14 năm gắn liền với Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling), anh Đặng Trung Du – kỹ sư Điện kiêm Phó trưởng phòng Cơ điện và Bảo dưỡng Xí nghiệp Điều hành khoan (DD) là người luôn tiên phong trong hoạt động lao động sáng tạo.
Thành tích mới nhất là sáng kiến “Nâng cấp hệ thống theo dõi cảnh báo chạm đất và giảm điện trở cách điện cho hệ thống điện trên giàn khoan” được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn Dầu khí Việt Nam tôn vinh vừa qua.
Trước khi có sáng kiến “Nâng cấp hệ thống theo dõi cảnh báo chạm đất và giảm điện trở cách điện cho hệ thống điện trên giàn khoan” của kỹ sư Đặng Trung Du thì tất cả các giàn của PV Drilling đều chọn sơ đồ mạng điện là không có trung tính (sơ đồ IT) cho mạng điện áp thấp (Low Voltage) dưới 1000 VAC theo tiêu chuẩn IEEE 45 và IEC 61892. Bên cạnh ưu điểm nổi bật là tăng cao khả năng cung cấp điện liên tục thì mạng IT cũng còn những hạn chế. Như khi xảy ra hiện tượng chạm đất một pha thì hệ thống chỉ báo là pha chạm đất chứ không xác định pha chạm đất do thiết bị nào hoặc là mạch nào gây ra.
Kỹ sư Đặng Trung Du trên đỉnh cao nhất của tháp khoan (Crown Block) giàn PVD III để kiểm tra thiết bị (năm 2015)
Trong khi, theo tiêu chuẩn lắp đặt của nhà thầu Keppel Fels là không sử dụng CTs (Current Transfomer) cho các nhánh ra (feeder), nên việc muốn xác định lỗi chạm đất hay lỗi giảm điện trở cách điện của một nhánh nào thì người vận hành phải cách ly nhánh đó ra khỏi mạng và quan sát phản ứng của thiết bị Monitoring. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho người vận hành do một số nhánh lớn có đến hàng trăm nhánh con cùng rất nhiều các thiết bị điện. Để xác định được lỗi thì người vận hành phải cách ly lần lượt từng nhánh con. Thời điểm đó trên các giàn của PV Drilling sử dụng loại thiết bị giám sát là loại IR 1570, IRDH 275 và IRDH 375. Cả ba loại thiết bị này có tính năng tương đương nhau, đều có khả năng phát hiện được lỗi chạm đất hoặc lỗi giảm điện trở cách điện trên từng pha của hệ thống, nhưng không cho biết được thiết bị nào đang chạm đất hoặc giảm điện trở cách điện. Việc tìm ra mạch điện nào có hiện tượng như trên để xử lý, sửa chữa thực sự là ác mộng của thợ điện trên giàn, nó đã ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ của công việc cũng như hao tốn rất nhiều thời gian của nhóm điện và điều khiển trên giàn.
Đứng trước thử thách là các giàn luôn hoạt động 24/7, không thể dừng thiết bị, ngắt điện toàn bộ hệ thống để mở tủ điện đo, còn nếu xin một khoản kinh phí của TCT để làm thì hơi đắn đo vì chưa biết xác suất thành công đến đâu, kỹ sư Trung Du đã đề nghị nhà cung cấp Bender (Đức) cho mượn thiết bị trong 6 tháng để nghiên cứu, thử nghiệm. Lần đó, cũng đúng vào mùa mưa, rất nhiều thiết bị xảy ra sự cố chạm đất hoặc giảm điện trở cách điện. Sau thời gian thử nghiệm và nghiên cứu, kỹ sư Du đã đề xuất phương án thay thế các Monitoring device IRDH 375 bằng các thiết bị khác IRDH 575 kết hợp với bộ ESD 460 và các bộ biến dòng để thực hiện được các chức năng giám sát và phát hiện được lỗi chạm đất, giảm điện trở cách điện nhanh chóng và chính xác hơn. Bộ tích hợp gồm 3 thiết bị chính: Insulation Monitoring A-ISOMETER® IRDH575; Insualtion fault Locator EDS 460/490; Measuring current transformer. Sáng kiến này nhằm ưu tiên tính liên tục cung cấp điện cho các thiết bị điện, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất do mất điện gây ra, tăng tuổi thọ thiết bị, nâng cao tính an toàn cho người và thiết bị.
