07/09/2018 1:34:23

Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người khai sáng ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam

Phải đến tận tháng 4-1981, nước ta mới khai thác được những mét khối khí đầu tiên và tấn dầu thô đầu tiên cũng được khai thác vào tháng 6-1986, qua đó ghi danh Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất dầu khí trên thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã tiên lượng và đặt nền móng cho nền công nghiệp Dầu khí Việt Nam từ hơn 20 năm trước đó.

Trong bối cảnh đất nước vẫn còn chiến tranh, phương tiện kỹ thuật thiếu thốn, không ai nghĩ đến việc Việt Nam có các mỏ dầu khí. Dù vậy, từ thập niên 50 của thế kỷ XX, chỉ dựa vào một số tài liệu ít ỏi (từ kho lưu trữ tài liệu cũ) của các nhà địa chất Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn chiến lược của một thiên tài đã đặt mục tiêu phải xây dựng một ngành công nghiệp dầu khí của đất nước đạt tầm cỡ quốc tế.

Trong chuyến thăm Liên Xô năm 1959, khi đến thăm Khu công nghiệp dầu khí Bacu tại Azerbaijan ngày 23-7-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với các nhà lãnh đạo và kỹ sư dầu khí ở đây: “Sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Liên Xô nói chung, Azerbaijan nói riêng sẽ giúp Việt Nam xây dựng những khu công nghiệp dầu khí mạnh như Bacu”. Sự kiện này thể hiện mong ước và quyết tâm xây dựng ngành Dầu khí Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bác Hồ thăm khu công nghiệp Dầu khí Bacu (Liên Xô cũ) năm 1959.

Ngay sau đó, Đảng và Bác Hồ đã có những quyết sách đúng đắn, sáng suốt mở đầu cho sự hình thành và phát triển nhanh chóng của ngành Dầu khí Việt Nam. Đó là tranh thủ sự viện trợ và giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ. Liên Xô chính là người bạn quốc tế mà Đảng và Bác đã lựa chọn đặt niềm tin để giúp đỡ, giải quyết, khắc phục khó khăn của đất nước.

Nhiều cán bộ đã được Đảng và Nhà nước ta cử sang Liên Xô cũng như các nước xã hội chủ nghĩa khác để học và thực tập về tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí… Liên Xô cũng đã cử các chuyên gia có kinh nghiệm đến Việt Nam vừa nghiên cứu khảo sát, đánh giá triển vọng dầu khí, vừa giúp chúng ta đào tạo cán bộ. Một kế hoạch tổng thể về công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở miền Bắc Việt Nam đã được các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam đề xuất, từng bước triển khai.

Ngày 27-11-1961, Ðoàn Thăm dò Dầu lửa 36 ra đời theo Quyết định số 271-ÐC của Tổng cục Ðịa chất Việt Nam (Thủ tướng Chính phủ quyết định là Ngày Truyền thống của ngành Dầu khí Việt Nam) đã chính thức đánh dấu những chặng đường đầu tiên của ngành Dầu khí Việt Nam.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 244-NQ/TW về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước. Trên cơ sở nghị quyết, với mong muốn có “một tổ chức thống nhất về dầu khí cho cả nước” để thực hiện mục tiêu “nhanh chóng tìm ra và khai thác nhiều dầu khí… nhanh chóng hình thành một nền công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh…”, ngày 3-9-1975 Chính phủ đã quyết định thành lập Tổng cục Dầu khí Việt Nam – tiền thân của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ngày nay.

Đến tháng 4-1981 nước ta đã khai thác được những mét khối khí đầu tiên và tấn dầu thô đầu tiên được khai thác vào tháng 6-1986. Sự kiện này đã khẳng định tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh và mở ra tương lai phát triển đầy hứa hẹn cho ngành công nghiệp dầu khí của đất nước. Ngày nay, ngành Dầu khí đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến phát triển công nghiệp khí – điện – chế biến và dịch vụ dầu khí, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. Ngành Dầu khí Việt Nam đã có đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, thực hiện hiệu quả vai trò là đầu tàu kinh tế, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Bên cạnh sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, bước đường phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam cũng ghi nhận những nỗ lực của các thế hệ cán bộ, người lao động Dầu khí qua các thời kỳ. Những người thực hiện mong ước của Bác Hồ về một ngành công nghiệp Dầu khí của đất nước đạt tầm cỡ quốc tế đã không ngại gian khổ, không ngừng cố gắng, sáng tạo đưa ngành Dầu khí Việt Nam đi lên.

 Câu chuyện khi lập sơ đồ triển vọng dầu mỏ – khí đốt trong bể dầu khí Hà Nội, những cán bộ, kỹ sư ngày đó phải tính toán hàng ngàn phép tính với chiếc máy tính chỉ thực hiện được 4 phép tính (cộng, trừ, nhân, chia) để đưa ra những thông tin vị trí của các điểm khoan. Hay, mọi người vẫn lưu truyền câu truyện, khi ông Trương Đình Hợi đi học từ nước ngoài về, không có thiết bị, tài liệu, đã tự vẽ trên giấy bản thiết kế lò chưng cất dầu. Tiếp đó, khi thi công lò chưng cất mọi người phải lấy rơm trộn với đất sét để hoàn thiện. Dù vậy, lò vẫn cho ra các sản phẩm hóa dầu. Rồi, năm 1980, khi xây dựng mỏ khí Tiền Hải, các cán bộ ngành Dầu khí đã phải đi các nơi để xin những máy móc cũ, hỏng về lắp ghép, xây dựng. Những câu chuyện đó thể hiện sự quyết tâm và không chịu khuất phục trước khó khăn, đưa ngành Dầu khí từng bước phát triển.

Từ bước đầu gian khó, đến nay ngành Dầu khí Việt Nam tự hào đã đạt được trình độ khoa học công nghệ tương đương với các nước phát triển. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế. Là doanh nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng nhất với đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, quản lý, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao không ngừng lớn mạnh cả về chất và lượng.

Ngành Dầu khí Việt Nam đã trải qua những chặng đường gian khó nhưng đầy tự hào, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cũng như sự nỗ lực, cố gắng của các thế hệ cán bộ, công nhân viên người lao động của ngành Dầu khí. Những thành tựu của ngành Dầu khí được như ngày hôm nay là nhờ tầm nhìn chiến lược và sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 Nhân dịp kỷ niệm 43 năm ngày Thành lập Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, kỷ niệm 30 năm khai thác dầu thô trong tầng đá móng nứt nẻ mỏ Bạch Hổ (ngày 06/09/1988), ôn lại vai trò của Người đối với sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam, chúng ta càng thêm khâm phục trí tuệ và tầm nhìn thiên tài của Bác. Đây cũng là dịp để mỗi người Dầu khí nhận thức được trách nhiệm cao cả song cũng rất nặng nề của mình đối với đất nước. Từ đó, tiếp tục tiến bước đưa ngành công nghiệp trọng điểm này của nước ta đi lên xứng đáng với sự kỳ vọng mà lúc sinh thời Bác Hồ đã dành cho.

 Nguyễn Tá (tổng hợp)