14/12/2017 11:32:38

Kỹ sư Đào Hải Dương: Người giữ “ngọn lửa dầu khí”

Tự nhận mình là khô khan trong cách ăn nói, nhưng khi nhắc tới dầu khí và những công trình nghiên cứu, kỹ sư Đào Hải Dương lại trở thành một con người khác. Đối với anh, bất cứ công việc gì, nếu làm bằng cả tình yêu và tâm huyết thì sẽ có thành quả xứng đáng.

Cũng phải nói, anh là người “có duyên” với ngành Dầu khí. 9 năm trước, khi những người bạn đồng trang lứa đang học năm đầu đại học, Đào Hải Dương đã “khăn gói” sang Rumani theo chương trình học bổng toàn phần 5 năm của Nhà nước tại Trường Đại học Dầu khí tổng hợp Ploiesti, chuyên ngành điều khiển tự động hóa. Ploiesti là trường đại học nổi tiếng đào tạo kỹ sư về ngành Dầu khí tại châu Âu.

Nói về thời gian học tập tại Rumani, anh Dương chia sẻ: “Cũng là chuyên ngành điều khiển tự động hóa như bao trường đại học khác, nhưng tại ngôi trường này tôi được đào tạo chuyên sâu về các thiết bị ngành dầu khí, được giới thiệu về lịch sử dầu khí như thế nào. Từ đó hai từ “dầu khí” như đã ăn sâu vào máu thịt tôi, đôi khi đó cũng là động lực để tôi phấn đấu nhiều hơn”.

Kỹ sư Đào Hải Dương

Sau khi trở về nước anh “đầu quân” cho một công ty khoan dầu khí của nước ngoài tại TP Hồ Chí Minh với chuyên ngành hoàn toàn không giống những gì đã được học, điều này vẫn luôn khiến anh trăn trở. Một lần đọc được thông tin tuyển dụng từ Công ty Khí Cà Mau, anh Dương đã lên mạng tìm hiểu thông tin về công ty như thế nào và điều khiến anh thật sự ấn tượng đó chính là sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, văn hóa công ty cũng như tầm nhìn lớn của lãnh đạo ở nơi đây. Đó là điều đã thôi thúc anh ứng tuyển công ty và may mắn anh đã “kết duyên” được với Công ty Khí Cà Mau.

Gắn bó với Công ty Khí Cà Mau chưa lâu, song Đào Hải Dương được đánh giá là một kỹ sư năng động, luôn trăn trở, tìm tòi những kiến thức mới, nghiên cứu công nghệ mới phục vụ cho công việc. Năm 2017, Đào Hải Dương đã vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tuyên dương tại Festival Sáng tạo trẻ toàn quốc với đề tài “Đồng bộ hóa phiên bản Database để đưa 2 Bus V-Net nội trạm của hệ thống Safety ra Mimic Panel”.

Đào Hải Dương cho biết, nếu có thể ví một nhà máy sản xuất là cơ thể con người, thì hệ thống điều khiển nhà máy chính là bộ não trung tâm xử lý toàn bộ dữ liệu. Nếu hệ thống điều khiển ổn định, hoạt động an toàn thì nhà máy sẽ tối ưu hóa được quá trình sản xuất. Trong trường hợp V-Net nội trạm LFS bị đứt, máy nén sẽ Faststop, thời gian ít nhất cần thiết để khắc phục sự cố là 24 giờ (tính đến thời gian khởi động cụm máy nén), khi đó, PV GAS sẽ chịu các tổn thất do giảm sản lượng cấp khí trong 24 giờ và tổn thất tối thiểu mỗi lần dừng cụm máy nén khí V-Net nội trạm bị đứt là gần 300 triệu đồng và chi phí nâng cấp hệ thống điều khiển an toàn (Safety) lên tới hơn 10 tỉ đồng.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, anh và các đồng nghiệp đã luôn cố gắng trau dồi kiến thức để có thể kiểm soát, làm chủ được “bộ não trung tâm” – hệ thống điều khiển của nhà máy để có thể tối ưu hóa, nâng cao năng suất nhà máy. Sáng kiến “Nâng cấp phiên bản Database để đưa 2 Bus V-Net nội trạm của hệ thống Safety ra Mimic Panel” cũng từ đó mà được hình thành.

