24/12/2017 11:38:07

Chất đặc trưng của người lao động dầu khí

Không ngại khó khăn, vất vả, dám đương đầu và sẵn sàng tiên phong trong mọi thử thách. Kỹ sư Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng Dự án Sư Tử Trắng Giai đoạn 1 của Công ty Liên doanh Điều hành Cửu Long là một người như vậy.

Lần đầu chúng tôi gặp Nguyễn Ngọc Trung đúng vào ngày đón dòng dầu đầu tiên trên giàn SVSW mỏ Sư Tử Vàng Tây Nam. Anh Trung khi đó là Phó trưởng ban Phát triển khai thác của Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) kiêm Giám đốc dự án. Thời điểm đó, giàn SVSW đưa vào hoạt động sớm hơn dự kiến 46 ngày thực sự là một thành công ngoài mong đợi của Cửu Long JOC và PVEP. Buổi phỏng vấn Nguyễn Ngọc Trung ngày ấy trên giàn SVSW đã để lại ở chúng tôi ấn tượng đậm sâu về một người kỹ sư vui tính và tràn đầy nhiệt huyết.

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP HCM chuyên ngành Khoan – Khai thác, đến nay kỹ sư Nguyễn Ngọc Trung gắn bó với ngành Dầu khí đã trên dưới 20 năm. Sau khi lấy bằng thạc sĩ, từ kỹ sư vận hành giàn khoan của Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro, anh chuyển công tác về văn phòng PVEP. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong vận hành các giàn khoan khai thác, năm 2011, anh trở thành Kỹ sư chính của Công ty Liên doanh Điều hành Hoàng Long (HLJOC), phụ trách thực hiện 2 dự án H1 và H4 mỏ Tê Giác Trắng. Hai dự án thành công vượt tiến độ đã trở thành bàn đạp giúp anh có cơ hội tham gia vào các dự án phát triển mỏ lớn hơn của PVEP.

Khởi công giàn nhà ở thuộc Dự án STTFFD-P1 tháng 8-2015

Tháng 7-2013, Nguyễn Ngọc Trung lại được chuyển về tổng công ty với vị trí Phó trưởng ban Phát triển khai thác PVEP, kiêm Trưởng dự án Sư Tử Vàng Tây Nam của Công ty Liên doanh Điều hành Cửu Long (CLJOC). Dự án được hoàn thành vượt kế hoạch vào tháng 10-2014 cũng là lúc anh tiếp tục chuyển sang phụ trách Dự án Phát triển toàn mỏ Sư Tử Trắng Giai đoạn 1 (STTFFD-P1) cũng do CLJOC làm chủ đầu tư.

Sau 3 năm, chúng tôi mới có dịp ngồi lại trò chuyện với Nguyễn Ngọc Trung cũng là lúc Dự án STTFFD-P1 mà anh phụ trách đã hoàn thành. Không kể nhiều về bản thân, nhưng khi chia sẻ về những tháng ngày gắn bó với ngành, với những công trình biển, anh lại hào hứng đến lạ. Anh nói, điều may mắn nhất trong cuộc đời làm dầu khí của mình là có được cơ hội thực hiện một dự án tầm vóc như STTFFD-P1.

Nguyễn Ngọc Trung vẫn nhớ rõ thời điểm 22h30 ngày 28-12-2016 tại giàn bơm ép khí (PIP), khi bắt đầu bơm ép xuống vỉa thành công, đó không chỉ là giây phút tự hào của riêng anh, mà còn là niềm vui sướng của tất cả những người tham gia dự án. Anh tâm sự, bây giờ nghĩ lại, vẫn khó có thể tin được là dự án đã được hoàn thành đúng tiến độ vượt ngoài mong đợi. Một khối lượng lớn các công việc như thiết kế chi tiết, mua sắm, chế tạo và chạy thử trong bờ, lắp đặt chân đế và khối thượng tầng giàn PIP, lắp đặt chân đế và khối thượng tầng giàn nhà ở đã hoàn thành chỉ trong 22 tháng thi công. Trong 4 tháng cao điểm, có đến 3.000 người làm việc trong bờ, còn trên biển là 800 anh em chen nhau trên chiếc giàn cẩu liftboat và sà lan nhà ở. Để đáp ứng được chỗ ăn, ngủ cho CBCNV làm việc trên giàn, Ban Dự án đã phải bố trí thêm 16 container chồng chất lên nhau mới tạm đủ.

