15/05/2021 11:51:02

40 năm ngày khai thác dòng khí công nghiệp đầu tiên: Một thời gian khó nhưng đầy vinh quang

Nhân kỷ niệm 40 năm kể từ ngày dòng khí công nghiệp đầu tiên của ngành Dầu khí Việt Nam tại mỏ Tiền Hải C – Thái Bình (19/4/1981-19/4/2021) được đưa vào khai thác, ông Nguyễn Văn Toàn – nguyên Phó Giám đốc phụ trách Xí nghiệp khai thác khí (XNKT) Tiền Hải, nguyên Trưởng Ban Khai thác Dầu khí Petrovietnam đã có chia sẻ về những kỷ niệm về thời công tác tại mỏ Tiền Hải C.

Ông Toàn nhớ lại: Trong cuộc đời làm dầu khí của tôi, mỏ khí Tiền Hải tuy không phải là nơi tôi khởi nghiệp, nhưng với thời gian khoảng trên dưới 7 năm sống và làm việc tại đây từ 1982 đến cuối 1989 tôi đã gặt hái được nhiều kinh nghiệm quý báu cho công việc cũng như vốn sống của mình. Thời gian này, tôi đã có những kỷ niệm về nghề, về đời mà tôi không bao giờ quên khi cùng công tác với rất nhiều các anh chị em, từ cán bộ đến các anh em công nhân, như anh Phùng Đình Thực, Lê Anh Kiên, Vũ Đức Thủy, Mai Đình Trản, Nguyễn Văn Minh, Ngô Văn Kha và nhiều anh chị em khác. Nhân dịp này, tôi muốn gửi lời cảm ơn tới tất cả các anh chị em cán bộ, công nhân đã công tác cùng thời tại XNKT Tiền Hải C.

Một thời gian khó nhưng đầy vinh quang

Ông Nguyễn Văn Toàn, nguyên Phó Giám đốc phụ trách XNKT Tiền Hải C

Để nói về thời kỳ công tác tại XNKT Tiền Hải từ 1982 đến 1989 đối với tôi về cuộc sống có nhiều vất vả, thăng trầm, vì hoàn cảnh khó khăn chung của toàn xã hội thời điểm đó, tuy nhiên về chuyên môn, tương đối thuận lợi, bởi khi tôi về, các hệ thống từ thu gom, xử lý đến phân phối khí đã được xây dựng và đưa vào vận hành tương đối ổn định. Sau khi anh Phùng Đình Thực (hồi đó là Phó Giám đốc Kỹ thuật của XNKT Tiền Hải) chuyển vào Vietsovpetro và anh Lê Anh Kiên chuyển về làm Giám đốc, tôi được bổ nhiệm là phó cho anh.

Thời gian đầu chúng tôi tập trung cung cấp khí để các tổ máy tuabin phát điện. Muộn hơn vào những năm 1987-1988, có chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước cũng như tỉnh Thái Bình “làm cho sản xuất bung ra”, vì vậy việc sử dụng khí cho phát triển công nghiệp địa phương của tỉnh Thái Bình được khuyến khích. Lúc đó, bên cạnh cấp khí cho các tổ máy tuabin phát điện, XNKT có nhiệm vụ xây dựng và phát triển mạng lưới ống cấp khí cho các hộ tiêu thụ của tỉnh Thái Bình. Các hộ tiêu thụ mới khi đó gồm có: Công ty Gạch men Long Hầu; Công ty Thủy tinh pha lê; các cơ sở sản xuất thủy tinh cách điện, sản xuất phôi thép; Nhà máy sứ liên kết Thái Bình – Hải Dương; Nhà máy sứ Dầu khí; Hợp tác xã thủ công nghiệp Giang Long và nhiều cơ sở sản xuất các sản phẩm công nghiệp khác. Chính vì có các công trình khí này mà XNKT khi đó là một trong những đơn vị “con cưng” của Công ty Dầu khí I – Thái Bình (Công ty Dầu khí I) và là đơn vị có đóng góp tích cực “làm cho sản xuất bung ra”. Việc xây dựng các hệ thống cung cấp khí cho Thái Bình được coi là “Kế hoạch 3” của XNKT. Để triển khai kế hoạch này, chúng tôi được ưu tiên mua các ống khai thác, ống chống, cần khoan và các vật liệu khác cho đường ống bằng giá thanh lý của Công ty Dầu khí I và đưa vào công trình với giá vật tư chất lượng tốt. Kế hoạch 3 của chúng tôi lúc đó thật “lợi hại” vì vừa giúp cho Công ty Dầu khí I thanh lý được các vật tư tồn đọng, vừa tạo ra các công trình phục vụ công nghiệp Thái Bình phát triển, mang lại giá trị cao từ khí và quan trọng nhất đối với cán bộ công nhân XNKT là có nguồn thu bổ sung để cải thiện đời sống.

