Nghề thợ khoan trong ngành Dầu khí được gọi là nghề ăn cơm dương gian làm việc dưới “âm phủ” bởi người thợ khoan hằng ngày phải làm việc với giếng khoan sâu hàng nghìn mét dưới đáy biển. Và đây là một nghề rất đỗi nhọc nhằn. Bạn phải là người đã từng một lần đặt chân lên giàn khoan, tận mắt chứng kiến ca làm việc của thợ khoan thì mới hiểu được nỗi vất vả đó là như thế nào. Vất vả đến mức anh em đã “chế” từ “Rô-bô-te” trong tiếng Nga có nghĩa là “làm việc” thành từ “Rô-bô-trâu” để ví von công việc của thợ khoan là “cực như con trâu” vậy. Nhưng nếu không có sự góp sức quan trọng của những anh thợ khoan này thì nguồn tài nguyên dầu mỏ dồi dào của chúng ta dưới “âm phủ” sẽ mãi không thể trở thành nguồn năng lượng thắp sáng cho tương lai đất nước.
1. Người ta gọi các giàn khoan ngoài khơi là một thành phố giữa biển. Trên mỗi giàn khoan đó, cái đẹp cũng như sự cô quạnh chỉ có thể được cảm nhận rõ ràng nhất khi về đêm, nhất là vào những đêm trăng tròn, sáng và lạnh. Tôi đã có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp cũng như chứng kiến không khí làm việc ca đêm của những anh thợ khoan trên giàn công nghệ trung tâm số 2 của Vietsovpetro trong một chuyến công tác ngoài giàn năm trước. Giàn khoan về đêm lên đèn sáng rực cả một vùng biển, đó cũng chính là lúc giàn khoan đẹp nhất, nó lung linh như một thành phố giữa biển là vậy! Đặc biệt là vào những mùa trăng, có lẽ không nơi nào có trăng tròn và sáng như ở nơi đây.
Một gốc giàn công nghệ trung tâm số 2 về đêm
Còn nhớ, đêm hôm đó tôi không thể nào ngủ được, tôi lang thang ra ngoài chỗ các anh thợ khoan làm việc để quan sát. Các anh thợ khoan mỗi người mỗi góc, họ miệt mài với công việc của mình trong thầm lặng dưới ánh đèn vàng và cả màu sáng lạnh của ánh trăng; còn ngoài kia là một màu đen thẳm của biển khơi, của tiếng sóng vỗ vào các chân đế nghe rì rào, êm dịu… Anh kỹ sư khoan Nguyễn Văn Thục (SN 1984) ở Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng (Xí nghiệp K&SG), đơn vị thành viên của Liên doanh Dầu khí Việt – Nga Vietsovpetro trong một lần trò chuyện đã nói với tôi rằng: khung cảnh giàn khoan về đêm rất hữu tình, chỉ cần một thiếu nữ thật xinh ngồi bên thì nơi đây chẳng khác nào một… thiên đường. Trong câu chuyện cái đẹp về đêm trên giàn, anh cười là thế nhưng vẫn không giấu nổi được ánh mắt hơi buồn. Anh Thục nói, cảnh có đẹp thế nào cũng không thể nào xua đi được cái cảm giác cô quạnh, cái sự nhọc nhằn quá đỗi của người thợ khoan làm việc về đêm. Nhớ lại những ngày làm việc ca đêm vào lúc 2-3 giờ sáng, gió giật ầm ầm, lại đang đứng cheo leo trên tháp khoan khiến cảm giác buồn tủi trong lòng cứ dâng trào. Và rồi anh lại chẹp miệng cười bảo… nghề chọn anh mà.
2. Ngày nay, nói về nghề khoan giếng dầu thì có lẽ nhiều người sẽ hình dung ra rằng đây là một công việc khá nhẹ nhàng bởi chủ yếu người thợ khoan sẽ chỉ làm việc trên những máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại. Tức người thợ khoan chỉ cần ngồi trong phòng máy lạnh và… bấm nút cho máy hoạt động là xong! Công bằng mà nói, so với khoảng 20 năm trước thì công việc của các anh thợ khoan ngoài khoan trường đã đỡ vất vả hơn rất nhiều nhờ vào sự hỗ trợ của máy móc. Nếu như ngày xưa, việc kéo thả cần khoan đều do con người thực hiện bằng chân tay thì hiện tại đã có thiết bị trợ lực, máy móc hỗ trợ thực hiện công việc đó.
Thế nhưng vẫn có một số công việc nhất định mà chỉ có thể do người thợ khoan trực tiếp thực hiện bằng tay chứ không thể có máy móc nào thay thế được. Đơn cử như việc tiếp cần từ việc kéo thả cần khoan của máy trợ lực cũng là một công việc đòi hỏi người thợ khoan phải bỏ ra rất nhiều sức lực bởi mỗi cần khoan đều dài và nặng từ hàng tạ đến hàng tấn.
