25/02/2019 11:14:30

Nữ kỹ sư lọc dầu với “bàn tay, khối óc… bằng vàng”

Người ta thường lấy vàng để so sánh với bàn tay, khối óc, chất lượng, uy tín và cả tấm lòng của một con người. Trong ngành Dầu khí, cụ thể là kỹ sư lọc dầu; sự so sánh đó hoàn toàn hợp lý. Nhiều vị lão thành ngành Dầu khí thường ví von “Mỗi kỹ sư lọc dầu có giá trị như vàng ròng”.

Người “bắt bệnh” mát tay

Và câu chuyện tôi muốn kể lần này là chị là Nguyễn Thị Thu Phương – kỹ sư giám sát thiết bị của Ban Quản lý Chất lượng thuộc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Quảng Ngãi. Chị là một trong 21 người lao động tiêu biểu của Công ty năm 2017. Ở người con gái nhỏ bé này có một nghị lực và sức sáng tạo trong lao động thật phi thường. Chị đang đảm nhận một công việc “có một không hai” mà đến ngay cả nam kỹ sư cũng vã mồ hôi: Giám sát thiết bị phân tích phòng thí nghiệm.

Hiện tại, Phòng Thí nghiệm (Lab) Công ty BSR có 176 thiết bị chính và 162 thiết bị phụ do 74 kỹ sư và kỹ thuật viên vận hành, quản lý. Chị Phượng quản lý công tác vận hành, kiểm tra, hiệu chuẩn, bảo dưỡng và sửa chữa toàn bộ thiết bị nhóm phân tích dầu thô và sản phẩm với hơn 100 thiết bị và đa dạng về cơ sở lý thuyết cũng như nguyên lý vận hành. Số lượng thiết bị này chiếm đến 85% số lượng thiết bị đăng ký ISO/EIC 17025 của phòng Lab cũng như phục vụ cho công tác xuất Chứng thư Chất lượng của các sản phẩm xăng, dầu DO, xăng JET-A1 nên đòi hỏi chị luôn chuẩn bị sẵn sàng việc vận hành, kiểm tra, hiệu chuẩn, bảo dưỡng cùng các hồ sơ giấy tờ liên quan. Chị còn xây dựng đầu bài, đánh giá kỹ thuật của các thiết bị được mua sắm mới như máy chưng cất khí quyển tự động, máy đo dầu nhờn. Chị còn “ôm” gần 90% dụng cụ hiệu chuẩn của phòng Thí nghiệm như nhiệt kế, phù kế, áp kế, ẩm kế, đầu dò nhiệt độ… và luôn theo dõi tình trạng kỹ thuật, hiệu chuẩn, đánh giá kết quả hiệu chuẩn, hư hỏng và mua sắm bổ sung.

Kỹ sư Nguyễn Thị Thu Phượng phân tích NIR

Chị Thu Phượng tâm sự: “Nghề chọn tôi nên tôi vô cùng đam mê công việc hiện tại là  nghiên cứu về thiết bị, máy móc với công nghệ phân tích mới, hiện đại đang sử dụng ở các phòng Thí nghiệm Lọc – Hóa dầu trên thế giới”. Tuy nhiên, là phụ nữ không tránh khỏi những quẩn quanh của cuộc sống, con cái, nhất là vào thời kỳ thai sản, sau khi nghỉ sinh đi làm lại, nhiều lúc đau lưng, mắt mỏi mà phải làm những công việc cơ khí cần độ chính xác rất cao. Xét ở mức độ nào đó công việc kiểm tra, hiệu chuẩn, bảo dưỡng, và sửa chữa thiết bị là khá nặng nhọc cho nữ kỹ sư. Đồng thời, chị vừa làm việc trong phòng Thí nghiệm vừa làm việc ngoài công trường Nhà máy khi tham gia bảo dưỡng hệ thống phân  tích TOPNIR nên nhiều lúc sức khỏe dẻo dai như đàn ông còn thấy ngại, huống chi phụ nữ mảnh mai.

Với người kỹ sư giám sát thiết bị, nhiệm vụ quan trọng nhất là “bắt bệnh” để biết được sức khỏe của thiết bị đó có đạt độ chính xác yêu cầu công việc hay không?. Sự cố kỹ thuật thì nhiều vô kể và lần nào chị cũng khuất phục được những cỗ máy tinh xảo kia. Khi chưa tìm ra lỗi của sự cố, thì những nghi vấn luôn luẩn quẩn trong đầu chị, khiến chị trăn trở đến mất ăn mất ngủ.