Thời kỳ bi-đông

Tôi xin góp vào kho tàng kỷ niệm một thời gian khó nhưng đầy vinh quang của Dầu khí Thái Bình, một mẩu chuyện nhỏ để góp vui, khi nhớ lại một thời quá khứ đầy tự hào đó.

Vào thời điểm những năm 1982-1987, tình hình kinh tế cả nước nói chung và đời sống của người lao động dầu khí tại Thái Bình nói riêng đều rất khó khăn, đồng lương hạn hẹp, giá cả các nhu yếu phẩm leo thang phi mã, dẫn đến đời sống của các gia đình cán bộ, công nhân rất khó khăn. Là người dầu khí lúc đó dù “có điều kiện” hơn chút đỉnh nhưng cũng vẫn khá chật vật.

Còn nhớ năm 1982, khi tôi mới ở trong Vũng Tàu ra học tiếng Nga ở trụ sở Công ty Dầu khí I tại chợ Đậu (tỉnh Thái Bình), thường thường vào buổi chiều mỗi khi anh em kỹ thuật đi xuống khoan trường về đều có mang theo bi-đông và chai lọ, nhiều 2-3 lít, ít thì 1 lít dầu, hỏi ra biết họ xin được dưới công trình để đổ vào bếp nấu ăn. Sau này khi xuống Tiền Hải, ở XNKT và nhất là ở Khu 3 tầng, mỗi khi tan ca của các đội khoan, thấy ngoài bi-đông, chai lọ, có anh còn dùng cả mũ bảo hiểm nhựa để đựng dầu, nhìn thấy mấy anh tay bê mũ bảo hiểm đầy dầu nhảy từ xe ca xuống đất mà không sóng mất giọt nào, mới thấy nể phục, họ tài giữ thăng bằng chẳng khác gì các diễn viên xiếc. Được biết dầu đó mọi người phải xin từ các anh thợ máy, lái xe, thủ kho dầu… mang về, ngoài việc dùng để đun nấu ăn, anh em còn cố gắng tiết kiệm tích trữ đủ vài ba lít rồi đem ra các quán có các “đầu nậu” chuyên thu mua xăng dầu kiếm “chút đỉnh” để cải thiện đời sống.

Việc kiếm thêm chai xăng, lít dầu hồi đó cũng khá vất vả vì phải làm sao đến hết ca các chai lọ mang theo phải đầy và chỉ khi nào các chai lọ đã đầy và đóng nắp, cất kỹ, anh em mới yên tâm “cống hiến”. Sự vất vả còn ở chỗ thỉnh thoảng có đợt cao điểm truy quét chai lọ do bảo vệ tiến hành, khi đó mọi việc lại phải lén lút, âm thầm, hồi hộp.

Tại XNKT hồi đó cũng không là ngoại lệ, mỗi hôm đi ca là có bi-đông, chai lọ kèm theo, đến khi vào ca lại trăn trở suy tư xem làm sao gom được cho đầy chai, hạnh phúc và dễ thở hơn là đúng kỳ “xả lỏng” (tức là quy trình xả đáy bình tách để đo hàm lượng nước và dầu condensate trong khí). Phần chất lỏng xả ra có cả dầu condensate và như vậy anh em có dịp tận thu phần dầu đó. Ngoài ra, khi xuất dầu ra đơn vị ngoài cũng là dịp anh em có thể xin thủ kho “linh động” để kiếm cho đầy bình.

