28/06/2020 11:04:43

Hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2020: “Bình an và hạnh phúc”

Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2020 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt: Việt Nam và cả nhân loại đã trải qua những ngày vô cùng căng thẳng và mong manh giữa cái sống và cái chết bởi đại dịch Covid-19 lan rộng ra toàn cầu.

Tính từ tháng 12/2019, chỉ một con virus siêu nhỏ không thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng đến nay nó đã khiến cho hơn 8,9 triệu ca nhiễm và gần 470.000 ca tử vong, nó đã làm cho các cường quốc trên thế giới dù tài chính hùng mạnh, dù vũ khí tối tân, y tế tiên tiến bậc nhất cũng bất lực. Vì thế, Covid-19 đã làm thay đổi cả thế giới. Với mỗi người, đó là hoàn cảnh để chúng ta nhìn nhận lại một cách thấu đáo hơn, đa chiều hơn về giá trị của cuộc sống, về bản thân và đặc biệt là về Gia đình – điểm tựa thiêng liêng của mỗi người!

Trong điều kiện đó, chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam năm 2020 là: “Bình an và Hạnh phúc”. Từ ngày 4/5/2001, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/QĐ/2001/QĐ-TTg chọn ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam nhằm tôn vinh truyền thống gia đình, là ngày để mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội hướng về gia đình, các cặp vợ chồng thấu hiểu giá trị mái ấm và cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc.

Hằng năm, Công đoàn BSR tổ chức các hoạt động ý nghĩa hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam

Để thống nhất trong nhận thức và hành động, mỗi năm, Ngày Gia đình được lựa chọn một chủ đề và những thông điệp thiết thực, ý nghĩa để phát huy mạnh mẽ ý nghĩa Ngày gia đình trong đời sống xã hội. Gần nhất, năm 2019, chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam là “Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình” với các thông điệp rất ý nghĩa: “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”; “Gia đình là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc”; “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ truyền thống tốt đẹp trong gia đình”; “Gia đình là tế bào của xã hội, là thành trì của Tổ quốc”.

Nhìn lại những ngày đầu năm 2020, khi cả nước bước vào chiến dịch cách ly toàn xã hội để phòng chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ thì mỗi gia đình đều bước sang một trạng thái mới với thật nhiều cảm xúc khi tất cả các thành viên trong gia đình được ở bên nhau trọn vẹn trong nhiều ngày và chỉ dồn tâm cho một việc đó là làm thế nào để chăm sóc, để bảo vệ cho các thành viên trong gia đình được an toàn trước dịch bệnh. Biết rằng giãn cách xã hội ảnh hưởng lớn đến nhịp độ phát triển kinh tế, xã hội nhưng đối với mỗi gia đình thì đó thời gian ý nghĩa. Bao năm qua, con người bị cuốn đi trong nhịp sống quá nhanh của xã hội hiện đại, thời gian dành cho gia đình, cho người thân quá ít ỏi và thậm chí có những thứ trôi đi theo quy luật thời gian ta không còn cơ hội bù đắp! Hôm nay, sau tất cả những gì đã trải qua, đã chứng kiến thì mỗi người đã đều rút ra bài học cho riêng mình, là dịp để mỗi người xem xét lại mình, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, điều chỉnh suy nghĩ và hành động để xây dựng gia đình được bình an, hạnh phúc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Qua gần 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Sự phát triển mọi mặt về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước đã làm thay đổi, phát triển nhiều thang giá trị truyền thống, chuẩn mực xã hội; đồng thời đã và đang tác động liên tục đa diện, đa chiều, mạnh mẽ đến tâm tư, tình cảm của mỗi người, mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có tiêu chí về gia đình, tiêu chí về cá nhân con người ở mọi lứa tuổi. Xây dựng gia đình gắn kết chặt chẽ với nhà trường và xã hội trong quá trình phát triển, luôn được xác định là nội dung quan trọng trong nghị quyết của Đảng qua các kỳ đại hội. Thực tiễn trên đặt ra các nội dung, yêu cầu xây dựng gia đình hạnh phúc vừa thường xuyên, trực tiếp, vừa cơ bản, lâu dài.

Các hoạt động hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam đã tạo ra sân chơi bổ ích, các thành viên trong gia đình mỗi CBCNV gắn kết nhau hơn (Ảnh: Công đoàn Vietsovpetro)

Cùng với những thành tựu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mở cửa hội nhập và hợp tác quốc tế, tình trạng xuống cấp về đạo đức đang là vấn đề bức xúc trong xã hội. Sự xuống cấp về đạo đức không chỉ xảy ra trên bình diện xã hội, mà còn cả trong quan hệ luôn được coi là thiêng liêng, truyền thống của dân tộc Việt Nam: Giữa cha mẹ với con cái, con cái với cha mẹ, giữa những người thân trong gia đình anh em họ tộc đâu đó gây nhức nhối xã hội.

Vậy, trong bối cảnh mới, các cấp ủy, lãnh đạo cần xác định công tác gia đình là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần quyết định sự phát triển bền vững của tổ chức và coi đó cũng là trách nhiệm xã hội thiêng liêng của mình. Từ đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, CNLĐ nắm rõ các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình. Từ đó cụ thể hóa thành các chính sách của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hướng đến sự quan tâm thiết thực, kịp thời đến cán bộ, đảng viên, công nhân lao động; quan tâm chia sẻ, chân thành lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn của anh chị em trong cơ quan, đơn vị trong xây dựng gia đình để tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ về mọi mặt. Đồng thời tổ chức những hoạt động thiết thực, phù hợp để lan tỏa tri thức, kinh nghiệm và các giá trị tốt đẹp về văn hóa gia đình, thúc đẩy cán bộ, đảng viên, CNLĐ tích cực hưởng ứng, biến chủ đề của Ngày gia đình Việt Nam năm 2020 thành những hành động đẹp mỗi ngày, mang đến những điều ý nghĩa nhất cho người thân, cho bản thân, gia đình, cơ quan, cộng đồng, đất nước.

