Một trong những nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm của Tập đoàn trong thời gian tới là phải nâng cao năng lực quản trị tài chính, trình độ quản lý và năng lực điều hành, góp phần xây dựng và phát triển Tập đoàn là đơn vị nòng cốt của ngành Dầu khí.
Nguồn lực tài chính chịu nhiều sức ép
Trong bối cảnh hiện tại, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tình hình kinh tế chính trị thế giới còn nhiều bất ổn, biến động khó lường; tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, căng thẳng và mất ổn định. Bên cạnh đó, Tập đoàn đang phải chịu tác động kép từ việc giá dầu suy giảm mạnh và dịch Covid-19 trong thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tiềm lực tài chính và chất lượng tài sản của Tập đoàn. Nguồn lực dự kiến phân bổ phát triển các lĩnh vực trong thời gian tới có nguy cơ mất cân đối, mất an ninh an toàn tài chính.
|
Nguồn lực tài chính của PVN bị ảnh hưởng khi công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí gặp nhiều khó khăn |
Nguồn lực tài chính bị ảnh hưởng khi công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí gặp nhiều khó khăn, suy giảm sản lượng khai thác, nguồn thu của các đơn vị thành viên giảm dẫn đến giảm nộp cổ tức/lợi nhuận được chia về Công ty mẹ – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Cùng với đó, cơ chế tài chính hiện nay đã thu hẹp và cắt bỏ nhiều nguồn tài chính bổ sung cho PVN (bỏ Quỹ tìm kiếm thăm dò, nộp toàn bộ lãi dầu khí nước chủ nhà vào ngân sách, việc đầu tư, cấp lại vốn cho PVN là rất khó khăn…).
Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư của PVN đã điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư làm thay đổi chỉ tiêu hiệu quả kinh tế, tăng nhu cầu vốn, thu xếp vốn cho dự án; Hiệu quả các khoản đầu tư tài chính dài hạn bị ảnh hưởng do khả năng cao phát sinh các tổn thất (tiềm ẩn rủi ro của các khoản bảo lãnh, ủy thác cho vay; thua lỗ, mất an toàn tài chính ở các đơn vị giám sát tài chính đặc biệt các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, các dự án tồn tại yếu kém thuộc ngành Công Thương, dự án yếu kém trong lĩnh vực chế biến dầu khí, doanh nghiệp/dự án nhận chuyển giao từ Vinashin…).
Trong khi đó, hiệu quả hoạt động quản lý vốn bằng tiền bị ảnh hưởng do đang phải đối mặt với các rủi ro hệ thống đến từ Oceanbank; tồn đọng giá trị lớn các khoản nợ quá hạn, nợ phải thu khó đòi…
Từ những khó khăn trên, một trong những nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm của Tập đoàn trong thời gian tới là phải nâng cao năng lực quản trị tài chính, trình độ quản lý và năng lực điều hành, góp phần xây dựng và phát triển Tập đoàn là đơn vị nòng cốt của ngành Dầu khí, năng động, có tiềm lực mạnh về tài chính, đảm bảo nguồn vốn cho việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của Tập đoàn.
Những giải pháp căn cơ
Để đạt được các mục tiêu, yêu cầu phát triển của Tập đoàn giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2035, quản trị tài chính doanh nghiệp của PVN cần chú trọng từ khâu lập kế hoạch tài chính hàng năm, trung và dài hạn trên cơ sở các giả định thị trường tương ứng với nhiều kịch bản, từ đó hoàn thiện hệ thống báo cáo quản trị, phân tích tài chính làm cơ sở để ra quyết định đúng đắn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Xây dựng hệ thống quản trị rủi ro, quản trị tài chính doanh nghiệp hiện đại, áp dụng các nguyên tắc theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Hoàn thành tốt khối lượng công việc trên, trước hết, PVN cần thiết lập và thực hiện hệ thống quản lý tài chính kế toán, mô hình quản trị tài chính hiện đại theo chuẩn mực quốc tế có điều chỉnh phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và đặc thù ngành. Thường xuyên rà soát và hoàn thiện hệ thống quản lý tài chính nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý.
Trong thời gian tới, tập trung triển khai thành công Hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) giai đoạn 1 tại Công ty mẹ (trọng tâm là nghiệp vụ tài chính kế toán, lập kế hoạch, ngân sách và dự báo, quản lý danh mục đầu tư dự án, báo cáo phân tích quản trị). Hệ thống đảm bảo đáp ứng mục tiêu quản trị điều hành và ra các quyết định trong điều kiện các yếu tố vĩ mô trong nước và quốc tế biến động mạnh, khó lường.
