Để tư vấn cho cán bộ công đoàn cơ sở cũng như người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp dầu khí, Văn phòng Tư vấn pháp luật Công đoàn Dầu khí Việt Nam (TVPL CĐ DKVN) đã khẳng định: Theo quy định tại Khoản 6, Điều 192, Bộ luật Lao động, khi người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng lao động thì được gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ. Việc doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động đối với nhân sự là sai quy định của pháp luật.
Người lao động dầu khí có nhiều chuyên ngành phải làm việc trong điều kiện nặng nhọc, nguy hiểm và độc hại
Văn phòng TVPL CĐ DKVN cho biết thêm, để bảo vệ quyền lợi của mình, trước hết, cán bộ công đoàn đó có quyền khiếu nại đến lãnh đạo doanh nghiệp và yêu cầu giải quyết. Nếu doanh nghiệp không giải quyết, cán bộ công đoàn có quyền yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết hoặc khởi kiện ra tòa yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân. Đặc biệt, trong trường hợp này, quyền lợi của cán bộ công đoàn bị sa thải trái pháp luật là được doanh nghiệp tiếp tục gia hạn hợp đồng, chi trả tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày không được làm việc.
Ngành Dầu khí có đặc thù kỹ thuật cao và có nhiều cán bộ, công nhân làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm. Bởi vậy, một số doanh nghiệp vẫn muốn sử dụng người lao động cao tuổi nhưng không biết rõ những quy định cụ thể. Trả lời vấn đề này, Văn phòng TVPL CĐ DKVN chỉ rõ: Điều 64 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 có quy định rõ về điều kiện sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Đồng thời, Điều 29 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15-5-2016 quy định chi tiết hơn về “Điều kiện sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm”: Người lao động cao tuổi phải là người có kinh nghiệm, với thâm niên nghề nghiệp từ đủ 15 năm trở lên; trong đó có ít nhất 10 năm hành nghề liên tục tính đến trước thời điểm ký hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi; người lao động cao tuổi là người có tay nghề cao, có chứng nhận hoặc chứng chỉ nghề hoặc được công nhận là nghệ nhân theo quy định của pháp luật; người sử dụng lao động phải tổ chức kiểm tra, sát hạch trước khi ký hợp đồng lao động; người lao động cao tuổi phải có đủ sức khỏe theo tiêu chuẩn sức khỏe do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành sau khi có ý kiến của bộ chuyên ngành tương ứng với nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; được người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe định kỳ ít nhất 2 lần trong 1 năm; phải bố trí ít nhất 1 người lao động không phải là người lao động cao tuổi cùng làm với người lao động cao tuổi khi triển khai công việc tại một nơi làm việc; có đơn của người lao động cao tuổi về sự tự nguyện làm việc để người sử dụng lao động xem xét trước khi ký hợp đồng lao động.
Người sử dụng lao động có nhu cầu sử dụng người lao động cao tuổi làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải lập phương án, gửi bộ có thẩm quyền quản lý ngành với các nội dung cơ bản sau đây: Chức danh nghề, công việc, kèm theo mô tả đặc điểm điều kiện lao động của nghề, công việc sử dụng người lao động cao tuổi; đề xuất và đánh giá từng điều kiện cụ thể sử dụng người cao tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 29 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP.
Thứ tư, người lao động chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Các trường hợp sau đây không được nhận trợ cấp thất nghiệp gồm: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam hoặc chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; người lao động chết.
Về mức trợ cấp, thời gian, thời điểm được hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định cụ thể: Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Đặc biệt, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Khoản 1, Điều 46 của Luật Việc làm.
Thành Công