Sau 40 năm hình thành và phát triển, Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro luôn là đơn vị hoạt động hiệu quả nhất trong công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, có đóng góp to lớn cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng.
Cảng Vietsovpetro tại đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo giai đoạn 1981-1985 (ảnh tư liệu) |
Xuất phát từ yêu cầu của công cuộc tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí thềm lục địa phía Nam, ngày 30/5/1979, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại kỳ họp thứ 5, khóa VI đã ra Nghị quyết thành lập đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo, gồm thị xã Vũng Tàu, xã Long Sơn thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai và huyện Côn Đảo thuộc tỉnh Hậu Giang. Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo trở thành đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh, trực thuộc Trung ương và là đơn vị hành chính thứ 40 trong cả nước.
Ngày 19/6/1981, Hiệp định Liên Chính phủ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết về việc thành lập Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu khí tại thềm lục địa phía Nam Việt Nam được ký kết. Nền móng hình thành của Vietsovpetro được đặt trên đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo, nay là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT), cũng chính là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử xây dựng và phát triển ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam.
Đóng góp cho cơ cấu nền kinh tế
Tính đến thời điểm hiện tại, Vietsovpetro đã khai thác được 241 triệu tấn dầu thô, doanh thu bán dầu khí đạt gần 84 tỉ USD, thu gom và vận chuyển về bờ hơn 36 tỉ mét khối khí đồng hành… từ đó phát triển nên ngành công nghiệp khí, điện, đạm và thay đổi sâu sắc đời sống kinh tế – xã hội, cơ sở hạ tầng của tỉnh BR-VT. Trong từng giai đoạn phát triển, hoạt động của Vietsovpetro đã có tác động lan tỏa mạnh mẽ, tạo điều kiện thúc đẩy các ngành kinh tế, dịch vụ khác của tỉnh, góp phần tạo nên chuỗi khép kín các dịch vụ dầu khí trên địa bàn.
Hiện nay, tại BR-VT, tổ hợp các ngành năng lượng, đạm – hóa chất và công nghiệp khí đốt, sản xuất và cung ứng hóa phẩm dầu khí, đóng mới giàn khoan, sửa chữa tàu biển, dịch vụ cảng biển và kho bãi, các đại lý sản phẩm dầu khí đã có cơ cấu gần như hoàn chỉnh… Không những vậy, cùng phát triển với Vietsovpetro, nhiều doanh nghiệp khác đã trở thành những thương hiệu mạnh tầm cỡ quốc gia và quốc tế, có đóng góp đáng kể vào tỉ lệ gia tăng giá trị công nghiệp và dịch vụ của tỉnh hàng năm như: Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC), Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), Nhà máy xử lý khí Dinh Cố, tổ hợp Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ, Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Công ty Dịch vụ Cơ khí Hàng hải (PTSC M&C)… Đây là những yếu tố nòng cốt đưa BR-VT trở thành tỉnh có quy mô kinh tế lớn trong vùng cũng như cả nước.
Một góc Cảng Vietsovpetro ngày nay |
Từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước đến nay, cơ cấu kinh tế của tỉnh BR-VT liên tục có sự chuyển biến lớn và phát triển với nhịp độ tăng trưởng khá cao. Tổng sản phẩm trong nước giai đoạn 1991-2011, kể cả dầu khí tăng 12,27%/năm. Giai đoạn 2010-2015, cơ cấu kinh tế cả dầu khí: công nghiệp, xây dựng chiếm 88,44%; dịch vụ chiếm 8,6%; nông nghiệp chiếm 2,95%. Giai đoạn 2015-2020, BR-VT tiếp tục khẳng định vai trò là một trong những vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là trung tâm của cả nước trong các lĩnh vực năng lượng (6 tỉ kWh/năm), sản xuất phân bón (800.000 tấn urê/năm), luyện cán thép (2 triệu tấn/năm) và bước vào hàng ngũ 3 địa phương đứng đầu cả nước về thu nộp ngân sách trung ương, chỉ sau TP HCM và Hà Nội, với tổng thu ngân sách khoảng 384.830 tỉ đồng năm 2020.
Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua, Vietsovpetro không chỉ thu hút được hàng nghìn cán bộ công nhân viên có trình độ tay nghề cao đến làm việc, còn góp phần đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại chỗ cho địa phương. Dưới sự hỗ trợ tận tình của các chuyên gia người Nga, những cán bộ, kỹ sư, công nhân người Việt đã không ngừng học hỏi, vươn lên, từng bước làm chủ những công nghệ phức tạp của ngành dầu khí. Không những vậy, kể từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước cho đến nay, đặc trưng văn hóa trong đời sống của các công dân Nga đã và đang làm việc, cư trú tại khu tập thể Năm tầng còn mang đến cho TP Vũng Tàu sự hòa quyện đặc biệt giữa 2 nền văn hóa Nga – Việt, làm sinh động thêm bức tranh đời sống – văn hóa – du lịch của thành phố biển. Đường Bacu hay Tượng đài Dầu khí ở TP Vũng Tàu từ lâu cũng đã trở thành biểu tượng và dấu ấn đặc biệt của tình hữu nghị Việt – Nga, của sự hợp tác thành công giữa BR-VT và ngành Dầu khí.