Vì thế, với việc đồng bộ hóa version của Database để đưa tín hiệu V-Net ra giám sát tại Mimic Panel. Sáng kiến này đã giảm được rủi ro chi phí tối thiểu: gần 300 triệu đồng cho mỗi lần Shutdown máy nén, kéo dài thời gian sử dụng hệ thống điều khiển an toàn và tiết kiệm chi phí cấu hình lại toàn bộ hệ thống so với giải pháp kỹ thuật cũ.

Chia sẻ về những khó khăn khi thực hiện nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, kỹ sư Đào Hải Dương cho rằng, đặc thù về ngành công nghiệp khí là khó khăn lớn nhất của nhóm tác giả. Sản phẩm phải đảm bảo luôn được vận chuyển đến khách hàng, hệ thống điều khiển phải đảm bảo hoạt động ổn định để không ảnh hưởng đến quá trình sản xuất. Do đó một thay đổi không đúng đến hệ thống điều khiển dù là nhỏ nhất cũng sẽ gây nên hậu quả cực kỳ nghiêm trọng đến quá trình sản xuất của khách hàng.

Kỹ sư Đào Hải Dương cho rằng, tuổi trẻ hôm nay là của chúng ta, chính chúng ta quyết định lấy, đừng so đo tính toán chuyện thiệt hơn mà hãy xung phong đến những nơi mà ta có cơ hội được học hỏi, được thỏa mãn đam mê của mình.

Ngoài ra, sáng kiến đã tác động chuyên sâu về mặt hệ thống, ảnh hưởng đến toàn bộ cơ sở dữ liệu hệ thống điều khiển của nhà sản xuất. Có những thời điểm các kỹ sư trẻ tưởng chừng như không tìm được “lời giải”, tham vấn nhà sản xuất thì chỉ nhận được câu trả lời là phải nâng cấp toàn bộ hệ thống điều khiển với chi phí lên đến gần 10 tỉ đồng. Cũng nhờ rút ra được nhiều bài học từ thất bại này đến thất bại khác, sự đoàn kết và quyết tâm tìm cho bằng được giải pháp, cuối cùng nhóm kỹ sư đã thành công hoàn thành sáng kiến một cách trọn vẹn.

Bên cạnh những khó khăn, các kỹ sư trẻ luôn được sự động viên, hỗ trợ nhiệt tình và tạo điều kiện thuận lợi của các lãnh đạo công ty trong suốt quá trình thực hiện công việc. Ngoài ra công ty còn tổ chức nhiều khóa đào tạo ngoài chuyên sâu, đó thực sự là cơ hội để tiếp cận với các công nghệ mới từ nhà sản xuất.

Khi “đứa con tinh thần” của mình được công nhận, anh Dương tâm sự: “Bản thân tôi luôn cảm thấy mình may mắn khi được sống và làm việc trong một tập thể trẻ, năng động, đầy nhiệt huyết và sáng tạo. Được lãnh đạo đơn vị quan tâm cũng như tạo mọi điều kiện phát triển về mặt kỹ thuật cũng như kỹ năng trong cuộc sống. Nơi đây dù là điểm cuối cùng của đất nước nhưng luôn có những con người giữ một “ngọn lửa” ở trong lòng. Tuổi trẻ hôm nay là của chúng ta, chính chúng ta quyết định lấy, hãy đừng so đo tính toán chuyện thiệt hơn mà hãy xung phong đến những nơi mà ta có cơ hội được học hỏi, được thỏa mãn đam mê của mình. Bên cạnh đó chúng ta cũng phải không ngừng sáng tạo trong công việc, nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào thực tiễn để nâng cao lao động sản xuất kinh doanh”.

K.An