25/02/2019 4:33:49

GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT THÁNG 01/2019

Tiếp theo các nội dung tư vấn pháp luật tại kỳ trước, kỳ này Văn phòng Tư vấn pháp luật tiếp tục gửi tới bạn đọc các câu hỏi tư vấn và xử lý tình huống theo quy định của pháp luật như sau:

Câu 1.

Người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi được quy định như thế nào?

Trả lời:

Người sử dụng lao giao kết hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi được quy định như sau:

  1. Theo quy định tại Điều 166 của Bộ luật Lao động thì người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật Lao động.
  2. Khoản 1 Điều 167 của Bộ luật Lao động quy định khi có nhu cầu, người sử dụng lao động có thể thỏa thuận với người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới theo quy định tại Chương III của Bộ luật Lao động.
  3. Theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 47/2015/TT- BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ LĐTB-XH thì khi tiếp tục lao động sau độ tuổi quy định tại Điều 187 của Bộ luật Lao động, người lao động cao tuổi và người sử dụng lao động thỏa thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động cho phù hợp với quy định của pháp luật về lao động đối với người lao động cao tuổi. Hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi phải bảo đảm các nội dung quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 166 và Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 167 của Bộ luật Lao động.

Căn cứ vào các quy định nêu trên thì trường hợp người lao động tiếp tục lao động sau 60 tuổi đối với nam hoặc 55 tuổi đối với nữ thì NSDLĐ thỏa thuận với NLĐ để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH trên.

 

Câu 2.

Việc đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) từ ngày 01/01/2019 được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc; Nghị định số 157/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Việc đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) được thực hiện như sau:

  1. Kể từ ngày 01/01/2019, người sử dụng lao động rà soát lại mức lương tối thiểu trong thang lương, bảng lương mà đơn vị đã gửi với cơ quan quản lý nhà nước về lao động để điều chỉnh lại cho phù hợp theo nguyên tắc không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng mới dưới đây. Trên cơ sở đó, điều chỉnh lại mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN cho từng người lao động theo đúng thang lương, bảng lương đã xây dựng.
  2. người sử dụng lao động phải thực hiện mức lương trong giao kết hợp đồng lao động và đóng BHXH, BHYT, BHTN và BHTNLĐ-BNN như sau:

– Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất.

– Đối với người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề (quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 157/2018/NĐ-CP) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.

  1. Người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ điều chỉnh mức lương đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN cho người lao động theo lương tối thiểu vùng mới cho cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương.

Quá thời hạn quy định mà đơn vị chưa điều chỉnh, cơ quan BHXH sẽ tạm thời điều chỉnh mức lương đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN cho bằng mức lương tối thiểu vùng mới đối với người lao động làm công việc giản đơn và thêm 7% đối với người lao động làm công việc đã qua học nghề đào tạo cho đến khi đơn vị lập hồ sơ điều chỉnh theo quy định.

  1. Cơ quan BHXH chỉ xác nhận quá trình BHXH, BHTN và giải quyết các chế độ khi người sử dụng lao động thực hiện lập hồ sơ điều chỉnh lương tối thiểu vùng đúng quy định của Nhà nước.

 

Câu 3.

Tài chính của tổ chức công đoàn gồm có những nguồn thu nào?

Trả lời:

Căn cứ Điều 26 Luật Công đoàn đã được sửa đổi năm 2012 thì tài chính của tổ chức công đoàn gồm có những nguồn thu sau:

“Điều 26. Tài chính công đoàn

Tài chính công đoàn gồm các nguồn thu sau đây:

  1. Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam;
  2. Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động;
  3. Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ;
  4. Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.”

 

Câu 4.

Tập thể Ban chấp hành, Ban thường vụ, Ủy ban kiểm tra và các tổ chức khác trong hệ thống công đoàn vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc tiếp thu ý kiến góp ý của đoàn viên, CNVC-LĐ bị xử lý kỷ luật như thế nào?

Trả lời:

Điều 23 của “Quy định hình thức xử lý kỷ luật trong tổ chức công đoàn” do Đoàn Tổng liên đoàn ban hành kèm theo Quyết định số 1602/QĐ-TLĐ ngày 15/9/2017 quy định việc xử lý kỷ luật đối với tập thể Ban chấp hành, Ban thường vụ, Ủy ban kiểm tra và các tổ chức khác trong hệ thống công đoàn vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc tiếp thu ý kiến góp ý của đoàn viên, CNVC-LĐ như sau:

  1. Vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
  2. Thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện tiếp thu ý kiến góp ý của đoàn viên, CNVC-LĐ, gây bất bình trong dư luận.
  3. Không xử lý theo thẩm quyền hoặc không chỉ đạo xử lý các trường hợp vi phạm trong việc tiếp thu ý kiến góp ý của đoàn viên, CNVC-LĐ, việc giám sát, gây ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức.
  4. Lợi dụng việc tiếp thu ý kiến để làm sai lệch nội dung ý kiến tham gia góp ý của đoàn viên, CNVC-LĐ.
  5. Vi phạm lần đầu những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái vi phạm thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

 

Câu 5.

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp?

Trả lời:

Căn cứ Điều 144 Bộ luật lao động sửa đổi năm 2012 quy định Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được thực hiện như sau:

Điều 144. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

  1. Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.
  2. Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.
  3. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này”.

 Văn phòng tư vấn pháp luật