Lịch sử Việt Nam đã ghi lại những mốc son, những ngày tháng mà cả dân tộc như cùng một tấm lòng đoàn kết, sục sôi trong ý chí bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những ký ức còn in đậm trong tâm trí các cán bộ, công nhân viên Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro về biển đảo và khí thế hào hùng của những ngày xây dựng các Công trình DK1 đầu tiên, cắm mốc chủ quyền tại quần đảo Trường Sa bỗng lại ùa về sống động như chỉ mới hôm qua.
Ngô Thường San, Đặng Hữu Quý, Nguyễn Trọng Nhưng
Kể từ năm 1981 đến 1988, Vietsovpetro, đơn vị Liên doanh với Liên bang Nga (Liên Xô trước đây) về thăm dò và khai thác dầu khí ngoài thềm lục địa Việt Nam đã xây dựng được nhiều công trình giàn khoan dầu khí quy mô lớn ngoài mỏ Bạch Hổ như các giàn MSP1, BK2, MSP 3, 4, 5, 6, CPP2… Vietsovpetro là đơn vị đầu tiên tại miền Nam có cơ sở vật chất kỹ thuật có thể xây dựng các giàn khoan dầu khí lớn ngoài biển tới độ sâu 100m nước.
Công trình DK1-1 đầu tiên xây dựng năm 1989 tại Trường Sa |
Xác định thềm lục địa Việt Nam có nhiều tiềm năng về dầu khí, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam thực hiện các công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí tại các vùng biển thềm lục địa Việt Nam, đồng thời phối hợp với các đơn vị Hải quân và Bộ đội Biên phòng bảo vệ chủ quyền biển đảo tại các khu vực này.
Vào tháng 12-1988, chúng tôi được Phó tổng giám đốc Vietsovpetro Ngô Thường San gọi lên văn phòng, trong phòng khách có một người mặc quân phục mang hàm Thượng tướng và một người mang quân hàm Thiếu tướng. Ðó là đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Ðào Ðình Luyện và Thiếu tướng Nguyễn Bình, Chính ủy Bộ Tư lệnh Công binh. Cùng tiếp đoàn còn có ông Lê Quang Trung, Bí thư Ðảng ủy và ông Ðặng Minh Hồng, Chánh văn phòng Vietsovpetro. Chúng tôi rất bàng hoàng xúc động khi được nghe câu chuyện đồng chí Ðào Ðình Luyện kể về tinh thần chiến đấu hết sức dũng cảm ngoan cường và sự hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Hải quân các tàu HQ 505 và HQ 604 trên các đảo Gạc Ma, Colin và Len Ðao gần đảo Sinh Tồn thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Vào ngày 14-3-1988, 3 tàu chiến lớn của Trung Quốc đến chiếm các đảo này, ban đầu chúng chủ động đâm va nhằm tiến vào lấn chiếm đảo, vấp phải sự truy cản của các chiến sĩ Hải quân kiên định bảo vệ chủ quyền biển đảo, chúng đã điên cuồng nã đạn vào các tàu HQ 604, HQ 605 và HQ 505 nhưng các chiến sĩ Hải quân không hề lùi bước. Chủ quyền các đảo Colin, Len Ðao được giữ vững, quân Trung Quốc đã chiếm đảo Gạc Ma, bắn chìm các tàu HQ 604, bắn hỏng hoàn toàn tàu HQ 505 và 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân đã anh dũng hy sinh.
Ngày 5-7-1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra Chỉ thị số 180UT về việc xây dựng Cụm Dịch vụ kinh tế – Khoa học – Kỹ thuật thuộc Ðặc khu Vũng Tàu – Côn Ðảo, nhằm nghiên cứu điều kiện hải văn, đồng thời xác định chủ quyền Việt Nam đối với khu vực thềm lục địa gần khu vực quần đảo Trường Sa.
Sau cuộc gặp với Thứ trưởng Ðào Ðình Luyện, chúng tôi ý thức được nhiệm vụ quan trọng là Vietsovpetro phải phối hợp với Bộ Tư lệnh Công binh, thực hiện việc xây dựng các giàn DK1 trên những bãi ngầm san hô thuộc quần đảo Trường Sa để khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo này. Ðồng chí Ðào Ðình Luyện cũng cho biết, hiện Bộ Quốc phòng không có ngân sách và ngoại tệ để mua sắt thép, cũng như kinh phí cho việc thi công các công trình này.
Ðể xây dựng 2 công trình này, đồng chí San đã đặt vấn đề với phía Nga xin được sử dụng các ống chống khoan bằng thép đường kính lớn và các đoạn chân đế giàn khoan có sẵn, còn thừa trong kho vật tư; sử dụng tàu cẩu NPK với 2 tàu dịch vụ Sao Mai 01 và Phú Quý trong thời gian 10 ngày để thi công công trình. Ðề nghị này được phía Nga trong Vietsovpetro đồng tình.
