15/07/2019 10:09:35

“Kỹ sư – chiến binh” xung kích

Ước mơ cháy bỏng từ thuở thiếu thời là động lực thúc đẩy Nguyễn Thanh Ngoãn trở thành một kỹ sư giỏi. Anh là 1 trong 8 kỹ sư của ngành Dầu khí được tuyên dương “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ 10, phần thưởng xứng đáng cho 12 năm miệt mài làm việc và nghiên cứu.       

Khi tỉnh Cà Mau được chọn để xây dựng Cụm công nghiệp Khí – Điện – Đạm thì Nguyễn Thanh Ngoãn vẫn còn là một học sinh phổ thông. Ngày ngày đi học ngang qua khu dự án, thấy các kỹ sư, chuyên gia đang khảo sát, làm việc, trong đầu cậu bé Ngoãn thầm ước mơ lớn lên sẽ trở thành kỹ sư dầu khí giống như họ.

Ước mơ thành hiện thực khi Ngoãn cầm trong tay tấm bằng đỏ kỹ sư hóa dầu của Đại học Bách khoa TP HCM và được tuyển dụng vào Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn (NCSP), doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS), chính thức trở thành “người dầu khí” từ năm 2007.

Những giải pháp mang lại lợi ích lớn

Kỹ sư Nguyễn Thanh Ngoãn

Nguyễn Thanh Ngoãn sinh năm 1984, là kỹ sư được giao trách nhiệm chính theo dõi các thông số và điều kiện vận hành của hệ thống sản xuất, đồng thời nghiên cứu, tư vấn, đề xuất cải tiến các quy trình và công nghệ của dây chuyền khí.

2019 là năm vận hành liên tục thứ 17 của Hệ thống đường ống khí Nam Côn Sơn – một điểm sáng trong ngành Dầu khí, được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), PV GAS và các đối tác nước ngoài đánh giá rất cao về công tác bảo đảm an toàn, hiệu quả trong quản lý, vận hành chuẩn mực quốc tế. Thành quả ấy có sự đóng góp quan trọng của những kỹ sư vận hành, bảo trì ngày đêm bám sát công trình. Và, Nguyễn Thanh Ngoãn là một trong số đó.

Luôn trăn trở để làm tốt nhiệm vụ, Nguyễn Thanh Ngoãn đã cống hiến, nghiên cứu, đề xuất nhiều giải pháp hữu ích, trong đó có thể kể đến: “Áp dụng phương pháp cuốn chiếu kết hợp kiểm soát chất lượng dòng lưu chất công nghệ trong quá trình thực hiện bảo dưỡng kiểm định định kỳ các bồn chứa sản phẩm condensate nhằm tránh dừng sản xuất toàn bộ Nhà máy Xử lý khí Nam Côn Sơn trong 10 ngày” được công nhận ở mức đặc biệt – cấp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và mức A – cấp PV GAS. Năm 2012, hai bồn chứa sản phẩm condensate (mỗi bồn 7.800m3) của NCSP phải được bảo dưỡng định kỳ theo quy định, nhằm kiểm tra tính toàn vẹn của bồn chứa, bảo đảm an toàn tồn trữ và phòng chống cháy nổ. Theo thỏa thuận với các chủ mỏ và doanh nghiệp liên quan, công việc này dự kiến phải dừng sản xuất toàn bộ nhà máy trong 10 ngày, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cấp khí cho các hộ tiêu thụ.

Trăn trở bởi những ảnh hưởng khi dừng sản xuất, Nguyễn Thanh Ngoãn đã nghĩ ra giải pháp cô lập 1 bồn để bảo trì, còn lại 1 bồn vừa liên tục nhận condensate thương phẩm vừa xuất condensate. Việc thực hiện cô lập có thể thực hiện từng phần kiểu cuốn chiếu kết hợp các biện pháp kiểm soát chất lượng chặt chẽ nhằm tránh việc dừng khí và không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cũng như hiệu quả của công tác bảo dưỡng định kỳ.

Kết quả là nhà máy không phải dừng hoạt động trong 10 ngày mà vẫn bảo đảm hiệu quả của công tác bảo dưỡng sửa chữa, mang lại giá trị kinh tế không chỉ trực tiếp cho các bên trong Hệ thống đường ống khí Nam Côn Sơn với việc không bị mất doanh thu về cước phí vận chuyển khoảng 6,8 triệu USD (tương đương 150 tỉ đồng), mà còn giúp cho các nhà máy điện sử dụng khí Nam Côn Sơn không bị thiệt hại về chi phí tăng thêm hàng nghìn tỉ đồng trong trường hợp phải sử dụng nhiên liệu diesel thay thế trong thời gian dừng cấp khí. Đồng thời, PV GAS cũng không bị giảm doanh thu, tiết kiệm khoảng 0,4 triệu USD, góp phần bảo vệ môi trường do không phải đốt bỏ khí đồng hành trong 10 ngày. Ý tưởng này còn có thể áp dụng trong những trường hợp tương tự sau này, liên quan đến tồn chứa condensate của NCSP.