Việc đưa theo chai lọ đã tạo ra cho việc quản lý xăng dầu sự bất tiện lớn, anh em bảo vệ rất vất vả canh chừng giám sát, còn anh em công nhân thấp thỏm làm thế nào để đạt “chỉ tiêu” ông bạn cùng bếp đã giao, rồi cũng có sự không đồng đều về “thành tích thu gom”, người nhiều, người ít. Về mặt quản lý chính thức, xí nghiệp vẫn có lệnh cấm mang can, lọ đi làm, cấm lấy dầu. Tuy nhiên, mỗi khi xuất dầu cho các đơn vị trong ngành, các cán bộ, nhân viên thực thi vẫn không thể quán triệt tuyệt đối quy định, đôi khi vẫn giải quyết “đối ngoại linh động”. Điều này hơi bất công với việc anh chị em trong xí nghiệp bị cấm đoán và theo dõi, giám sát, trong khi đó nhu cầu đun nấu là có thực. Một thực tế khác đã xảy ra trước đó về việc quản lý khối lượng condensate chưa chặt chẽ nên đã có cán bộ bị phê bình, khiển trách.

Rút kinh nghiệm từ các thực tế trên, sau khi được giao phụ trách xí nghiệp, ông Toàn đã nêu vấn đề tại cuộc họp gồm Giám đốc Xí nghiệp, Bí thư Chi bộ, các đại diện tổ chức Công đoàn và Đoàn Thanh niên về một giải pháp để khắc phục tình trạng mang theo chai lọ khi đi ca. Đề xuất đó là: XNKT sẽ cấp phát cho anh chị em công nhân mỗi người 10 lít dầu/tháng để phục vụ cuộc sống và sẽ phát tập trung vào 2 ngày cố định trong tháng. Trong 2 ngày đó, mọi người có thể mang chai lọ công khai (nội bộ) đến lĩnh tiêu chuẩn dầu của mình. Những ngày làm việc khác không ai được mang chai lọ đến xí nghiệp. Ý kiến của ông nhanh chóng được ủng hộ và đưa vào thực hiện.

Sau khi thực hiện phát dầu bán công khai, anh chị em phấn khởi và thực hiện rất nghiêm việc không mang theo chai lọ vào xí nghiêp. “Mặc dù quyết định đó là hơi mạo hiểm. Tuy nhiên nó đảm bảo sự công bằng hơn giữa anh chị em cán bộ và công nhân và giữa các bộ phận và vấn đề quản lý dầu condensate được minh bạch hơn”, ông Toàn chia sẻ.

Một thời gian khó nhưng đầy vinh quang

Cuốn sổ ghi chép của ông Nguyễn Văn Toàn thời làm việc tại XNKT Tiền Hải

Kỷ niệm về vấn đề phát triển tiêu thụ khí và chăm lo đời sống công nhân

Ông Toàn cho hay, thời điểm khi nhu cầu của các hộ tiêu thụ địa phương tăng lên, XNKT được sự ủng hộ của lãnh đạo Công ty Dầu khí I để triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động một số tuyến ống dẫn khí cho các cơ sở công nghiệp địa phương của tỉnh Thái Bình và huyện Tiền Hải (bên cạnh việc cấp khí cho tuabin phát điện). Trong số các đường ống đó có đường ống dẫn khí thấp áp về Hợp tác xã thủ công nghiệp Giang Long đóng tại xã Tây Giang (cạnh chợ huyện), chiều dài đường ống lên tới 4 km, là tuyến ống dài nhất. Khi đó Hợp tác xã thủ công nghiệp Giang Long có mặt hàng chủ lực là chiếu cói xuất khẩu và họ rất năng động và có uy tín với lãnh đạo tỉnh Thái Bình.

