25/11/2017 11:10:50

Thạc sĩ Lê Kim Thoa: Con tằm cần mẫn nhả tơ

Một trong những phụ nữ hiếm hoi trong ngành Dầu khí là đồng tác giả Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017, đó là thạc sĩ Lê Thị Kim Thoa – Trưởng Phòng Kinh tế – Kế hoạch, Bộ máy điều hành của Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro. Nhìn lại quá trình công tác của thạc sĩ Thoa tại Viện NIPI, rồi tại Bộ máy điều hành mới nghiệm ra rằng, bao nhiêu năm chị như con tằm cần mẫn nhả tơ. 

Tường tận khối lượng công việc chị Lê Thị Kim Thoa đảm nhiệm hằng năm mới thấy sức làm việc bền bỉ của người phụ nữ tài năng này. Từ năm 2013 đến tháng 9-2014 chị là Phó giám đốc Kinh tế của Viện NIPI, đã chủ trì tính toán phần kinh tế các báo cáo: Sơ đồ công nghệ xây dựng và khai thác khu vực Trung tâm mỏ Rồng; Sơ đồ công nghệ xây dựng và khai thác mỏ Gấu Trắng; Hiệu quả kinh tế các giải pháp địa – kỹ thuật; Kế hoạch thu dọn mỏ Bạch Hổ, Gấu Trắng, Thỏ Trắng hiệu chỉnh; Luận chứng kinh tế – kỹ thuật đổi mới đội tàu; Thiết kế khai thác sớm khu vực Đông Bắc mỏ Rồng; Luận chứng địa chất – kinh tế cho công tác tìm kiếm thăm dò ở Lô 16-1/14; Kế hoạch 5 năm 2014-2019. Và chị cũng là người chủ trì rà soát, soạn thảo và hiệu chỉnh các loại định mức tiêu hao nhiên liệu của tàu thuyền và giàn khoan góp phần tiết kiệm đáng kể chi phí nhiên liệu cho Vietsovpetro.

Thạc sĩ Lê Thị Kim Thoa nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017

Từ tháng 10-2014 đến nay chị là Trưởng phòng Kinh tế – Kế hoạch thuộc Bộ máy điều hành – Vietsovpetro, lúc này khối lượng công việc tăng lên rất nhiều, chị là đầu mối xây dựng kế hoạch sản xuất, tài chính; Kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch sản xuất và chi tiêu ngân sách 2015 của các đơn vị trực thuộc; Lập báo cáo tổng hợp về công tác đầu tư, hiệu quả hoạt động đầu tư của Vietsovpetro…

Bên cạnh khối lượng công việc rất lớn phải đảm nhiệm thì thạc sĩ Lê Thị Kim Thoa vẫn dành thời gian cho niềm đam mê nghiên cứu. Chị là đồng tác giả của nhiều công trình khoa học mang tính ứng dụng cao của Vietsovpetro, là đồng tác giả nhiều sáng kiến cấp Liên doanh, cấp Tập đoàn. Đặc biệt, chị là đồng tác giả cụm công trình khoa học công nghệ: “Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ thu gom, xử lý, vận chuyển dầu thô trong điều kiện đặc thù của các mỏ Liên doanh Việt – Nga vietsovpetro và các mỏ kết nối trên thềm lục địa Nam Việt Nam”, vinh dự được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đầu năm 2017.

