Cuối năm 2011, chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 50 năm ngành Dầu khí, được lãnh đạo Tập đoàn tin tưởng, giao anh em chúng tôi làm một cuốn kỷ yếu khắc họa hành trình “Tìm lửa” của các thế hệ cán bộ, công nhân viên ngành Dầu khí, tôi và các anh: Nam Thắng (Báo Quân đội), Xuân Ba (Báo Tiền Phong), Uông Ngọc Dậu (VOV) bắt tay ngay vào “thiết kế” đề cương cho sách. Bài vở thì nhiều, nhưng chắt lọc làm sao cho khúc triết, cô đọng và khái quát toàn bộ hành trình “Đi tìm dầu ở nước ngoài” mới khó. Nhưng khó hơn cả là lời giới thiệu, lời đề dẫn cho cuốn sách.
Tôi mạnh dạn gọi điện tới Văn phòng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu xin đăng ký được gặp ông. Đồng chí cán bộ thư ký xin lại số điện thoại của tôi, nói sẽ báo cáo nguyên Tổng Bí thư, kết quả thế nào sẽ gọi lại tôi. Một ngày trôi qua, cứ ngỡ nguyên Tổng Bí thư quá nhiều việc, vả lại việc của tôi cũng nhỏ nên tôi nghĩ khó mà thực hiện được ý tưởng của mình. Thế rồi buổi sáng hôm sau, từ số điện thoại 069…của văn phòng nguyên Tổng Bí thư, đồng chí thư ký thông báo với tôi: “Cụ Phiêu” nhận lời tiếp và mời tôi đến làm việc tại văn phòng “Cụ”.
Bức thư nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gửi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam in trong cuốn “Vạn dặm tìm dầu” nhân Kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam (27-11-1961/27-11-2011) |
Đầu giờ chiều hôm ấy, lúc 14h tôi có mặt ở phòng làm việc của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trên đường Phan Đình Phùng. Với dáng vẻ nhanh nhẹn, hoạt bát, “cụ” tự tay pha chè mời anh em chúng tôi. Sau khi nghe tôi trình bày ý nghĩa, mục đích xuất bản cuốn sách kỷ yếu, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói: “Rất hoan nghênh việc làm của lãnh đạo và nhóm phóng viên. Một cuốn sách khái quát chặng đường đi tìm lửa của các thế hệ cán bộ, công nhân viên ngành Dầu khí có ý nghĩa sâu sắc, khẳng định bước đi, cách làm sáng tạo của một ngành kinh tế đặc thù là rất nên làm”. Cụ chỉ nhắc nhở chúng tôi hai điều, một là: phải thận trọng trong đánh giá thành tích mà ngành đã đạt được, tránh tô hồng mà bỏ sót những tồn tại, khuyết điểm; hai là phải nêu bật được những nỗ lực vượt qua khó khăn, gian khổ, thậm chí là hiểm nguy của cán bộ, công nhân viên ra nước ngoài làm việc, vì việc tìm dầu toàn phải đến những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đặc biệt là những quốc gia, vùng lãnh thổ có bất ổn về địa chính trị.
Anh em chúng tôi ra về, thấm thía lời căn dặn của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. “Cụ” hẹn tôi hôm sau đến nhà riêng gặp cụ duyệt lại nội dung bức thư một lần nữa. Tầm 19h30 hôm đó, khi chúng tôi đến nhà riêng của nguyên Tổng Bí thư ở ngõ sâu phố Lý Nam Đế, vừa bấm chuông đã thấy đồng chí cảnh vệ: “Các anh lên gặp Cụ ở tầng 2, Cụ đang ngồi đợi tiếp các anh”. Chúng tôi bước vào căn phòng khách tầng 2, một căn phòng bài trí rất giản dị, một bộ bàn ghế gỗ đã cũ, một bộ ấm chén Bát Tràng để pha trà…Sau khi bắt tay anh em chúng tôi, Cụ mời anh em chúng tôi ngồi uống nước. Tôi trình Cụ dự thảo bức thư sẽ in trong cuốn kỷ yếu “Vạn dặm tìm dầu”, Cụ nghiền ngẫm đọc toàn bộ bức thư rồi lấy bút sửa một vài từ trong bản dự thảo. Đọc xong và sửa xong, nguyên Tổng Bí thư căn dặn anh em chúng tôi viết cho ngắn gọn lại nhưng súc tích; nêu bật được vị trí, tầm quan trọng của ngành Dầu khí trong thời kỳ hội nhập và phát triển, nhưng phải bám vào chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển ngành Dầu khí đến năm 2025.
Theo đúng tinh thần chỉ đạo của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, tối hôm sau tôi trở lại căn phòng của đồng chí, trình lại bức thư mà đồng chí đã sửa chữa. Đọc lại một vài lần, nguyên Tổng Bí thư gật gật đầu. Chúng tôi rất vui vì đồng chí đã ưng ý. Đồng chí thư ký đưa chiếc bút để nguyên Tổng Bí thư ký vào cuối bức thư, lúc đó là 20h ngày 10/10/2011.
Anh em chúng tôi bắt tay nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, cám ơn rồi ra về. Bản thảo bức thư được chuyển ngay sang Nhà xuất bản Quân đội nhân dân cùng phố Lý Nam Đế để bắt đầu công việc in ấn 1000 cuốn làm quà tặng các đại biểu trong dịp Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam (27/11/1961 – 27/11/2011) và làm tài liệu tuyên truyền trong toàn ngành trong dịp kỷ niệm.
Trong lòng tôi trào dâng cảm xúc về tư duy sáng tạo, về phong cách làm việc của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Đó là phong cách sâu sát, cụ thể và trách nhiệm trước mọi vấn đề trong đời sống xã hội của đất nước. Riêng với ngành Dầu khí, nguyên Tổng Bí thư đã thể hiện mối quan tâm sâu sắc trong từng chi tiết mà đồng chí đã chỉnh sửa trong bức thư.
Bài viết này thêm một nén hương thơm trong những ngày Quốc tang. Thành kính vĩnh biệt Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu!
Nhà báo Tiến Phú
Nguyên Vụ trưởng Báo Nhân dân