Ông Phạm Duy Toàn, Phó phòng Công nghệ khoan của Xí nghiệp K&SG, chia sẻ với tôi rằng, công việc của thợ khoan là công việc thuộc về chân tay nặng nhọc nhất trong ngành Dầu khí. Người thợ khoan phải đứng làm việc liên tục trong vòng 12 giờ, với những thiết bị nặng, bất kể thời tiết nắng mưa, giông bão; chỉ trừ khi thời tiết quá xấu, bão cấp 10 trở lên thì người thợ khoan mới được nghỉ. Ông Toàn cũng không ngần ngại ví người thợ khoan làm việc trên giàn như là người đi lao động khổ sai vậy. Thợ khoan chỉ có 12 giờ còn lại cho việc ăn, ngủ, giải trí. Nhưng trên giàn khoan ở giữa biển thì không có hoạt động giải trí gì ngoài xem tivi; xa xỉ hơn chỉ một số ít giàn mới có trò bóng bàn hay sân đánh bóng chuyền.
Theo như anh Lê Quang Cường (SN 1985) hay Nguyễn Văn Thục (cả hai từng là thợ khoan, vừa chuyển chức danh kỹ sư khoan) ở Xí nghiệp K&SG mà tôi đã có dịp trò chuyện thì nhiều hôm sau khi kết thúc một ngày làm việc của mình, các anh đã mệt đến mức không nuốt nổi cơm, về đến phòng là nằm thiếp đi…
3. Trên một giàn khoan, bộ phận khoan được chia thành 2 nhóm với 2 ca làm việc mỗi ngày, một ca được gọi là một kíp khoan. Mỗi kíp khoan thường có 7 người, trong đó gồm có 1 đốc công làm nhiệm vụ quán xuyến toàn bộ công việc khoan, đo thả cần, báo cáo số liệu về bờ, quản lý nhân công; 2 kíp trưởng thì thực hiện nhiệm vụ điều khiển máy móc, tời khoan để khoan hay kéo thả cần khoan. Và cuối cùng là 4 người thợ khoan (tên chức danh là “thợ phụ khoan”), họ cũng chính là những người phải làm việc vất vả nhất trong một kíp khoan.
Kỹ sư khoan Nguyễn Văn Thục
Thật ra, phần đông trong số những anh thợ khoan đang làm việc ngoài giàn là những anh kỹ sư đã tốt nghiệp ngành khoan. Nhưng đầu tiên khi vào nghề khoan thì bắt buộc họ phải ký hợp đồng với chức danh là “thợ phụ khoan”. Sau đó họ phải thi chuyển chức danh để lên vị trí kỹ sư hay đốc công. Theo ông Toàn, sở dĩ phải có quá trình như vậy là vì chỉ khi làm công việc của một thợ khoan thì họ mới có thể hiểu biết hết, cũng như có những kiến thức vững nhất về nghề khoan.
Theo như tôi từng quan sát, công việc của các anh thợ khoan trên giàn phụ thuộc hoàn toàn vào tình hình của giếng khoan. Nếu giếng đang được khoan thì người thợ khoan sẽ làm chủ yếu 2 công việc là tiếp cần và chuẩn bị dung dịch. Người làm công việc tiếp cần phải làm việc trên tháp khoan cao khoảng 28m so với sàn giàn khoan. Mỗi khi khoan xong một cần, dài từ vài mét đến vài chục mét thì kíp trưởng sẽ điều khiển máy để đưa cần khoan mới ra rồi nối vào cần khoan cũ và khoan xuống tiếp. Thợ khoan sẽ tiếp cần khoan mới này, sắp xếp đúng vị trí và kết thúc việc nối cần bằng tay. Song song đó, những thợ khoan khác phải chuẩn bị dung dịch khoan để đổ vào máy pha trộn và bơm liên tục xuống giếng khoan trong quá trình khoan. Dung dịch này được pha trộn theo đơn của người kỹ sư dung dịch.
Thế nhưng công việc của anh thợ khoan không chỉ có thế, ngay cả khi giếng ngừng khoan trong thời gian đo địa vật lý thì các anh cũng không được ngừng nghỉ. Bởi khi đó người thợ khoan phải chui xuống gầm roto để rửa dung dịch khoan và những hóa chất lắng xuống trong quá trình khoan. Anh Nguyễn Văn Thục diễn tả công việc này với tôi rằng, nó không khác gì so với công việc những anh công nhân vệ sinh môi trường nạo vét ống cống bởi dưới đó dung dịch luôn bốc mùi hôi thối, rất nóng và gây khó thở vì các hóa chất.