Về cơ chế khi đó đối với XNKT cũng như các công ty, xí nghiệp khác tại Công ty Dầu khí I là khá mới vì có phong trào “Kế hoạch 3”. Chúng tôi được ưu tiên mua ống thanh lý tại kho Đông Hưng của Công ty Dầu khí I với giá thanh lý và đưa vào công trình được chấp nhận với giá nguyên vật liệu tốt (giá cao). Thực chất đó là các loại cần khoan, cần khai thác được nhập về nhưng chưa hề sử dụng, tuy nhập về nhiều năm và để trong kho nhưng vẫn được bảo quản tốt.

Ông Toàn nhớ lại, việc bàn và thống nhất ký hợp đồng xây đường ống và cấp khí nhanh chóng được thống nhất. Một trong những điều khoản được thống nhất lúc đó là một phần trong số tiền xây dựng đường ống sẽ được thanh toán bằng hiện vật, tức là bằng thóc (vì là “Kế hoạch 3” nên vấn đề thanh toán bằng hiện vật cũng dễ thỏa thuận). Sau khi nộp các khoản nghĩa vụ của mình cho Công ty Dầu khí I, phần còn lại được phép phân phối để cải thiện đời sống cho anh em công nhân.

“Tôi còn nhớ số tiền quy ra thóc hồi đó khoảng trên 20 tấn. Vào thời điểm đó một xí nghiệp nhỏ như chúng tôi có được một nguồn sản phẩm nông nghiệp như vậy là quá lớn. Khi lấy thóc về chúng tôi rất phấn khởi nhưng lại rất lúng túng không biết chứa vào đâu. Ban đầu định chứa ở phòng lớn ở đầu phía Nam nhà 2 tầng, tuy nhiên, do e ngại ở vùng đồng bằng ven biển khá ẩm sợ thóc bị mốc, chúng tôi bèn đưa lên phòng họp trên tầng 2.

Sau khi đưa lên chứa ở tầng 2, đêm nằm chợt nhớ một khối lượng như vậy liệu nhà 2 tầng có chịu được không? Nhỡ sập nhà thì sao? Lo lắng cả đêm không ngủ, chỉ mong trời mau sáng, rồi sáng sớm hôm đó phải huy động toàn lực chuyển lại xuấng tầng 1, chấp nhận bị ẩm, đồng thời phải tính toán và cho giải phóng nhanh. Cuối cùng mọi việc cũng được giải quyết ổn thỏa, trước mùa nồm, số thóc đã được phân phát hết cho anh chị em cán bộ, công nhân”. Ông Toàn kể.

Một thời gian khó nhưng đầy vinh quang

Trạm xử lý khí đầu tiên của ngành Dầu khí

Giờ đây khi ngồi kể lại cho chúng tôi nghe về những ngày công tác tại mỏ khí Tiền Hải C, đôi lúc ông Toàn vẫn cảm thấy như mình đang sống với không khí thời kỳ đó. Đó là những năm tháng không thể nào quên được với bất cứ ai. Nhớ lại quá khứ là để ghi nhận, biết ơn công lao của các thế hệ tiền bối, tập thể những người lao động và các bạn đồng nghiệp đã trải qua nhiều biến động, buồn vui theo thời gian, để tự hào rằng bản thân và những anh em đồng nghiệp đã tiếp bước các thế hệ đi trước để có những đóng góp nhỏ bé tạo dựng nên ngành Dầu khí vững mạnh, đáng tự hào như hôm nay.

Với ông, sự nghiệp dầu khí có những lúc thăng trầm theo thời cuộc, tuy nhiên về tổng thể nó vẫn đang phát triển và luôn có những đóng góp vô cùng quan trọng cho sự phát triển của đất nước, vẫn là tâm huyết và công sức của rất nhiều thế hệ những người đi tìm lửa, họ vẫn luôn tin yêu, tự hào và mong ngành Dầu khí sẽ tiếp tục được các thế hệ sau xây dựng, phát triển ngày càng bền vững và luôn giữ được vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước.

Nguyễn Hoan ghi