Tính hiệu quả của sáng kiến do kỹ sư Du đưa ra đã thuyết phục được ban lãnh đạo DD và tổng công ty. Đồng thời, lãnh đạo yêu cầu kỹ sư Du phải tính toán thật kỹ các thông số trên lý thuyết, để khi áp dụng ngoài thực tiễn, hạn chế đến mức thấp nhất việc cắt điện nhiều giờ. Và khi thi công ngoài thực tế chỉ cắt điện trong 4 giờ, vận hành an toàn, ổn định. Chỉ 3 tháng sau khi đưa hệ thống vào hoạt động thì bộ phận vận hành ngoài giàn khoan đã đề xuất lắp cho các hệ thống điện còn lại.
Hiện tại giải pháp đã được áp dụng lắp đặt hoàn chỉnh cho hệ thống 480 VAC/230 VAC trên giàn PV DRILLING V, PV DRILLING III và đang lên kế hoặch lắp đặt cho các giàn PV DRILLING I, PV DRILLING II và PV DRILLING VI, theo tính toán thì có khả năng áp dụng cho tất cả các giàn khoan biển của PV Drilling mà sử dụng mạng điện trung tính không nối đất (IT). Hiệu quả kỹ thuật của giải pháp mang lại là giúp phát huy tối đa các ưu điểm của hệ thống mạng điện IT. Xác định chính xác và nhanh chóng lỗi chạm đất hoặc lỗi giảm điện trở cách điện trên thiết bị để tiến hành xử lý kịp thời và có thể kết nối với máy tính để theo dõi từ xa qua Ethenet. Đồng thời, giải pháp này giúp giảm thời gian xác định lỗi chạm đất hoặc hoặc lỗi giảm điện trở cách điện đặc biệt trong điều kiện thời tiết không thuận lợi trên các giàn khoan khác của PV Drilling, với số tiền làm lợi vào khoảng 124.000USD/năm tương đương 2,7 tỉ VNĐ/năm.
Là một trong những người đầu tiên được vinh dự tham gia quản lý dự án đóng mới giàn khoan PV DRILLING I rồi tiếp sau đó là các dự án đóng mới giàn khoan PV DRILLING II, III, V và VI, giờ đây nhìn lại chặng đường đã qua, kỹ sư Đặng Trung Du thấy rất hạnh phúc, tự hào vì những gì mình đã làm được, đã góp sức cho PV Drilling. Không ngại khó khăn, thử thách, vất vả, dám đương đầu và chấp nhận, sẵn sàng tiên phong như là một chất đặc trưng của người lao động PV Drilling. Có phần nóng tính, quyết đoán nhưng kỹ sư Du cũng là người rất hòa đồng, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn với đồng nghiệp và các thế hệ đi sau.
Được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn Dầu khí Việt Nam tôn vinh vì những đóng góp trong lao động sáng tạo, kỹ sư Đặng Trung Du khiêm tốn khẳng định đây là thành quả của tập thể, anh là người đại diện cho tập thể để nhận giải thưởng này. Đồng nghiệp là những người vừa đóng góp trực tiếp vừa đóng góp gián tiếp cho mỗi sáng kiến, có thể là những ý kiến phản biện, trái chiều cũng giúp cho tác giả điều chỉnh sai sót, nâng cao hiệu quả của sáng kiến. Anh cũng luôn mong muốn thế hệ trẻ hãy luôn cố gắng phấn đấu, sáng tạo, mạnh dạn đưa ra những sáng kiến cải tiến kỹ thuật để đóng góp vào thành công của PV Drilling, làm cho công ty ngày càng lớn mạnh hơn
Thiên Thanh