Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tại buổi họp báo công bố các Luật đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Thông tin tại buổi họp báo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Bộ luật Lao động (sửa đổi) có 17 Chương, 220 Điều, với nhiều sửa đổi, bổ sung lớn, quan trọng. Do đó, sẽ có khoảng 14 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 7 thông tư của Bộ LĐ-TB&XH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật này.
Đáng chú ý, Bộ luật có 3 nội dung sửa đổi, bổ sung lớn, đó là: Đã mở rộng đối tượng điều chỉnh đối với cả NLĐ có quan hệ lao động và NLĐ không có quan hệ lao động. Sửa đổi các quy định phù hợp hơn với các nguyên tắc của kinh tế thị trường. Bảo đảm phù hợp, tiệm cận với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, nhất là các tiêu chuẩn lao động cơ bản.
Về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc điều chỉnh tuổi hưu nhằm thể chế Nghị quyết 28-NQ/TW của Trung ương, việc này là xu hướng của hầu hết các quốc gia, nhất là quốc gia già hoá dân số. Sau khi Việt Nam thông qua Bộ luật, thì một số nước cũng đã nhờ Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) giới thiệu để đến học tập và trao đổi kinh nghiệm với Việt Nam. “Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ là dễ với bất kỳ quốc gia nào. Ví dụ, năm 2010, Anh bắt đầu cải cách điều chỉnh tuổi nghỉ hưu mà trước đó đã có biểu tình phản đối. Nhiều nước lân cận Việt Nam cũng đã đưa vấn đề này ra Quốc hội nhiều năm trước mà vẫn chưa thông qua được”- Bộ trưởng Dung khẳng định.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, quyết định tăng tuổi nghỉ hưu của Quốc hội kỳ này thể hiện quyết tâm chính trị lớn, thể hiện tầm nhìn dài, có tính chất chiến lược để đi tắt đón đầu xử lý vấn đề già hoá dân số. “Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là thực hiện đa mục tiêu, chứ không phải mục tiêu nhỏ nào. Trước hết, việc này giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho giới trẻ, thích ứng với già hoá dân số. Hiện, Việt Nam đang bước vào quá trình già hoá dân số, theo tính toán, già hóa dân số cực điểm sẽ xảy ra vào năm 2040. Việt Nam là nước đang có tốc độ già hoá dân số nhanh nhất- điều này không phải chỉ các cơ quan của Việt Nam cảnh báo, mà các tổ chức quốc tế cũng đã nghiên cứu bài bản, nêu thông tin từ lâu. Ngoài ra, tăng tuổi nghỉ hưu cũng để bảo toàn, phát triển bền vững quỹ BHXH, rút dần khoảng cách chênh lệch về giới (hiện chênh 5 tuổi), tiến tới tuổi nghỉ hưu của nam- nữ có thể cân bằng”- Bộ trưởng Dung nói.
Cũng vì vậy, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Nhà nước còn phải sửa đổi nhiều luật liên quan đến quyền của người về hưu và người được hưởng chế độ hưu. Trước mắt, trước năm 2021 phải khẩn trương sửa đổi Luật BHXH, Luật Việc làm để hưởng BH thất nghiệp…
Liên quan đến quy định về lương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, quy định mới áp dụng từ 1/1/2021 với tinh thần chung là tách lương công chức, viên chức với lương hưu từ BHXH. Lương công chức, viên chức do Nhà nước trả, lương DN do chủ SDLĐ trả. Lương hưu không ảnh hưởng gì đến sản xuất kinh doanh hay công chức, viên chức. Lương hưu sẽ được lấy từ quỹ BHXH, nên có thể phân loại có đối tượng người nghỉ hưu sẽ được quan tâm cao hơn. “Mục tiêu điều chỉnh của Bộ luật không dừng lại ở 20 triệu người đóng BHXH bắt buộc, mà sẽ mở rộng ở hơn 34,5 triệu người ở khu vực phi chính thức, không có quan hệ lao động để số lượng đóng BHXH tăng lên. Khi đó, người già khi về hưu được thụ hưởng từ BHXH- đây là một trong hai trụ cột quan trọng nhất trong hệ thống an sinh của đất nước”- Bộ trưởng khẳng định.
Công đoàn DKVN (tổng hợp)