Tích cực trong các hoạt động cộng đồng
Trong 40 năm qua, Vietsovpetro luôn là đơn vị đồng hành trên bước đường xây dựng, phát triển của tỉnh BR-VT. Sự phát triển của Vietsovpetro còn có tác động quan trọng đến nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân trong tỉnh.
Liên tục trong nhiều năm trước đây, mỗi năm Vietsovpetro hỗ trợ từ 1 đến 1,5 triệu USD cho tỉnh xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong đó, Công đoàn phía Nga trong Vietsovpetro đã động viên cán bộ công nhân viên người Nga quyên góp tiền xây dựng một số công trình về văn hóa, an sinh xã hội như: công trình nhà ở cho giáo viên tại xã đảo Long Sơn (TP Vũng Tàu) trị giá 12.000 USD; nhà thi đấu thể thao cho thanh thiếu niên xã Hòa Long (thị xã Bà Rịa) trị giá 65.000 USD; Nhà văn hóa dân tộc Châu Ro (xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc) trị giá 50.000 USD…
Tượng đài Dầu khí TP Vũng Tàu |
Cán bộ, công nhân viên Vietsovpetro cũng không bao giờ quên được công sức, sự ủng hộ hết mình của nhân dân địa phương và lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ. Chính vì vậy, ngoài việc hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng, Vietsovpetro còn tích cực hưởng ứng và tham gia cùng với địa phương trong công tác đền ơn đáp nghĩa, từ thiện xã hội, xóa đói giảm nghèo, phòng chống thiên tai.
Đã thành truyền thống hàng năm, tập thể người lao động Vietsovpetro luôn dành ra từ 2 đến 3 ngày lương, cộng với tiền trích từ quỹ phúc lợi xây dựng những căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương, tặng xe đạp cho các em học sinh nghèo hiếu học ở những vùng khó khăn. Vào các dịp lễ, Tết, Vietsovpetro tổ chức đoàn đến thăm và tặng quà các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn tỉnh. Kể năm 1995, Vietsovpetro đã nhận phụng dưỡng suốt đời các mẹ Việt Nam Anh hùng đang cư ngụ tại tỉnh BR-VT; cùng với đó là thường xuyên tài trợ kinh phí và hiện vật cho các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già tàn tật, hỗ trợ quỹ khuyến học, quỹ tài năng trẻ trên địa bàn.
Trong những năm gần đây, mặc dù gặp nhiều khó khăn do giá dầu giảm sâu, nhưng hằng năm Vietsovpetro vẫn tiếp tục dành trên 1 tỉ đồng để đóng góp cho các quỹ xã hội từ thiện của tỉnh. Bên cạnh đó, Vietsovpetro cũng thường xuyên tổ chức đoàn đi khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho những người dân ở vùng nông thôn ít có cơ hội tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng cao.
Vietsovpetro ủng hộ 10 tỉ đồng cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phòng chống dịch Covid-19. |
Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ thời điểm đầu năm 2020 đến nay, với truyền thống “tương thân tương ái”, thể hiện tinh thần trách nhiệm, chung tay cùng cả nước chống dịch của CBCNV ngành Dầu khí, Vietsovpetro đã tổ chức kêu gọi, vận động CBCNV tích cực đóng góp, ủng hộ nguồn kinh phí cho công tác phòng chống dịch Covid-19 của cả nước, hưởng ứng cuộc vận động ủng hộ “Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 của Chính phủ”. Tính đến cuối tháng 6/2021, Vietsovpetro đã ủng hộ trên 55 tỉ đồng cho Quỹ vắc-xin, hỗ trợ các địa phương và lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch trên cả nước, trong đó ủng hộ tỉnh BR-VT là 10 tỉ đồng.
Tính đến nay, Vietsovpetro đã đóng góp cho tỉnh BR-VT nói riêng và các địa phương trong cả nước xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện công tác xã hội từ thiện với tổng kinh phí gần 70 triệu USD.
Mặc dù đang gặp phải những khó khăn, thách thức, song với truyền thống cần cù, lao động sáng tạo trong 40 năm xây dựng và phát triển, tin rằng tập thể lao động quốc tế Vietsovpetro đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, phát triển ổn định và hướng đến sự phát triển bền vững, không chỉ là định hướng đến năm 2030 mà còn trong nhiều năm tiếp theo, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của tỉnh BR-VT và nền kinh tế chung của đất nước.
Trúc Lâm