Nhân dịp Tết Kỷ Hợi 2019, xin kể một số mẩu chuyện về Bác Hồ. Đây là những mẩu chuyện khiến chúng ta xúc động khi biết rằng, trong quãng đời hoạt động cách mạng đầy gian khổ của mình, Người vẫn luôn giành một sự quan tâm đặc biệt đối với phụ nữ. Bởi, Người khẳng định: “Đàn ông phải kính trọng phụ nữ”.
1/Bà Lô-dơ-bi, vợ vị luật sư Lô-dơ-bi – người bào chữa cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vụ án năm 1931 ở Hồng Kông, kể lại rằng: “Khi Người bị giam giữ, hàng tuần chúng tôi đều mua hoa quả, thức ăn và sách báo để đưa vào nhà giam. Cả Pa-tri-xia lúc đó chỉ mới mấy tuổi cũng đòi đi theo. Người rất quý Pa-tri-xia, mỗi khi chúng tôi nói chuyện, nó đều ngồi trong lòng Người, chân tay đung đưa. Những ngày bị giam cầm khổ lắm nhưng nói chuyện với chúng tôi, Người đều nói rằng, tương lai cách mạng sẽ thành công. Khi tổ chức cho Người rời khỏi Hồng Kông, chúng tôi chỉ cầu mong Người gặp nhiều may mắn”.
Bà Pa-tri-xia, con gái của luật sư Lô-dơ-bi, nhớ lại: “Tôi được nghe kể rất nhiều về Chủ tịch Hồ Chí Minh qua bố mẹ tôi… Tôi quý trọng Bác Hồ như phụ thân tôi. Từ những ngày thơ ấu, tôi đã có trong tim hình ảnh về Bác Hồ”.
2/Ngày 10/12/1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ông Lê Văn Hiến đã đến gặp bà Thành Thái và bà Duy Tân tại trụ sở của Ủy ban Trung bộ. Ông Lê Văn Hiến nói: “Tôi có nhiệm vụ đi công cán ở miền Nam. Trước khi đi, Chủ tịch Hồ Chí Minh có ủy thác cho tôi đến đây tìm cho được hai bà để nói lên lời ân cần thăm hỏi của Người đối với hai bà và chúc hai bà dồi dào sức khỏe và trường thọ. Người cũng nhắn thêm rằng từ ngày ông Thành Thái và ông Duy Tân vì lòng yêu nước, mong nước nhà tự do độc lập nên bị thực dân Pháp bắt đưa đi đầy các nơi xứ lạ, hai bà đều lâm vào cảnh lẻ loi, cô đơn đằng đẵng hàng mấy chục năm. Chắc hai bà có gặp nhiều khó khăn. Hồ Chủ tịch muốn báo để hai bà biết: Chính phủ Việt Nam từ nay sẽ trợ cấp cho hai bà hàng tháng mỗi bà năm trăm đồng để chi dùng trước thời buổi khó khăn này. Nếu hai bà thấy không có gì trở ngại mà vui lòng chấp thuận, tôi sẽ báo cáo với Hồ Chủ tịch để Người hài lòng”.
Nghe xong, hai bà tỏ ra vô cùng xúc động, nghẹn ngào, không nói nên lời. Sau phút im lặng, bà Thành Thái cảm động nói: “Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ, từ ngày chồng và con tôi vì lòng mong muốn cho nước nhà độc lập tự chủ, nên bị Pháp bắt đầy quê người đất khách. Chúng tôi phải lâm vào cảnh sống lẻ loi, cô đơn không ai để ý. Ngay trong hoàng tộc nhiều người cũng sợ phải liên lụy. Bản thân tôi phải nương nhờ cửa Phật lần lữa qua ngày. Không ngờ! Thật là không ngờ! Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa mới thành lập mấy tháng nay, “quốc gia đại sự” dồn dập, mà Cụ Chủ tịch đã nghĩ ngay đến chúng tôi, gửi lời thăm hỏi ân cần, lại còn gửi tặng cho tôi và dâu tôi, bà Duy Tân, một món trợ cấp hàng tháng rất hậu hĩnh. Chúng tôi quả thật đứng trước một bất ngờ rất lớn! Rất cảm kích! Nghẹn ngào! Xúc động quá! Biết nói lời gì để xứng đáng với lòng chiếu cố của Người”.
Bà Duy Tân khóc nức nở, nói: “Ý nghĩ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đúng quá. Chúng tôi sống lẻ loi, cô đơn. Phải chịu đựng mấy chục năm nay với hoàn cảnh hết sức khó khăn. Chỉ có Hồ Chủ tịch mới nghĩ đến chúng tôi. Xin cảm ơn Hồ Chủ tịch”.
3/Bà Phạm Thị Thu Hồng, sinh năm 1941, quê quán xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, kể lại: Năm 1967, bà cùng Đoàn văn công quân giải phóng Trị Thiên – Huế ra miền Bắc biểu diễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe có Đoàn văn công quân giải phóng Trị Thiên – Huế liền muốn gặp. Sau đó, bà Hồng đã được mời đến và hò điệu hò Huế cho Người nghe.
“Thuyền từ Đông Ba thuyền qua Đập Đá/ Thuyền từ Vỹ Dạ qua ngã ba Sình/ Thuyền đi mang chiến công anh/ Chiến công càng nặng càng say nghĩa tình… Bác nghe chúng tôi hát rồi cười vui vẻ, chúng tôi hiểu là Bác hài lòng. Bác đứng dậy lấy mười cái kẹo bỏ vào đĩa thưởng cho chúng tôi… Đây là phần thưởng cao quý nhất trong cuộc đời tôi, chúng tôi không ăn mà cất kỹ vào túi áo” – bà Hồng nhớ lại.
Bà Hồng kể tiếp: “Năm 1969, Đoàn văn công quân giải phóng Trị Thiên – Huế chúng tôi được ra an dưỡng ở miền Bắc. Lúc này Bác đã ốm nặng, nghe tin Đoàn chúng tôi ra, nhưng đi an dưỡng ở Hạ Long chưa về Bác đã gọi điện cho các đồng chí Trung ương dặn phải chăm sóc Đoàn cẩn thận từ khâu ăn uống, thuốc men, áo quần… Chúng tôi vô cùng cảm động khi biết rằng Bác dù đang ốm vẫn không nguôi lo nghĩ việc nước, vẫn quan tâm chăm lo đến đời sống và sinh hoạt của tất cả mọi người, trong đó có đoàn văn công quân giải phóng chúng tôi. Chúng tôi an dưỡng ở Hạ Long được khoảng mười ngày thì được tin Bác mất, cả Đoàn chúng tôi lặng người. Tin Bác qua đời đối với chúng tôi quá đột ngột. Đoàn chúng tôi được về Hà Nội dự lễ tang Bác. Anh chị em trong Đoàn nhiều người quá thương tiếc Bác đã ngất đi. Riêng tôi lòng đau như cắt, hình ảnh của Bác thân thương, gần gũi hiện về trước mắt tôi”.
NGUYỄN VĂN TOÀN