu khí có thể sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn rất lớn ở phía trước. Ảnh hưởng bởi những điều kiện không thuận lợi ngay từ năm 2020, công tác phát triển khai thác giai đoạn 2020-2025 được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Một số dự án lớn hiện đang trong giai đoạn phát triển và dự kiến đến năm 2024 sẽ chiếm tới hơn 2/3 tổng sản lượng khí cả nước. Đây là những dự án lớn với sự tham gia từ khâu thượng nguồn, trung nguồn, hạ nguồn; từ khâu khai thác, vận chuyển, xử lý tới các nhà máy điện; với sự tham gia chỉ đạo của Chính phủ cùng nhiều bộ ngành, lĩnh vực. Do vậy, việc bảo đảm tiến độ của các dự án này là trách nhiệm và thách thức vô cùng lớn.
Đặc biệt, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cùng giá dầu xuống thấp dẫn đến nhiều hoạt động thăm dò thẩm lượng trong giai đoạn năm 2020 và các năm tiếp theo bị hủy, hoãn. Hậu quả là không có hoặc chậm bổ sung trữ lượng dẫn đến việc sản lượng suy giảm, ảnh hưởng đến tính ổn định trong phát triển của ngành dầu khí.
Theo dự báo tại thời điểm trước đại dịch, sản lượng khai thác dầu trong nước vẫn có khả năng duy trì trên 8 triệu tấn dầu thô/năm và sản lượng khai thác khí lên tới 20 tỷ m3 khí/năm vào năm 2035 với điều kiện lượng dầu khí tiềm năng bổ sung từ các hoạt động thăm dò – thẩm lượng trong giai đoạn này đạt được như kế hoạch đặt ra.
Để vượt qua khó khăn, đạt được mục tiêu đề ra, Ban Khai thác Dầu khí chủ động đề ra các giải pháp như nâng cao hiệu quả công tác đào tạo cán bộ trong lĩnh vực quản trị, quản lý, kỹ thuật và chuyên môn cao trong lĩnh vực E&P; xem xét hiệu quả của các mô hình quản trị trong lĩnh vực E&P hiện nay để có những điều chỉnh phù hợp, cả ở quy mô Tập đoàn và các công ty PVEP, VSP.
Cùng với đó, bổ sung/hiệu chỉnh các văn bản pháp quy phù hợp với thông lệ quốc tế và luật pháp Việt Nam với mục tiêu khuyến khích đầu tư và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai các công việc trong lĩnh vực dầu khí, khuyến khích áp dụng các công nghệ mới, hiệu quả và phát triển các mỏ cận biên.
Tập trung nguồn lực để phát triển các dự án lớn của Tập đoàn đúng tiến độ, đảm bảo hiệu quả đầu tư đặc biệt là hai dự án khí lớn là Lô B và Cá Voi Xanh. Tích cực chỉ đạo triển khai công tác phát triển mỏ/công trình khác đúng tiến độ như BK21, Sao Vàng – Đại Nguyệt, Sư Tử Trắng, cấu tạo H4 Lô PM3 CAA, Lạc Đà Vàng, Đại Hùng giai đoạn 3…
Ngoài ra, bám sát và thúc đẩy triển khai các dự án thu gom vận chuyển khí (bao gồm đường ống khí Lô B, đường ống NCS2 giai đoạn 2, đường ống thu gom khí mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt, đường ống thu gom khí mỏ Sư Tử Trắng) và quản lý hiệu quả hệ thống thu gom vận chuyển khí hiện hữu.
Đối với công nghệ và dịch vụ sẽ tăng cường nghiên cứu, có kế hoạch khoan thẩm lượng, khoan đan dày phù hợp để tận thu tối đa nguồn tài nguyên quốc gia; Nghiên cứu áp dụng công nghệ mới nhằm giảm chi phí phát triển mỏ. Sớm đưa các phát hiện vào phát triển, đặc biệt là các phát hiện ở khu vực đã có sẵn cơ sở hạ tầng; Tiếp tục nghiên cứu và đưa vào áp dụng các giải pháp gia tăng hệ số thu hồi dầu; Triển khai các chương trình nghiên cứu lớn, dài hạn với các mục tiêu đột phá về công nghệ.
Hiện tại cũng như tương lai hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam đang và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Nhiều mỏ dầu truyền thống chủ lực đóng góp sản lượng quan trọng đã qua giai đoạn khai thác đỉnh, nay sản lượng khai thác đang suy giảm. Trong khi đó, PVN đang gặp khó do cơ chế, chính sách cho ngành dầu khí chưa thay đổi kịp thời, có nhiều quy định trong các luật về hoạt động dầu khí chưa phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, biến động của kinh tế, chính trị, dầu khí trên thế giới và trong khu vực. Vì thế, vai trò của Ban Khai thác Dầu khí càng được thể hiện rõ nét hơn trong việc tư vấn cũng như đề ra các giải pháp kịp thời, phù hợp để giúp Tập đoàn có những bước đi vững chắc trên con đường phát triển bền vững cũng như đảm bảo nền an ninh năng lượng cho đất nước.
Minh Lê