Với hệ thống thiết bị đã vận hành trên 10 năm nên nhiều sự cố thiết bị thường xuyên xảy ra. Chị vẫn thường nhận những cuộc gọi từ Nhà máy lúc 1-2h sáng để xử lý hư hỏng đột xuất của thiết bị nhằm đáp ứng kịp thời cho quá trình xuất hàng. Trong thời gian qua, chị là người đưa ra ý tưởng cũng như xử lý nhiều sự cố xảy ra trên thiết bị phân tích như lỗi hệ thống cánh tay đòn của máy phân tích điểm chớp cháy theo phương pháp ASTM D56; lỗi hệ thống rửa dung môi (PPU) trên máy đo tỷ trọng ở nhiệt độ cao DM45; nghiên cứu sữa chữa các bộ làm lạnh Peltier, bơm trên các thiết bị đo tỷ trọng hiện số theo phương pháp ASTM D4052; tìm nguyên nhân và giải pháp khắc lỗi bộ sinh hơi trong hệ thống đo hàm lượng nhựa thực tế…

Một trong những thiết bị gây cho chị mất ăn mất ngủ là hệ thống chưng cất khí quyển tự động theo ASTM D86. Do hệ thống 4 máy chưng cất khí quyển đã bị lỗi thời và ngưng sản xuất từ năm 2009 nên nhiều sự cố liên tục xảy ra trên thiết bị từ lỗi cơ cấu hệ thống van Solenoid, bơm đến các lỗi của các bộ cảm ứng nhiệt độ, bộ đĩa chỉnh quá nhiệt (Triac) trong hệ gia nhiệt và làm lạnh. Thiết bị tiếp tục lỗi hệ thống Board mạch vận hành khiến chị luôn quay cuồng trong việc kiểm tra rồi sửa chữa để có thể kéo dài thời gian hoạt động của thiết bị đến năm 2017.

Cứ làm việc là làm lợi

Không chỉ là người cần mẫn với công việc, chị Phượng còn là nữ kỹ sư có nhiều sáng kiến, nổi bật là đề tài “Nghiên cứu ứng dụng thiết bị Quang phổ cận hồng ngoại (NIR) trong việc phân tích các sản phẩm dầu mỏ ở phòng thí nghiệm”. Với số lượng trên 3.974 mẫu sản phẩm dầu mỏ phòng thí nghiệm nhận từ bộ phận vận hành trung bình trong 1 tháng, trong đó có khoảng 254 mẫu phân tích FIA, 305 mẫu phân tích RON, 1.152 mẫu phân tích tỷ trọng, 124 mẫu phân tích benzen, 291 mẫu phân tích điểm chớp cháy, 298 mẫu phân tích áp suất hơi, 420 mẫu chưng cất,… Bài toán tối ưu việc sử dụng hóa chất, thời gian phân tích, chi phí bảo trì, bảo dưỡng thiết bị phân tích thí nghiệm, nhân lực,… luôn được đặt ra.

Kỹ sư Phượng cùng đồng nghiệp thực hiện các thí nghiệm

 NIR là kỹ thuật phân tích dựa trên chương trình nhận dạng mẫu bằng phương pháp hình học to-pô. Đây là phương pháp xác định vị trí mẫu trong một không gian vectơ. So với các phương pháp phân tích ASTM thông thường cũng như các phương pháp phân tích trực tuyến, thời gian phân tích NIR rất ngắn, khoảng 1 phút/mẫu và đo được nhiều thành phần với nhiều đặc tính khác nhau. Một hệ thống NIR có thể phân tích 5-7 nhóm mẫu và xác định được 5-10 đặc tính trên một mẫu.

 Theo chị Phương: “Việc ứng dụng kỹ thuật phân tích NIR trong phòng thí nghiệm không những giảm thiểu thời gian phân tích mẫu (RON, chưng cất, FIA,…), chi phí bảo trì, bảo dưỡng thiết bị và nâng cao tuổi thọ của thiết bị mà còn giảm thiểu hóa chất tiêu hao, đặc biệt là silica gel sử dụng cho phân tích FIA có giá thành rất cao và rất độc hại cho nhân viên phân tích khi tiến hành bằng phương pháp đo thủ công thông thường”. 

Hiện tại, ở NMLD Dung Quất, việc ứng dụng kỹ thuật phân tích NIR  đang áp dụng cho các dòng sản phẩm trung gian và sản phẩm cuối như Mogas 92/95, FR Naphtha, Light Naphtha, Heavy Naphtha, Isomerate, Reformate, RFCC Naphtha, KO/JETA1, CCR Feed, LGO, HGO, HDT-LCO, Diesel, LCO,…. Chỉ tiêu phân tích sản phẩm bao gồm FIA, RON, chưng cất khí quyển, áp suất hơi, tỷ trọng, hàm lượng benzen, điểm chớp cháy, điểm chảy, chỉ số cetan. Chị cũng là một trong số ít những nữ kỹ sư được quy hoạch vào vị trí chuyên gia phân tích NIR của Công ty.

