26/01/2015 3:24:18

Sau khi HĐ hết hạn chị Q làm việc bình thường .. nhưng không được Công ty ký HĐLĐ mới.. Quyền lợi của chị trong trường hợp này được giải quyết như thế

Câu hỏi Tư vấn Pháp luật tháng 1/2015
Chị Q làm việc cho Công ty TNHH B theo hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng (từ tháng 1/6/2012 – 31/5/2013). Sau khi hợp đồng hết hạn chị Q làm việc bình thường cho Công ty nhưng không được Công ty ký hợp đồng lao động mới. Ngày 22/7/2013, khi đến làm việc thì chị được quản đốc thông báo chị không được tiếp tục làm việc tại Công ty nữa vì hợp đồng lao động cũ đã hết hạn. Việc công ty chấm dứt hợp đồng lao động với chị Q như vậy có đúng không ? Quyền lợi của chị trong trường hợp này được giải quyết như thế nào ?

Trả lời:
Theo quy định tại Điều 22 Bộ luật Lao động 2012 thì:
“1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn;
Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn…”

Mặc dù hợp đồng lao động giữa chị Q và Công ty B hết hạn vào ngày 31/5/2013, nhưng chị vẫn tiếp tục làm việc mà công ty B không ký tiếp hợp đồng lao động mới với chị trong vòng 30 ngày kể từ ngày hợp đồng cũ hết hạn. Do đó, hợp đồng lao động cũ của chị Q với Công ty B trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn theo quy định tại Điều 22 Bộ luật Lao động 2012,

Với phân tích ở trên thì việc Công ty B đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với chị Q vì lý do hợp đồng lao động cũ đã hết hiệu lực là trái quy định của pháp luật.

Do Công ty chấm dứt hợp đồng lao động trái với quy định của pháp luật nên theo Điều 42 Bộ luật Lao động 2012, Công ty B có nghĩa vụ:

– Phải nhận chị Q trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày chị Q không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
– Nếu chị Q không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài những khoản tiền bồi thường trên Công ty B còn phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động 2012 cho chị Q.
– Nếu Công ty không muốn nhận chị Q trở lại làm việc và chị Q đồng ý thì ngoài khoản tiền tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày chị Q không được làm việc, tiền trợ cấp thôi việc và ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho chị Q, Công ty phải trả tiền bồi thường thêm (ít nhất bằng 02 tháng lương) cho chị Q.
– Đồng thời, vì Công ty B vi phạm về thời hạn báo trước khi chấm dứt hợp đồng lao động với chị Q nên Công ty còn phải bồi thường khoản tiền tương đương với những ngày chị Q không được làm việc.

Như vậy, chị Q có quyền lựa chọn việc có tiếp tục làm việc cho Công ty B nữa hay không và chị được nhận những khoản tiền bồi thường tương ứng.