Đầu năm 2008 tôi được nhận vào Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) làm việc với chức danh kỹ sư cơ khí thuộc Ban Phát triển khai thác.
Tới giữa năm 2009, lãnh đạo lúc đó là anh Lê Đức Tuệ dành cho tôi 2 lựa chọn hoặc là sang dự án ở Malaysia hoặc là dự án ở Algeria. Lúc đó, tôi nghĩ đơn giản là trẻ thì xông pha được, chứ sau này già rồi chắc sẽ không đi xa được nữa. Và hơn cả, điều ảnh hưởng nhất tới quyết định lúc đó của tôi là Dự án Algeria gọi đích danh tôi, vì vị trí chuyên môn phù hợp chuyên ngành đường ống bể chứa. Bởi vậy, tôi chọn tham gia Dự án Algeria từ tháng 5-2009.
Kỹ sư Đặng Hoài Nam
Thời kỳ đầu làm dự án ở PVEP, tôi và đồng nghiệp gặp phải những khó khăn, thử thách không nhỏ vì chưa quen khí hậu, văn hóa, phong tục tập quán, lối sống, ẩm thực bản xứ… Mặc dù tôi đã từng sống xa nhà 7 năm để học đại học tại Ukraine, nhưng môi trường tại Algeria cũng có những khó khăn nhất định.
Còn nhớ, hồi đầu văn phòng công ty đặt ở thủ đô Algiers. Thời tiết ở đây ôn hòa hơn, nhưng ngôn ngữ người bản địa sử dụng chủ yếu là tiếng Arab và tiếng Pháp, trong khi tôi học tiếng Nga và làm việc bằng tiếng Anh. Do đó, việc giao tiếp của tôi gặp khó khăn cả trong công việc lẫn đời sống. Trong công ty còn đỡ chứ những lúc ra ngoài đi chợ hoặc đi những công việc bên ngoài thì tôi chỉ còn cách sử dụng ngôn ngữ hình thể để giao tiếp. Dần dần tôi mới học được những câu giao tiếp tiếng Arab theo kiểu truyền khẩu để có thể giao tiếp cho các nhu cầu đơn giản.
Văn hóa và tập quán ở Algeria là sự khác biệt và mới lạ đối với chúng tôi.Nhập gia tùy tục, chúng tôi phải tập làm quen với giờ hành lễ của người địa phương, ngay cả khi có việc gấp cứ đúng giờ hành lễ thì vội mấy cũng phải đợi. Tháng nhịn ăn Ramadan mình cũng phải tránh việc ăn uống trước mặt người địa phương. Phụ nữ Algeria bị hạn chế trong giao tiếp với người nước ngoài, vì vậy ngay cả trong giao tiếp công việc với phụ nữ địa phương cũng gặp không ít khó khăn, chúng tôi phải chú ý từng cử chỉ, lời nói tránh gây hiểu nhầm. Các đồ uống có cồn rất bị hạn chế nên chúng tôi rất khó thu xếp có được những món này trong các bữa tiệc nhân các dịp lễ tết của mình. Bên cạnh đó, người Hồi giáo kiêng thịt lợn, nên chúng tôi phải phân công nhau mang thịt lợn sang mỗi dịp đổi ca về Việt Nam. Thời đó, chúng tôi tự tổ chức được bếp ăn tập thể, sau này do chuyển địa bàn, không có điều kiện tự tổ chức bếp ăn nữa nên các món ăn quanh đi quẩn lại chỉ có bò và gà cho nên ăn mãi cũng thấy ngán.
Lãnh đạo PVEP thăm dự án PVEP Algieria
Thời gian dần trôi và giờ chúng tôi đã quen với cuộc sống ở Algeria. Sau một thời gian sống và làm kỹ sư dự án ở PVEP tôi đã có được những bài học kinh nghiệm quý giá. Với đặc thù công việc dự án là tính không cố định, chúng tôi phải luôn trong tư thế sẵn sàng cho mọi chuyến đi xa. Công việc dự án phải tiếp xúc với rất nhiều đối tác thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, vì vậy ngoại ngữ là rất quan trọng để có thể làm việc. Việc đi nhiều, tiếp xúc nhiều tạo cơ hội cho chúng tôi được hiểu về các nền văn hóa khác nhau, phong tục tập quán khác nhau, giúp chúng tôi có thể hiểu hơn về cách làm việc của các đối tác để có thể chuẩn bị ứng xử một cách phù hợp.
Không chỉ có vậy, sau một thời gian ngắn “lạ nước lạ cái” tôi đã nhận ra rằng, riêng đối với môi trường như Algeria, trước tiên mình cần chuẩn bị sức khỏe để thích nghi dễ dàng hơn với môi trường sống khác biệt. Tiếp đó, cần chuẩn bị tâm lý vững vàng để có thể sống và làm việc trong môi trường tương đối khắc nghiệt của khu vực sa mạc, điều kiện sống và giải trí thiếu thốn, cũng như tình hình an ninh phức tạp, có thể xảy ra biến cố bất cứ lúc nào. Trong quá trình làm việc cần chú ý tích lũy kinh nghiệm từ những việc nhỏ để ứng phó với những tình huống phát sinh do phong cách làm việc “theo thói quen” chứ chưa chắc đã đúng chuẩn của người địa phương. Phải giữ mối quan hệ tốt đối với người địa phương, nhưng trong công việc lại phải khéo léo và cương quyết để hoàn thành tốt công việc cũng như bảo vệ lợi ích của PVEP trong dự án.
Sau một thời gian tương đối dài, hiểu được các khó khăn của dự án, quả thực, tôi rất khâm phục và cảm ơn những lớp cán bộ đi trước, những người đặt chân tới đất nước xa lạ và bắt đầu từ con số 0, để đặt nền móng cho sự phát triển dự án của chúng tôi sau này. Có thể nói, niềm tự hào lớn nhất của người lao động PVEP khi thực hiện dự án ở Algeria là được góp mặt trong dự án đầu tiên và tự điều hành của PVEP ở nước ngoài, với rất nhiều khó khăn, thử thách từ môi trường tự nhiên đến văn hóa, phong tục tập quán, lối sống… Trước tất cả những khó khăn, thách thức ấy, người lao động của PVEP đã luôn nỗ lực vượt qua, đem lại được sản phẩm và lợi ích về cho PVEP và cho đất nước. Dự án này thực sự là nơi “lửa thử vàng”, nơi để học hỏi và rèn luyện cho người lao động PVEP. Thế mới hiểu vì sao có rất nhiều con người ưu tú vốn đã nhiều năm gắn bó với Dự án Algeria đang nắm giữ các trọng trách chủ chốt ở PVEP và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Trong bối cảnh giá dầu giảm sâu như hiện nay, bản thân tôi và các cán bộ biệt phái tại Dự án PVEP Algeria đều ý thức được hoàn cảnh cũng như trách nhiệm của bản thân, sẵn sàng chia sẻ khó khăn chung, giữ vững nhiệt huyết, nỗ lực hết mình trong công việc để đóng góp vào kết quả chung. Chúng tôi coi khó khăn là cơ hội để tự rèn luyện bản thân, có thể sẵn sàng vượt qua thử thách hướng tới thành công.
Thành tích của kỹ sư Đặng Hoài Nam:
– Bằng khen của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam năm 2010
– Chiến sĩ thi đua cơ sở các năm 2011, 2012, 2013, 2014
– Bằng khen Bộ Công Thương năm 2015
Công đoàn PVEP