Đặc biệt hơn, các anh thợ khoan còn phải làm những công việc khác không mấy liên quan đến nhiệm vụ của mình như điện lạnh, chống ăn mòn, bắn gỉ… khi có yêu cầu. Và cũng chính vì vậy mà trong ngành khoan người ta hay gọi những anh thợ khoan là những anh “thợ tiện”, tức là tiện đâu thì làm đấy!
4. Không chỉ là một nghề vất vả cực nhọc bậc nhất trong ngành dầu khí mà nghề khoan còn là một nghề có nhiều nguy hiểm rình rập. Như đã nói, các thiết bị khoan rất nặng nên mỗi sự di chuyển của nó dù rất chậm nhưng nếu bất cẩn sẽ xảy ra tai nạn, có khi chết người. Có cần khoan dài đến 28-29m (cần dựng), nặng hàng tấn, có cần dài khoảng 9m (cần lẻ) nhưng cũng nặng hàng trăm kg. Vì thế khối sắt ấy đập vào người là gây gãy xương, bể đầu ngay cho dù người lao động luôn có thiết bị bảo hộ lao động. Ông Toàn kể là ở Liên doanh Vietsovpetro vào những năm cuối của thập niên 80 thế kỷ trước cũng đã từng xảy ra những vụ tai nạn lao động gây chết người khi khoan; hiện tại thì những tai nạn đáng tiếc đó đã không còn.
Kỹ sư khoan Lê Quang Cường
Nếu nói về sự cực nhọc thì đối với người thợ khoan làm việc ngoài giàn khoan đúng là có đến trăm bề. Điều kiện làm việc ngoài trời đã khắc nghiệt nhưng môi trường làm việc của họ lại càng khắc nghiệt hơn bởi lúc nào tiếng máy cũng vang ầm ầm bên tai, rồi mùi dầu, mùi hóa chất xông lên nồng nặc. Vất vả nhất có lẽ là lúc kéo cần và bộ khoan cụ đang nằm trong vùng khoan nguy hiểm lên, bởi khi đó thì dù trời có nắng như thiêu đốt hay giông bão kéo đến thì thợ khoan cũng phải làm việc; nếu chỉ ngừng một phút là sẽ gây ra tình trạng kẹt bộ cần khoan và gây thiệt hại rất lớn, có thể tính lên đến hàng triệu đô.
Nguy hiểm hơn là vào những mùa gió chướng, sức gió rất mạnh có thể thổi bay các anh thợ khoan đang phải làm việc trên tháp khoan xuống biển bất cứ lúc nào. Mặt khác, đã chấp nhận làm thợ khoan thì các anh sẽ phải chấp nhận việc không có ngày nghỉ lễ, tết. Mỗi ca trực của thợ khoan ngoài giàn kéo dài nửa tháng, nửa tháng sau họ được về nhà nghỉ ngơi.
Vất vả, cực nhọc là thế, song nếu như không có những anh thợ khoan miệt mài làm việc trên các khoan trường thì nguồn tài nguyên dầu mỏ dồi dào của chúng ta sẽ mãi là dầu của “âm phủ”. Bởi công việc khoan giếng chính là công đoạn quyết định trong ngành Dầu khí, đơn giản vì giếng khoan mà không thành công thì không thể nào khai thác dầu lên được. Và công việc khoan giếng là một công việc cực kỳ phức tạp, nó không những đòi hỏi người thợ khoan phải có một sức khỏe tốt mà còn phải làm việc với sự tập trung cao độ, thận trọng, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ. Bởi bất cứ một sơ suất nào cũng có nguy cơ dẫn đến những thiệt hại to lớn về tiền của cũng như con người.
Dân trong ngành Dầu khí gọi nghề ngoan là nghề ăn cơm dương gian làm việc… “âm phủ”, bởi thợ khoan hằng ngày phải làm việc với những giếng khoan sâu đến hàng nghìn mét, trung bình là từ 3,5 – 5 nghìn mét tính từ bàn roto xuống dưới đáy biển. Khi đó, tất cả các thông tin địa chất, mỏ dầu dưới “âm phủ” đấy chỉ được ghi nhận thông qua việc phân tích các mẫu đất đá được lấy lên. Đương nhiên là những thông tin đó chỉ mang tính chất dự báo chứ không ai có thể biết chính xác được dưới giếng khoan như thế nào, “trừ Tôn Ngộ Không độn thổ xuống đấy xem” – Ông Toàn hài hước nói với tôi như thế. Cũng chính vì vậy mà trong quá trình khoan hay xảy ra những sự cố bất ngờ ngoài dự tính của kíp khoan.
