09/04/2020 3:04:34

Để gói hỗ trợ của Chính phủ đúng đối tượng, kịp thời

Ngày 8/4, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UB TVQH) đã họp nhất trí với việc cần ban hành một số chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra và thống nhất các nguyên tắc hỗ trợ như báo cáo của Chính phủ đã xác định.

Tại báo cáo, Chính phủ đề xuất các giải pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn với quy mô dự kiến khoảng 62.000 tỷ đồng; hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng thuộc 6 nhóm khác nhau trong khoảng thời gian tối đa là 3 tháng. Trong số các đối tượng được thụ hưởng đó, có một bộ phận lớn người lao động bị giảm sâu thu nhập hoặc mất việc làm bởi dịch Covid-19, gồm: Người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu

Tuy nhiên, triển khai gói hỗ trợ này như thế nào để chính sách không bị trục lợi và hỗ trợ đúng đối tượng, kịp thời lại là bài toán trong quá trình thực thi chính sách.

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, cần phải xây dựng hệ tiêu chí cụ thể, thiết kế biểu mẫu kê khai, giao nhiệm vụ cho chính quyền địa phương, phối hợp với người sử dụng lao động, đoàn thể trên địa bàn để xác định đúng đối tượng, để họ được nhận hưởng. Cần xác định các loại giấy tờ, tài liệu mình chứng cụ thể.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Ngọ Duy Hiểu cho biết, Công đoàn Việt Nam đang phối hợp với các bộ, ngành để thiết kế các biểu mẫu thông tin, giấy tờ để xác định tiêu chí cụ thể nhằm xác định đúng những người thực sự khó khăn. Quá trình triển khai sẽ tích cực tham gia vào việc giám sát đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, không bỏ sót và tránh được tình trạng trục lợi chính sách.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đang nghiên cứu để có một gói hỗ trợ từ tài chính của công đoàn nhằm chung tay cùng với Chính phủ hỗ trợ những người lao động thực sự khó khăn.

Thái Anh