Đồng nghiệp của chị thường nhận xét chị quá tham lam, cái gì cũng muốn học, cái gì cũng muốn biết và cái gì cũng tự thử làm. Chị cười và đáp mình muốn học nhiều, biết nhiều để luôn chủ động trong mọi tình huống công việc và sẵn sàng kiến thức cho những cơ hội sẽ đến. Với nữ kỹ sư này, ngừng sáng tạo là… mệt mỏi. Bởi sáng tạo để giúp công việc nhẹ nhàng hơn, giảm rủi ro và cũng là một tiêu chí để nâng lương, nâng thưởng. Chẳng thế mà, chị phải làm bằng được sáng kiến sử dụng kính hiển vi có gắn camera kỹ thuật số kết nối với máy tính của thiết bị đo dầu nhờn thay cho kính hiển vi thông thường của thiết bị đo độ bôi trơn để xử lý và lưu trữ kết quả phân tích theo phương pháp thử nghiệm độ bôi trơn của nhiên liệu Disel ASTM D6079-11(2016).

Chị Phượng giải thích cho tôi biết: Thiết bị đo độ bôi trơn cho nhiên liệu Diesel trước kia sử dụng loại kính hiển vi thông thường để đo các kích thước vết trầy theo phương pháp thử nghiệm ASTM D6079-04 không đáp ứng được yêu cầu của phương pháp thử nghiệm ASTM D6079-11(2016) cũng như của ISO/EIC 17025. Bên cạnh đó, kính hiển vi thông thường rất khó quan sát khi đo vết trầy và hình ảnh vết trầy không được chụp hay lưu lại để phục vụ cho việc truy xuất dữ liệu quan trắc gốc. Sáng kiến này đáp ứng kịp thời yêu cầu của công tác xuất Chứng thư Chất lượng cho sản phẩm Diesel của Nhà máy. 

Qủa thật, trong công việc, muốn thành công cần phải có 5 năm, 10 năm, thậm chí 15 năm trở lên vừa trui rèn, vừa lao động sáng tạo không ngừng. Chị Phượng đã trải qua hơn 10 năm công tác tại một trong những môi trường làm việc tốt nhất, năng động nhất ở Việt Nam – đó là dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Từ những năm 2009 – 2010 khi NMLD Dung Quất bắt đầu hoạt động thương mại và nghiệm thu, chị Phượng đã được tham gia xây dựng hệ thống ISO/EIC 17025 của phòng Thí nghiệm, trực tiếp soạn thảo và ban hành lần đầu trên 40 hướng dẫn phân tích mẫu, vận hành thiết bị, xây dựng worksheet, cài đặt và đưa thiết bị vào vận hành. Sau đó, chị cũng tham gia xây dựng hệ thống JET A1, trực tiếp soạn thảo và kiểm tra các hướng dẫn phân tích, vận hành, kiểm tra, hiệu chuẩn và bảo dưỡng thiết bị của nhóm Dầu thô và Sản phẩm.

Khi chuyển sang làm việc ở bộ phận phân tích Online Analyzer với vai trò là kỹ sư ứng dụng NIR và Online. “Đây là mảng thiết bị hoàn toàn khác so với thiết bị LAB, đồng thời thiết bị chủ yếu được lắp đặt ở các hệ thống công nghệ trong Nhà máy nên đòi hỏi tôi phải nghiên cứu nhiều nguyên lý vận hành, kiểm tra, hiệu chuẩn và bảo dưỡng thiết bị mới và phải làm việc ngoài công trường trong điều kiện khó khăn hơn so với làm việc trong phòng Thí nghiệm” – chị Phượng chia sẻ.

Với nữ kỹ sư luôn tràn đầy năng lượng này, lao động không phải là làm việc cho hết giờ, cho xong việc, cũng không phải làm đẹp cho bản thành tích cá nhân. Với chị, sáng tạo trong lao động mới là lao động thực thụ. Và ở Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn – đơn vị đầu ngành của ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam, văn hóa đó đã và đang hình thành phát triển, trở thành một bản sắc của người thợ lọc dầu. Để khi ai đó ví von, giá trị của một kỹ sư lọc dầu bằng vàng thì cả người nói và người nghe cũng không bị… ngượng.

Đức Chính