Tháng 2-1989, Vietsovpetro thành lập Ban Dự án DK1 gồm các thành viên bộ máy điều hành và các đơn vị trực thuộc, ông Ngô Thường San, Phó tổng giám đốc được cử làm Trưởng ban chỉ đạo; ông Lê Quang Trung, Bí thư Ðảng ủy, Phó ban chỉ đạo; ông Trần Sỹ Phiệt, Trưởng phòng Viện NIPI, Phó ban Điều phối; ông Nguyễn Trọng Nhưng, Phó giám đốc Cục Xây lắp, Phó ban Chỉ đạo, phụ trách thi công; ông Ðặng Hữu Quý, Phó chánh kỹ sư Viện NIPI, Chủ nhiệm Thiết kế công trình; ông Lâm Quang Chiến, Trưởng phòng Viện NIPI, Trưởng ban Khảo sát; ông Trần Thanh Quang, Trưởng phòng Cục Xây lắp, Phó ban Thi công ngoài biển và ông Nguyễn Văn Thạc, Phó giám đốc Cục Vận tải Biển làm Phó ban Tàu thuyền thi công ngoài biển.
Chuẩn bị chu đáo
Khu vực thềm lục địa Việt Nam (kể cả các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa) là vùng biển chịu nhiều ảnh hưởng của các cơn bão lớn. Hằng năm, từ tháng 6 đến tháng 2 liên tục có các cơn bão với sức gió mạnh nhất lên tới 160km/h, sóng biển cao 9-10m, khu vực các bãi đá ngầm có mực nước 7-25m, chủ yếu là đá san hô có độ rỗng lớn, giòn dễ vỡ, khả năng gắn kết vật liệu thấp. Dòng chảy khu vực các bãi ngầm rất mạnh, nhiều luồng phức tạp nên việc xây dựng các nhà giàn gặp rất nhiều khó khăn, ngay từ khâu thiết kế phương án kết cấu móng công trình. Công tác xây dựng ngoài Trường Sa cũng rất khó khăn do vào các khoảng thời gian biển tốt tàu Trung Quốc có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, đây là tình huống nguy hiểm, có thể dẫn đến mất an toàn sinh mạng cho người và thiệt hại lớn về tài sản do tàu thuyền xây lắp là những tàu đặc chủng có giá trị hàng trăm triệu đôla.
Bãi ngầm Tư Chính nằm ở khoảng từ 07029’03’’ đến 07033’20’’ Vĩ Bắc, 109037’30’’đến 109054’58’’ Kinh Ðông, nằm kề các lô dầu khí 133-136 và 155-158 trong khu vực Bể Tư Chính – Vũng Mây thuộc quần đảo Trường Sa, cách Vũng Tàu khoảng 230 hải lý về phía đông nam. Bãi ngầm Tư Chính có vị trí rất quan trọng trong xây dựng, phát triển kinh tế biển và công tác quản lý chủ quyền vùng biển trên khu vực Trường Sa. Phạm vi bãi ngầm ở trong khoảng độ sâu 14m đến độ sâu 200m dài khoảng 50km, chiều rộng nơi rộng nhất khoảng 13km, hình lưỡi liềm phát triển dài theo hướng Ðông Bắc – Tây Nam. Các khu vực lân cận có mực nước rất sâu khoảng 500-1.500m.
Với kinh nghiệm thiết kế và xây lắp các giàn khoan dầu khí tại vùng mỏ Bạch Hổ ở độ sâu nước biển 50m, Vietsovpetro đã nhận đảm nhiệm xây dựng 2 nhà giàn DK1-1 đầu tiên trên bãi cạn Tư Chính là nhà giàn Tư Chính A (Tư Chính 1 hay còn gọi là DK1 – Tư Chính A) và nhà giàn Tư Chính B (Tư Chính 2, hay còn gọi là DK1-2 – Tư Chính B).
Với yêu cầu cấp bách là nhà giàn DK1-1 và DK1-2 tại Tư Chính cần phải hoàn thành trong năm 1989, đồng thời cùng với 2 nhà giàn do Bộ Giao thông Vận tải xây dựng trên các bãi cạn Phúc Tần và Ba Kè là DK1-3 và DK1-4.
Ðây là 4 nhà giàn DK1 đầu tiên trên Biển Ðông thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ý thức được vai trò rất quan trọng của các nhà giàn, để đảm bảo tính bền vững trước các cơn bão lớn, công tác xử lý nền móng được đặt lên hàng đầu. Ban Tổng giám đốc đã cùng các phòng trong bộ máy điều hành và các kỹ sư thiết kế của Viện Nghiên cứu Khoa học và Thiết kế của Vietsovpetro – NIPI, trên cơ sở các bản đồ hàng hải và mặt bằng khu vực Tư Chính, tìm và xác định vị trí thích hợp cho công tác khảo sát sơ bộ khu vực dự kiến xây dựng các nhà giàn.
(Còn tiếp)