Trong sự phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – đơn vị đóng góp 18 – 20 % GDP hàng năm – có công sức không nhỏ của những người phụ nữ. Đây cũng là kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với bao nỗ lực của Công đoàn Dầu khí Việt Nam.
Khẳng định vai trò của phụ nữ
Theo thống kê của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBPN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, từ đầu năm đến nay, bình quân tỷ lệ nữ đưa vào quy hoạch cán bộ diện tập đoàn quản lý (phó tổng giám đốc, kế toán trưởng) chiếm 10,72 %; lãnh đạo ban/văn phòng tập đoàn chiếm tỷ lệ 27,47 %; lãnh đạo các đơn vị chiếm 14,26 %; chủ tịch HĐTV/HĐQT, tỷ lệ 3,4 %; thành viên HĐTV/HĐQT, tỷ lệ 17,6 %; tổng giám đốc/giám đốc/hiệu trưởng/viện trưởng, chiếm tỷ lệ 8,4 %; Phó tổng giám đốc/phó giám đốc/hiệu phó/viện phó, tỷ lệ 9,6 %; kế toán trưởng, tỷ lệ: 27,6 %; kiểm soát viên chính/trưởng ban kiểm soát, tỷ lệ 24,1 %.
Giai đoạn 2008 – 2013, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có 3 nữ giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt: 1 chị là Ủy viên HĐTV, 1 Chủ tịch Công đoàn ngành, 1 Bí thư Đoàn Thanh niên tập đoàn. Ngoài ra, có 5 chị là trưởng các ban chuyên môn của tập đoàn và tỷ lệ nữ lãnh đạo cấp phòng/ban trở lên tại đơn vị thành viên là 18% (2.460 người). Đây là những con số ấn tượng đối với một ngành kinh tế kỹ thuật công nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN(thứ ba từ phải sang) tặng kỷ niệm chương Vì sự phát triển phụ nữ cho các đại biểu
Đặc biệt, liên tục trong nhiều năm qua, ngay cả khi nền kinh tế thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vẫn luôn khẳng định vai trò trụ cột của nền kinh tế. Đóng góp không nhỏ trong thành quả đó là đội ngũ nữ lao động. Họ đã vượt qua hạn chế về giới tính, không quản ngại gian khó, đồng nguyện cống hiến cùng tập thể người lao động vì nền công nghiệp dầu khí nước nhà.
Có thể nói, đây là những kết quả lớn của Công đoàn Dầu khí Việt Nam sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Ngay sau khi Luật Bình đẳng giới và Nghị quyết 11 được ban hành, Đảng ủy tập đoàn đã ban hành Nghị quyết 782-NQ/TV về tăng cường công tác cán bộ nữ trong tình hình mới và chỉ đạo triển khai thống nhất trong toàn tập đoàn Chương trình hành động giai đoạn 2010 – 2015; tiến hành tổng kết, đánh giá, khen thưởng, làm cơ sở để xây dựng và triển khai Chương trình hành động bình đẳng giới giai đoạn 2016 – 2010 về công tác cán bộ nữ. Trong đó, nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện tốt các chỉ tiêu bình đẳng giới và thông qua các kế hoạch quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ nữ ở mỗi giai đoạn.
Dù Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là đơn vị đặc thù, tỷ lệ nữ ít (chiếm khoảng 22%) nhưng nhờ có sự quan tâm của lãnh đạo; điều kiện và môi trường làm việc cho phụ nữ được tạo thuận lợi tối đa… nên tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng lên. Bên cạnh đó, tập đoàn có chính sách ưu tiên nữ trong việc đề bạt, bổ nhiệm: 2 ứng cử viên nam và nữ, sẽ ưu tiên đề bạt nữ. Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có 50% lao động nữ trở lên, tối thiểu phải bố trí có 1 cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ…
Song song với đó, lãnh đạo tập đoàn, Ban VSTBPN xác định rõ việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Bởi vì, có kiến thức, phụ nữ mới có điều kiện và cơ hội về nâng cao năng lực trong đời sống xã hội, tham gia ngày càng hiệu quả vào quá trình quản lý, sản xuất – kinh doanh; có nhiều cơ hội về việc làm ổn định, thu nhập cao….
Với chủ trương đó, tập đoàn ưu tiên hỗ trợ đào tạo cán bộ trong nước và ngoài nước, tham gia các đợt bồi dưỡng chính trị, ngoại ngữ, tin học; khuyến khích chị em tham gia nghiên cứu khoa học, làm chủ nhiệm nhiều đề tài, giám đốc dự án… Mỗi năm có khoảng 6.000 lượt chị em tham gia các khóa đào tạo. Hiện tại, 300 chị em đang tham gia chương trình đào tạo sau đại học trong nước và nước ngoài. Đây là con số có ý nghĩa rất lớn để phát triển nguồn nhân lực nữ ngành dầu khí.
Vinh dự lớn lao
Bên cạnh công tác chuyên môn, phụ nữ ngành dầu khí cũng luôn làm tròn trách nhiệm, vị trí trong gia đình, xã hội. Dù công việc bận rộn, các chị vẫn “đảm việc nhà”; nhiều gia đình được công nhận Gia đình văn hóa.
Để hỗ trợ chị em, hàng năm, nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, Ngày Gia đình Việt Nam, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Tháng hành động về Bình đẳng giới, Công đoàn Dầu khí và công đoàn các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hấp dẫn thông qua câu lạc bộ, hội thảo, hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ… Đồng thời, thực hiện các hoạt động giáo dục truyền thống, văn hóa tại quê hương Bác Hồ, ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang Trường Sơn… làm công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng; hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em nghèo tại các địa phương. Gần đây nhất là “Hành trình phụ nữ dầu khí tri ân Mẹ Việt Nam anh hùng, hướng về biển đảo quê hương” tổ chức đầu năm 2017 tại Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Có thể thấy, phát huy truyền thống nhân ái, trách nhiệm, nữ CNVCLĐ ngành dầu khí cũng luôn là lực lượng nòng cốt trong công tác an sinh xã hội 10 năm qua.
Với những đóng góp bền bỉ, tích cực và xuất sắc của chị em, năm 2015, những người phụ nữ xuất sắc của ngành đã được tập đoàn và công đoàn tổ chức đến thăm và yết kiến Chủ tịch nước tại Phủ Chủ tịch. Năm 2016, tiếp tục vinh dự thăm và gặp gỡ lãnh đạo Quốc hội tại Tòa nhà Quốc hội. Đây là vinh dự to lớn mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành tặng cho phụ nữ ngành dầu khí; là động lực để những “Bông hoa truyền lửa” của ngành vượt qua mọi khó khăn, luôn “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Từ năm 2010 đến nay, ngành dầu khí có hơn 500 tập thể và gần 3.000cá nhân được tặng cờ và Bằng khen “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” cấpTổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Dầu khí Việt Nam. Hàng nghìn tập thể, cá nhân được khen cấp tổng công ty/đơn vị. |