Đơn cử trong giai đoạn giá dầu giảm mạnh và ảnh hưởng của dịch Covid-19 vừa qua, Tập đoàn đã tích cực, chủ động xây dựng các kịch bản theo các phương án giá dầu khác nhau và đưa ra các giải pháp ứng phó tương ứng với từng kịch bản chi tiết cho từng lĩnh vực, đơn vị của Tập đoàn, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản trị, giảm thiểu tác động tiêu cực tới chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, tài chính của Tập đoàn. Ngoài ra, Tập đoàn đang lên kế hoạch triển khai công tác chuẩn bị để áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) theo lộ trình đã được Bộ Tài chính ban hành tại Quyết định số 345/QĐ-BTC ngày 16/3/2020 phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực Báo cáo tài chính tại Việt Nam.
Mặt khác, việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính của Tập đoàn và các đơn vị thành viên thông qua việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế giám sát tài chính, kiểm toán nội bộ để thực hiện kiểm tra, giám sát việc sử dụng các nguồn lực tài chính của Công ty mẹ PVN, các đơn vị thành viên, đơn vị có vốn góp của PVN đúng mục đích và có hiệu quả; đôn đốc thực hiện nghiêm túc chế độ giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính cũng cần được chú trọng triển khai.
Việc tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, tránh phân tán nguồn lực trong điều kiện nguồn lực dự kiến phân bổ phát triển các lĩnh vực trong thời gian tới có nguy cơ mất cân đối cũng là một trong những giải pháp thực hiện trong quá trình nâng cao năng lực quản trị tài chính.
Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, cần hoàn thiện các quy định và hướng dẫn trong công tác quản lý dự án đầu tư theo quy định hiện hành phù hợp với đặc thù của ngành Dầu khí từ khâu lập, thẩm định, thực hiện và quyết toán dự án đầu tư đảm bảo dự án đầu tư được triển khai nhanh theo tiến độ/kế hoạch, đồng bộ và tuân thủ pháp luật về đầu tư. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra giám sát đầu tư trước, trong và sau khi thực hiện dự án đầu tư của PVN và các đơn vị thành viên.
Đồng thời, triển khai xây dựng mô hình quản lý danh mục đầu tư hiện đại, hiệu quả, phù hợp với kế hoạch/chiến lược ngắn và dài hạn của PVN, trong đó ưu tiên tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Tổ chức một cách đồng bộ các bộ phận chức năng, hệ thống thống kê, dự báo, đánh giá và phân tích hiệu quả của các danh mục đầu tư để phân bổ nguồn lực tài chính.
Triển khai thành công, đúng tiến độ kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn của PVN theo Đề án tái cơ cấu toàn diện PVN đến hết năm 2020 và giai đoạn 2021-2025 đang trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Để nâng cao hiệu quả quản trị nguồn vốn, cần phân tích đánh giá kỹ dòng tiền của Tập đoàn theo các phương án, kịch bản, dự báo và đưa ra kế hoạch, giải pháp đảm bảo khả năng thanh toán, tăng hiệu quả đồng vốn. Đánh giá các tác động của kinh tế vĩ mô như tỷ giá, lạm phát, tín dụng và các chính sách chung của thế giới, trong nước về tiền tệ đến quản trị nguồn vốn của Tập đoàn, đặc biệt là các tác động đến nguồn vốn vay dài hạn, ngoại tệ, lưu động và các nguồn ngắn hạn. Trên cơ sở đó, xây dựng các phương án cụ thể hạn chế tác động và tận dụng được cơ hội nhằm tối ưu, tái cơ cấu nguồn vốn, giảm chi phí vốn.
Đối với việc huy động vốn vay cần cân đối nguồn lực tài chính, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn đảm bảo yêu cầu đầu tư phát triển của Tập đoàn phù hợp với chiến lược phát triển. Tích cực đẩy mạnh công tác tài chính đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Tăng cường phát triển quan hệ hợp tác với các ngân hàng/tổ chức tài chính trong nước và quốc tế, nâng cao uy tín và hệ số tín nhiệm trên thị trường vốn trong nước và quốc tế. Định kỳ hàng năm thực hiện đánh giá hệ số tín nhiệm của Công ty mẹ – Tập đoàn bởi tổ chức xếp hạn tín nhiệm uy tín trên thế giới góp tăng cường tính minh bạch theo chuẩn mực quốc tế, kết hợp rà soát và đánh giá lại hệ thống chỉ tiêu tài chính doanh nghiệp và phân tích rủi ro để từ đó có các giải pháp khắc phục, hoàn thiện…
Nâng cao năng lực quản trị tài chính, trình độ quản lý, năng lực điều hành là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về Định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Vì thế, đây được xem là nhiệm vụ trọng tâm cả trong ngắn hạn và dài hạn đối với sự phát triển của PVN.
Đức Minh