Liên doanh Vietsovpetro khai thác dầu khí từ năm 1986 ở mỏ Bạch Hổ, tại Lô 09-1 thuộc bồn trũng Cửu Long thềm lục địa Việt Nam. Ban đầu, dầu được khai thác ở tầng Mioxen và Oligoxen và sau đó ở tầng móng vào năm 1988. Để phục vụ công tác khai thác dầu, hệ thống thu gom xử lý và vận chuyển dầu khí được xây dựng trên cơ sở thiết kế theo mô hình phát triển mỏ ở vùng biển Caspi, nước Cộng hòa Azerbaijian thuộc Liên Xô (cũ). Dầu khai thác ở mỏ Bạch Hổ có hàm lượng paraffin dao động ở mức 17-27%, là loại dầu có độ nhớt và nhiệt độ đông đặc cao. Nhiệt độ đông đặc của dầu ở mức 29-360C. Việc vận chuyển dầu này bằng đường ống không bọc cách nhiệt ở môi trường như trên, thì sau khi đi vào đường ống khoảng 2-3km, nhiệt độ dầu sẽ giảm gần bằng nhiệt độ nước biển, tức là thấp hơn nhiệt độ đông đặc của dầu khoảng 7-140C. Ở điều kiện vận chuyển này, dầu ở dạng chất lỏng phi Niu-Tơn, gây hiện tượng lắng đọng paraffin bên trong thành đường ống và nguy cơ tắc nghẽn đường ống là rất cao và như vậy, việc khai thác dầu sẽ bị đình trệ, gây hậu quả nghiêm trọng. Hơn nữa, trong quá trình duy trì và tăng cường khai thác dầu khí, phải sử dụng các giải pháp cơ học và các giải pháp tăng cường, lưu lượng khí và nước đồng hành biến đổi rất lớn, gây ra nhiều thách thức trong thu gom, xử lý và vận chuyển dầu – khí bằng đường ống ngầm ngoài khơi.

Nhóm tác giả đã đưa ra một tổ hợp các giải pháp công nghệ giải quyết khó khăn được Vietsovpetro nghiên cứu và áp dụng thành công phù hợp cho từng thời kỳ và điều kiện cụ thể. Vietsovpetro đã phát triển và sáng tạo công nghệ thu gom, xử lý và vận chuyển dầu ngoài khơi bằng đường ống hoàn chỉnh cho riêng mình.

Kết quả là Vietsovpetro đã vận chuyển dầu thô bằng đường ống với việc sử dụng nguồn năng lượng vỉa của giếng mà không cần dùng máy bơm; sử dụng nguồn năng lượng địa nhiệt của chính giếng dầu để xử lý hóa phẩm giảm nhiệt độ đông đặc đảm bảo dầu vận chuyển an toàn bằng đường ống; thực hiện triển khai, phát triển công nghệ vận chuyển dầu bão hòa khí, bằng cách lắp đặt bình tách khí sơ bộ trên giàn nhẹ. Đồng thời giải pháp này giúp nghiên cứu, phát triển đảm bảo an toàn thu gom, xử lý và vận chuyển dầu thô có tính chất lưu biến phức tạp bằng đường ống ngầm ngoài khơi mỏ Bạch Hổ.

Cụm công trình đạt hiệu quả kinh tế rất cao và tác động to lớn, lâu dài đến kinh tế xã hội nước nhà, góp phần tích cực bảo vệ an ninh chủ quyền đất nước. Trong đó, hiệu quả trực tiếp do các giải pháp của Cụm công trình mang lại là 779,7 triệu USD (tính đến hết năm 2014) và hiệu quả Cụm công trình tiếp tục mang lại sau năm 2014.

Là một trong những nữ dầu khí hiếm hoi đồng tác giả công trình khoa học công nghệ đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, là một phần thưởng rất xứng đáng dành cho chị. Trong quá trình công tác, thạc sĩ Lê Thị Kim Thoa được cấp trên và đồng nghiệp đánh giá cao trong công việc, tinh thần sáng tạo, trong đối nhân xử thế… Bản thân là người có lối sống giản dị, lành mạnh, trung thực, có tinh thần đoàn kết với đồng nghiệp, giúp đỡ nhau cùng phát triển và luôn ý thức trách nhiệm cao trong công việc, sáng tạo trong lao động. Bên cạnh hoàn thành tốt công việc chuyên môn chị Thoa cũng rất tích cực tham gia xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Và chị cũng rất tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể do Công đoàn Vietsovpetro, Công đoàn Dầu khí Việt Nam phát động; tích cực ủng hộ và đóng góp cho các quỹ từ thiện xã hội, quỹ phụ nữ nghèo…

Chúc mừng thạc sĩ Lê Thị Kim Thoa với những thành quả đã đạt được sau bao nhiêu năm làm việc và cống hiến cho ngành, nhưng trên tất cả, chị là hình mẫu của chị em trong ngành Dầu khí.

Thiên Thanh