Một sáng kiến khác được đánh giá cao của Nguyễn Thanh Ngoãn và cũng là sáng kiến giúp anh được vinh danh “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ 10 là “Giải pháp kiểm soát hàm lượng nước trong dòng chung của Lô 06.1 nhằm tuân thủ các thông số kỹ thuật của hợp đồng vận chuyển (TA)”. Trong sáng kiến đưa ra giới hạn hàm lượng nước trong dầu (WIO) nhằm kiểm soát chất lượng dòng lưu thể Lô 06.1. Áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế (ASTM), tiêu chuẩn thiết kế đường ống, các hợp đồng thương mại liên quan cũng như các phần mềm mô phỏng dầu khí hiện đại (HYSYS) để đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật (1000 ppm) trước khi tiến hành đàm phán một thời gian dài (hơn 1 năm) với chủ khí nước ngoài Lô 06.1 (Công ty Dầu khí Nga – Rosneft, Công ty Dầu khí Ấn Độ – ONGC và PVN) để đồng ý đưa vào các thỏa thuận thương mại. Sáng kiến này đã áp dụng thành công tại NCSP từ tháng 4-2018, giúp vận hành hệ thống khí Nam Côn Sơn an toàn, tin cậy 100%, đem lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho NCSP 12 tỉ đồng và lợi ích gián tiếp cho các nhà máy điện hàng trăm tỉ đồng.
 Sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụGắn bó với NCSP đến nay đã tròn 12 năm, thời gian chưa dài, nhưng đủ để thấy tình yêu nghề của kỹ sư Nguyễn Thanh Ngoãn. Anh đã xem NCSP là ngôi nhà thứ hai và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi NSCP đang vận hành là quê hương thứ hai của mình.

Anh Ngoãn được vinh danh “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ 10

Hỏi về kỹ sư Ngoãn, nhiều người tại NCSP nhớ ngay đến chàng thanh niên sôi nổi, nhiệt huyết, luôn sẵn sàng hỗ trợ và hợp tác hiệu quả với đồng nghiệp, đặc biệt là ấn tượng về một người có tính độc lập cao, lập luận kỹ thuật, thương mại chắc chắn, chặt chẽ cùng những lý lẽ đàm phán thuyết phục đối với các đối tác.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại NCSP, Ngoãn không ngại hỗ trợ và đào tạo cho các kỹ sư trẻ, góp phần đáp ứng yêu cầu công việc và tiết kiệm chi phí đào tạo cho công ty. Anh luôn làm việc với tâm thế không ngại khó, càng khó càng quyết tâm vượt qua. Ngoãn chia sẻ: “Tôi không tự hào mình là người kỹ sư giỏi, nhưng tôi tự hào về ngành Dầu khí, tự hào vì tôi là một người luôn sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ, cho dù nhiệm vụ ấy đôi khi tạo cho tôi nhiều áp lực”.

Mỗi lần nói về nghề, đôi mắt Nguyễn Thanh Ngoãn lấp lánh niềm hạnh phúc. Anh tâm sự, bên cạnh các kiến thức cơ bản được trang bị từ trường đại học, anh luôn chủ động tìm tòi, học hỏi kiến thức chuyên môn trong các tài liệu kỹ thuật của công ty, các tiêu chuẩn quốc tế, tham gia khóa huấn luyện trong và ngoài nước, đặc biệt là học hỏi thông qua các công việc, dự án thực tế. Ngoài nỗ lực của bản thân, Ngoãn cho rằng anh may mắn làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp, với những người lao động dầu khí giỏi nghề và luôn được sự quan tâm, khuyến khích, hỗ trợ từ các cấp lãnh đạo ở NCSP, PV GAS và PVN… Đó là động lực rất lớn thôi thúc anh luôn cố gắng để làm tốt nhất nhiệm vụ của mình, xứng đáng với sự tin tưởng của lãnh đạo và bạn bè đồng nghiệp.

Với ước mơ cháy bỏng và niềm đam mê lớn với dầu khí, người “chiến binh” Nguyễn Thanh Ngoãn vẫn luôn cháy bỏng khát khao được tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho NCSP, cho ngành công nghiệp khí. Anh cũng hy vọng rằng các bạn trẻ trong ngành Dầu khí sẽ luôn cố gắng trau dồi kiến thức chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm, tăng cường ngoại ngữ và chủ động áp dụng công nghệ hiện đại… để góp sức trẻ xây dựng ngành Dầu khí phát triển bền vững.

Thu Phượng