Kính gửi: Các đ/c cán bộ làm công tác TVPL.
Văn phòng TVPL kính gửi các Đ/c và đơn vị “05 câu hỏi/tình huống GĐPL” tháng 01/2020 và “08 văn bản pháp luật mới” như các file gửi kèm để đơn vị nghiên cứu và phổ biến cho các cấp Công đoàn thuộc đơn vị mình. Cụ thể:
1. Quyết định 225/QĐ-BYT ngày 30/01/2020 của Bộ Y tế về thành lập đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) đã chỉ đạo thành lập 45 đội phản ứng nhanh.
QĐ này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
2. Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 28/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của Virut Corona gây ra (trong đó có chỉ đạo Bộ Công an cần xử lý nghiêm những người tung tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh).
3. Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ ban hành về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại.
+ Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan;
2. Tống đạt là việc thông báo, giao nhận giấy tờ, hồ sơ, tài liệu do Thừa phát lại thực hiện theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan;
3. Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này.
+ Nghị định cũng quy định những việc Thừa phát lại không được làm bao gồm:
– Tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình, trừ trường hợp pháp luật quy định khác;
– Sử dụng thông tin về hoạt động của Thừa phát lại để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
– Đòi hỏi thêm bất kỳ khoản lợi ích vật chất nào khác ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng.
– Kiêm nhiệm hành nghề công chứng, luật sư, thẩm định giá, đấu giá tài sản, quản lý, thanh lý tài sản.
– Trong khi thực thi nhiệm vụ, Thừa phát lại không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người thân thích của mình.
Người thân thích gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại; cháu ruột mà Thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.
– Các công việc bị cấm khác theo quy định của pháp luật.
Nghị định 08/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 24/02/2020.
4. Thông tư số 35/2019/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2019 của Bộ LĐTBXH về quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).
Theo đó, tiền lương tháng đã đóng BHXH đối với NLĐ đóng BHXH bắt buộc quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư 35 được điều chỉnh theo công thức sau:
Tiền lương tháng đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của từng năm x Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng.
(Trong đó, mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng từ năm 2015 đến năm 2020 lần lượt như sau: Năm 2015: 1,13; Năm 2016: 1,10; Năm 2017: 1,06; Năm 2018: 1,03; Năm 2019: 1,00; Năm 2020: 1,00).
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/02/2020, các quy định trong Thông tư áp dụng từ ngày 01/01/2020.
5. Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. NĐ này có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
6. Thông tư số 67/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019 của Bộ Công an về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Theo đó, quy định một trong các hình thức giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của lực lượng CSGT đó là giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp.
Tuy nhiên, khi thực hiện ghi âm, ghi hình CSGT làm nhiệm vụ, người dân cần phải đảm bảo 03 điều kiện sau:
– Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ;
– Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông);
– Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/01/2020.
7/. Quyết định số 1689/QĐ-TLĐ về ban hành Quy chế thi đua khen thưởng của tổ chức Công đoàn.
Theo đó, Công đoàn cơ sở để được xét tặng danh hiệu “Công đoàn cơ sở hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” cần đạt các tiêu chuẩn sau:
– Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao;
– Có thỏa ước lao động tập thể (đối với Công đoàn cơ sở doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập);
– Có các quy chế dân chủ ở cơ sở;
– Có tập hợp ý kiến đoàn viên kiến nghị với cơ quan chức năng Nhà nước (hoặc thông qua công đoàn cấp trên) tạo điều kiện, cơ chế phù hợp, thuận lợi cho đoàn viên, NLĐ có việc làm, nâng cao thu nhập (đối với nghiệp đoàn);
Không xảy ra ngừng việc tập thể hoặc đình công trái pháp luật;
– Không có tai nạn lao động chết người tại nơi làm việc do lỗi chủ quan;
– Không có đoàn viên, cán bộ công chức, viên chức là cán bộ chủ chốt vi phạm pháp luật bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên.
Quyết định số 1689/QĐ-TLĐ có hiệu lực từ ngày 12/11/2019.
8/. Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia (Luật số 44/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2019).
Theo đó, kể từ ngày 01/01/2020 thì các hành vi sau đây sẽ bị nghiêm cấm:
– Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia;
– Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia;
– Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (hiện hành cho phép người điều khiển xe máy có nồng độ cồn miễn không vượt mức cho phép.
– Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc và nghỉ giữa giờ làm việc; …
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020.