26/01/2015 3:56:46

Chị N đang nghỉ thai sản… nên Giám đốc doanh nghiệp X đã sa thải chị… Vậy việc làm của Giám đốc X có vi phạm quy định BLLĐ 2012 không?

Câu hỏi:
Chị N hiện đang làm việc tại một doanh nghiệp X. Vì lý do chị N đang nghỉ thai sản không làm việc được nên Giám đốc doanh nghiệp X đã sa thải chị N để nhận người khác vào làm việc thay vị trí của chị. Vậy việc làm của Giám đốc doanh nghiệp X có vi phạm quy định BLLĐ 2012 không?

Trả lời:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 123 BLLĐ 2012 thì:

“4. Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:
a) Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;
b) Đang bị tạm giữ, tạm giam;
c) Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 Điều 126 của Bộ luật này;
d) Lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.”

Đồng thời, cũng theo quy định tại khoản 3 Điều 155 BLLĐ 2012 thì:
“3. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.”

Như vậy, theo các quy định trên thì trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động thì doanh nghiệp không được sa thải lao động nữ kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Do đó, trong trường hợp trên, Công ty không được lấy lý do chị N đang nghỉ thai sản làm căn cứ để sa thải chị N.

Hành vi này của Công ty là vi phạm quy định pháp luật.
Hành vi vi phạm này của Công ty X có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với mức xử phạt cao nhất lên đến 20.000.000 đồng.

Cụ thể là:
“2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

e) Sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động…”

Kết luận:
Theo quy định của BLLĐ năm 2012, việc sa thải chị N vì lý do chị N nghỉ thai sản của Giám đốc doanh nghiệp X trong trường hợp này là vi phạm quy định pháp luật.