22/06/2020 10:08:50

Công đoàn Dầu khí chung tay cùng doanh nghiệp khắc phục hậu quả “khủng hoảng kép”

Ngày 19/06/2020, tại TP HCM đã diễn ra Tọa đàm “Công đoàn chung tay cùng doanh nghiệp khắc phục hậu quả do tác động kép” do Công đoàn Dầu khí Việt Nam (CĐ DKVN) tổ chức.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Phạm Xuân Cảnh – Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ, Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; đồng chí Trần Quang Dũng – Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, Trưởng Ban Truyền thông và Văn hoá Doanh nghiệp Tập đoàn.

Đồng chí Nghiêm Thuỳ Lan – Ủy viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch CĐ DKVN và đồng chí Nguyễn Mạnh Kha – Phó Chủ tịch CĐ DKVN chủ trì Hội nghị; cùng sự tham dự của các đồng chí là Uỷ viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành CĐ DKVN, Chủ tịch/Phó Chủ tChủ tịch CĐ DKVN Nghiêm Thùy Lan phát biểuịch các công đoàn trực thuộc CĐ DKVN khu vực phía Nam.

Chủ tịch CĐ DKVN Nghiêm Thùy Lan phát biểu

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nghiêm Thuỳ Lan cho biết, đại dịch Covid – 19 và sự sụt giảm giá dầu đã gây ra tác động kép, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; tác động đến đời sống, thu nhập, việc làm của người lao động trong toàn Tập đoàn. Trong bối cảnh đó, CĐ DKVN đã đồng hành chung tay cùng Tập đoàn và chỉ đạo các công đoàn cơ sở chung tay cùng doanh nghiệp ứng phó với tác động kép bằng hàng loạt giải pháp như: Điều chỉnh lại cơ cấu hoạt động cho phù hợp với tình hình mới, chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, giảm các hoạt động chưa cần thiết; tập trung, cân đối nguồn tài chính, dồn mọi nguồn lực tập trung chăm lo, hỗ trợ người lao động khó khăn; tăng cường tiết giảm chi phí, cũng như tích cực tìm kiếm các nguồn tài trợ để hỗ trợ cho người lao động. Các cấp công đoàn ngành cũng đã tập trung tuyên truyền, vận động, nắm bắt tư tưởng người lao động để động viên, hỗ trợ kịp thời và đẩy mạnh các phong trào thi đua sáng kiến, sáng chế trong phòng chống dịch bệnh cũng như sản xuất kinh doanh, góp phần thiết thực cùng Tập đoàn và các đơn vị vượt thách thức, giảm thiểu thiệt hại do khủng hoảng kép.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Kha – Phó Chủ tịch CĐ DKVN phát biểu

Cụ thể, CĐ DKVN đã hỗ trợ khoảng 2,5 tỷ đồng mua gần 200 ngàn chiếc khẩu trang cho người lao động trong toàn ngành và khen thưởng các đơn vị, cá nhân có sáng kiến giải pháp hay, hiệu quả phòng chống dịch Covid – 19; phối hợp cùng Tập đoàn huy động từ nguồn Quỹ Tương trợ Dầu khí và nguồn kinh phí công đoàn hơn 12,5 tỷ đồng để hỗ trợ gần 2.800 người lao động khó khăn, bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động;… Ngoài ra còn có nhiều hoạt động thăm hỏi người lao động đặc biệt khó khăn, bệnh hiểm nghèo, hỗ trợ các trường hợp người lao động trong ngành bị mất việc do tái cơ cấu, kết thúc dự án,…

Các đại biểu tham gia ý kiến tại Tọa đàm

Trong tình hình tác động của khủng hoảng kép vẫn đang tiếp diễn, nguy cơ mất việc làm, giảm việc làm, giảm thu nhập của người lao động ở một số đơn vị còn tiềm ẩn rất lớn. Nhiều lao động trong ngành còn băn khoăn, trăn trở về ổn định việc làm và tương lai phát triển,… Trong khi đó, nguồn tài chính công đoàn khó khăn và suy giảm; cán bộ công đoàn phần nhiều phải hoạt động kiêm nhiệm; chính sách pháp luật sắp tới sẽ có nhiều thay đổi về tiền lương, bảo hiểm xã hội, quan hệ lao động, tổ chức công đoàn,… ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu không chỉ tập trung thảo luận, chia sẻ về những ảnh hưởng của tác động kép đến hoạt động SXKD của các doanh nghiệp, đến đời sống của người lao động; những mô hình mới, cách làm hay đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khủng hoảng kép thời gian vừa qua mà còn đề xuất, hiến kế cho hoạt động của tổ chức công đoàn trong thời gian tới để có thể cùng đồng hành với doanh nghiệp, làm tốt hơn công tác chăm lo đời sống, việc làm cho người lao động.

Đồng chí Nguyễn Đức Hạnh – Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch Công đoàn PVCFC nêu ý kiến

Đồng chí Nguyễn Đức Hạnh – Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch Công đoàn PVCFC nhận định, hiện nay xu hướng chuyển đổi trên thế giới rất lớn, buộc người lao động phải chuyển đổi theo vị trí trong tương lai để đáp ứng được yêu cầu mới. Do đó, Công đoàn cần tham gia vào dẫn dắt sự thay đổi và điều phối sự chuyển đổi công việc tương lai, hỗ trợ giúp người lao động trưởng thành, phát triển để có thể tự quản trị sự thay đổi. Công đoàn cũng cần tham gia tích cực vào xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tạo môi trường làm việc ngày tốt, an toàn, hiệu quả hơn cho người lao động. Đó là những việc làm thiết thực chăm lo cho người lao động, đồng thời đồng hành với sự phát triển bền vững doanh nghiệp.

Các đại biểu đều khẳng định, việc phối hợp với chuyên môn là rất quan trọng để có thể phát huy tốt vai trò của tổ chức Công đoàn; đồng thời kiến nghị các giải pháp, đề xuất các cơ chế để tổ chức công đoàn gắn kết chặt chẽ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển vững mạnh, qua đó bảo vệ và chăm lo tốt nhất cho người lao động.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Buổi tọa đàm đã thành công tốt đẹp, ghi nhận nhiều kinh nghiệm, giải pháp hay trong thực tế triển khai hoạt động của tổ chức công đoàn cùng doanh nghiệp khắc phục hậu quả do tác động của giá dầu sụt giảm, dịch bệnh Covid – 19 để ổn định đời sống, đảm bảo việc làm cho người lao động; đồng thời ghi nhận những đề xuất, ý kiến đóng góp thiết thực cho triển khai hoạt động của tổ chức công đoàn trong toàn ngành thời gian tới được hiệu quả hơn, phát huy tích cực vai trò.

Mai Phương