Thực tế có rất nhiều những sự cố, rủi ro xảy ra trong khi khoan nhưng theo các thợ khoan cho biết thì sự cố phổ biến và gây ảnh hưởng nặng nhất chính là kẹt bộ cần khoan, khi đó không kéo cần khoan lên được cũng như không thể khoan xuống tiếp. Anh kỹ sư khoan Nguyễn Văn Thục nói rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự cố đó. Và tùy vào từng nguyên nhân thì có nhiều cách xử lý khác nhau. Về mặt lý thuyết, khi xảy ra kẹt bộ cần khoan thì việc xử lý là phải làm sao giải phóng bộ cần khoan đó. Trong nhiều trường hợp không “cứu” được thì buộc phải cắt bỏ phần dưới của bộ cần khoan bị kẹt bằng cách thả mìn rung để tháo mối nối. Sau đó tiến hành bơm trám xi măng để bít lỗ khoan cũ và tiến hành khoan cắt xiên hướng khác để đi đến mục tiêu vỉa dầu.
Ông Phạm Duy Toàn – Phó phòng Công nghệ khoan Xí nghiệp K&SG
Ngoài ra, sự cố khí xâm nhập vào giếng khoan, tạo ra hiện tượng phun trào gây cháy nổ giàn khoan cũng là sự cố gây ám ảnh kinh hoàng đối với các anh thợ khoan. Tuy nhiên, theo ông Toàn thì hiện sự cố này trên các giàn khoan của Vietsovpetro hầu như không xảy ra bởi ngay từ đầu họ đã có thiết bị đối áp ngăn chặn nó. “Khí xâm nhập vào là do áp xuất dung dịch khoan thấp hơn áp xuất vỉa đẩy ra. Khi chúng tôi phát hiện khí xâm nhập thì xử lý ngay bằng cách tăng tỷ trọng dung dịch để đè khí không thoát ra được. Vì thế nếu có sự cố xảy ra thì cũng chỉ dừng lại ở hiện tượng khí xâm nhập thôi chứ không đến mức khí phun trào, cháy nổ giàn khoan” – ông Toàn cho biết.
Trầm ngâm một hồi sau khi kể về công việc của một người thợ khoan, anh Nguyễn Văn Thục uống ngụm cà phê rồi chợt… đọc thơ.
“Trong phòng kín một mình anh thui thủi
Ngoài không gian cô quạnh tràn bóng đêm
Chỉ có sóng, có thuyền, và có gió
Chỉ mình anh đang ngó nghĩ về em…”.
Đó cũng chính là 4 câu thơ trong một bài thơ tình mà anh viết tặng người bạn gái của mình ở đất liền vào một đêm khuya. Anh Thục kể vào một đêm nọ khi anh trực dưới tầng hầm với công việc lấy dung dịch ra đo các thông số rồi ghi vào sổ; hôm ấy cô bạn gái của anh đang ốm phải nằm điều trị ở bệnh viện một mình buồn và không ngủ được nên nhắn tin đề nghị anh viết tặng một bài thơ. Anh Thục đã làm ngay bài thơ này trong cái không gian và cảm xúc của sự cô đơn lúc đó. Có thể nói là 4 câu thơ đó gần như đã vẽ lên được một bức tranh tương đối đầy đủ, một bức tranh với gam màu cô quạnh về hình ảnh anh thợ khoan làm việc ngoài giàn trong những đêm khuya vắng.
Thật khó có thể nghĩ rằng những anh thợ khoan to cao, vạm vỡ như anh Thục, anh Cường… mà tôi đã gặp lại trở thành thi sĩ với những vần thơ lãng mạn như vậy! Nhưng có một thực tế mà tôi đã được biết khi tham gia một cuộc thi sáng tác do Xí nghiệp Vận tải biển và Công tác lặn (đơn vị thành viên của Vietsovpetro) tổ chức năm trước là những anh làm công tác ngoài giàn khoan luôn làm thơ rất hay cho dù các anh vốn là dân kỹ thuật, hằng ngày làm việc với những công thức và con số khô khan. Thật sự, tôi không cố lãng mạn hóa hình ảnh của các anh thợ khoan bằng những vần thơ mà tất cả là do “tức cảnh sinh tình”, họ trở thành “nhà thơ bất đắc dĩ” khi nghĩ về những người yêu thương của họ ở đất liền!
Và, tôi đã cảm nhận được một điều khi cùng các anh thợ khoan trò chuyện. Đó là ngoài lòng yêu nghề, say mê với công việc thì các anh luôn có cảm giác hãnh diện về chính bản thân mình, xuất phát từ công việc của các anh. Đó là công việc âm thầm đóng góp cho đất nước thêm giàu đẹp từ những giọt dầu được khai thác lên. Niềm hãnh diện đấy cũng chính là nguồn động lực để các anh thợ khoan vượt qua được những áp lực của công việc, cũng như để các anh vượt qua được nỗi buồn xa gia đình, bạn bè, người thân của mình… Tôi tin các anh thợ khoan trong ngành Dầu khí sẽ đồng ý với tôi về cảm nhận đó!
Phóng sự của Lê Trúc