Tuy nhiên, vai trò chủ thể quyết định hạnh phúc gia đình lại tùy thuộc vào trách nhiệm của các bậc cha mẹ. Gia đình có người chồng, người cha hiểu biết sâu rộng, tôn trọng và yêu thương vợ con, bao dung độ lượng; luôn có ý chí phấn đấu vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ trong cuộc sống, thành đạt mà vẫn khiêm tốn, chuẩn mực, tôn trọng, yêu thương vợ con như câu ca dao:

Làm trai cho đáng nên trai

Xuống Đông Đông tĩnh, lên Đoài Đoài tan

 Người đàn ông đó sẽ luôn là chỗ dựa vững chắc, an toàn, tin cậy cho vợ và con, cho dòng họ. Trong bối cảnh mà mỗi người, mỗi gia đình đang phải đối diện với quá nhiều thách thức từ bệnh dịch, thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, tội phạm, mất an toàn thực phẩm mà phụ nữ và trẻ em sẽ là những đối tượng dễ tổn thương hơn thì hơn lúc nào hết người chồng, người cha cần phải thực sự chuyên tâm hơn, công phu hơn trong gìn giữ, xây dựng gia đình và chăm sóc, bảo vệ các thành viên, định hướng cho con cái

Người phụ nữ trong gia đình (người vợ, người mẹ) cần phải là người chủ động giữ hòa khí trong gia đình, tạo dựng và dung hòa các mối quan hệ: Vợ-chồng; mẹ chồng-nàng dâu; mẹ vợ với chàng rể; giữa các anh chị em; giữa ông bà, cha mẹ với con, cháu… Người phụ nữ, người vợ trong gia đình không chỉ là người “nâng khăn sửa túi” cho chồng, chăm lo “cơm ngon canh ngọt”, mà còn chủ động thu xếp việc gia đình để chồng có thời gian và yên tâm công tác; động viên, khích lệ, tạo điều kiện cho chồng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đồng thời, còn là cánh tay đắc lực của chồng, bởi “đằng sau sự thành đạt của người đàn ông là bóng dáng của người phụ nữ”. Thực tế, bằng tình yêu và sự nhạy cảm của người phụ nữ, với cách cư xử vừa nhẹ nhàng, mềm mỏng, vừa cương quyết, cứng rắn, nhiều người vợ đã giúp chồng chiến thắng bệnh tật, chiến thắng chính bản thân mình trước những cám dỗ của các tệ nạn xã hội, thành đạt trong công việc và cuộc sống. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Trai khôn dạy vợ, gái ngoan bảo chồng”. Chị em phụ nữ luôn cần được sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực từ phía gia đình và xã hội; từ bỏ tư tưởng “an phận thủ thường”, tích cực học tập, rèn luyện các phẩm chất đạo đức của phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.

Giáo dục gia đình có vai trò hết sức quan trọng, lâu dài suốt cả cuộc đời đối với từng thành viên. Đó là cơ sở quyết định cho sự hình thành nền tảng nhân cách ở tuổi niên thiếu, thúc đẩy sự phát triển, hoàn thiện nhân cách ở tuổi thanh niên, củng cố, giữ gìn nhân cách ở tuổi trưởng thành và khi về già. Vì thế, giáo dục gia đình cần phải thường xuyên coi trọng, nhất là với các bậc ông bà, cha mẹ.

Trong gia đình, tình cảm giữa những người thân là vô cùng cao quý, bền vững. Cha mẹ không ngại vất vả, gian nan để nuôi con cái khôn lớn, trưởng thành, dành cho các con tất cả tình yêu thương, chăm sóc, dưỡng dục, không tính toán thiệt hơn, không mong được đền đáp. Để tình cảm gia đình luôn bền vững thì mỗi người cần có ý thức và trách nhiệm giữ gìn, bồi đắp cho nhau từ những điều nhỏ nhất. Sự quan tâm, giúp đỡ chân thành sẽ làm cho tình cảm gia đình ngày càng tốt đẹp hơn, nhân văn hơn.

Thời điểm diễn ra đại dịch Covid-19, các thành viên trong gia đình có nhiều thời gian và điều kiện gần gũi, quây quần bên nhau, chăm sóc, quan tâm đến nhau nhiều hơn, nhân lên nét đẹp hiếu thảo, tôn trọng nhau, nhất là việc con cái chăm lo cho bố mẹ già yếu; bố mẹ chăm lo, gần gũi, dạy bảo các con còn nhỏ, còn nhiều khiếm khuyết trong cuộc sống cũng như khả năng tự lập. Đây cũng là dịp để mỗi người xem xét, nhìn nhận lại mình, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, điều chỉnh suy nghĩ và hành động đúng đắn hơn, tốt đẹp hơn, tất cả vì hạnh phúc gia đình… Đặc biệt, cần nhắc nhở, giáo dục người thân trong gia đình chấp hành nghiêm các chỉ thị, quy định của Đảng và Chính phủ về “chống giặc Covid-19”.

Xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Gia đình là tế bào của xã hội. Mỗi gia đình hạnh phúc, cả dân tộc Việt Nam hạnh phúc luôn là động lực, là mục tiêu phấn đấu của mỗi chúng ta.

Lương Thị Hồng Nhung