Anh Trung tâm sự: “Có ở lại công trường mới có thể thấy được cái khó khăn, vất vả của những người thợ làm việc trên giàn khi ấy. Cứ mỗi container là một phòng ở chung dành cho 8 con người, một người ho khẽ là cả phòng tỉnh giấc. Việc ăn uống, vệ sinh cũng chỉ qua loa, đại khái… Cả 800 con người đi ra đi vào trong một không gian hạn hẹp như vậy, chỉ cần một người xuống tinh thần là công việc sẽ lập tức bị đình trệ theo hàng loạt. Thế nhưng tại thời điểm đó, tất cả anh em đều hiểu rõ tầm quan trọng của dự án, vì vậy mỗi người đều sẵn sàng gạt bỏ mọi cái tôi cá nhân, toàn tâm toàn ý hướng về mục tiêu chung của tập thể. Có thể nói, Dự án STTFFD-P1 được triển khai đúng tiến độ, đúng định hướng, đạt được 5,5 triệu giờ an toàn lao động, tổng chi phí dự án ước tính hơn 380 triệu USD, tiết giảm được hơn 50 triệu USD so với ngân sách phê duyệt là một kết quả của sự nỗ lực phi thường, cố gắng bền bỉ, phối hợp cực kỳ chặt chẽ giữa tập thể lãnh đạo, CBCNV, người lao động CLJOC, Tổng thầu EPCI là PTSC M&C, Nhà thầu PVC-MS, Vietsovpetro và hàng chục đối tác, nhà thầu khác, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và của ban lãnh đạo PVEP”.

Tự nhận mình là người may mắn khi có được cơ hội tham gia nhiều dự án phát triển mỏ của PVEP, nhìn lại chặng đường đã qua, Nguyễn Ngọc Trung chia sẻ rằng, anh cảm thấy rất hạnh phúc, tự hào vì những gì mình đã làm, đã cống hiến cho đơn vị. Song, anh nói rằng, tất cả những dự án mình đã trải qua, trong đó đặc biệt là Dự án STTFFD-P1 có thành công, không chỉ là niềm tự hào của riêng anh, mà là thành quả chung của cả một tập thể khổng lồ. Anh chỉ là người được trao cho sứ mệnh kết nối các đầu mối thực hiện dự án và giữ cho việc liên lạc và xử lý các vấn đề thực địa được thông suốt, kịp thời.

“Trước đây, nếu như các dự án xây dựng giàn đầu giếng hơn 90% đều do người nước ngoài thực hiện thì nay, toàn bộ phần thiết kế sơ bộ và chi tiết cùng tất cả các gói thầu đều được thực hiện bởi các nhà thầu trong nước. Đó là minh chứng cho năng lực tiếp cận và làm chủ công nghệ của người Việt ta đã ngày càng phát triển. Vì vậy, tôi tin rằng, không chỉ riêng tôi, mà bất kỳ ai khi đã được trao cho nhiệm vụ này đều sẽ thực hiện thành công như vậy. Bởi vì niềm đam mê, nhiệt huyết, không ngại khó khăn, vất vả, dám đương đầu và sẵn sàng tiên phong trong mọi thử thách đã là cái chất chung của những người làm dầu khí” – anh Trung nói.

Mỏ Sư Tử Trắng đã cho dòng khí đầu tiên vào ngày 3-11-2016; bắt đầu bơm ép xuống vỉa từ 28-12-2016 và toàn bộ Dự án Sư Tử Trắng giai đoạn 1 chính thức được đưa vào hoạt động từ ngày 18-1-2017. Việc đưa dự án vào khai thác đúng tiến độ, sản lượng đạt 2,77 triệu m3 khí và 9.000 thùng condensate/ngày đã giúp nâng sản lượng khai thác toàn Lô 15.1 lên khoảng 70 nghìn thùng dầu quy đổi/ngày, góp phần quan trọng hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch khai thác dầu khí của PVN.

Thành công này cũng tạo đà cho việc phát triển Dự án Sư Tử Trắng giai đoạn 2 với công suất khai thác lớn hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, Cửu Long JOC đã cán mốc sản lượng 300 triệu thùng dầu được khai thác tại cụm mỏ Sư Tử và chính thức trở thành nhà thầu dầu khí thứ hai tại Việt Nam đạt mốc sản lượng này. Sự kiện này không những có ý nghĩa quan trọng với PVN, PVEP và các đối tác nước ngoài, mà còn đánh dấu một hành trình ấn tượng và đầy tự hào của các thế hệ người lao động Cửu Long JOC trong quá trình phát triển của công ty.

Nguyên Phương