16/04/2015 10:34:55

Vì lợi ích thiết thực nhất cho người lao động Dầu khí

Trong 2 ngày 14 và 15-4-2015, Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam Nghiêm Thùy Lan và Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San cùng đoàn công tác phối hợp đã có các buổi làm việc tại Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) và Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP).

Nhằm phát huy thế mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động của hai tổ chức chính trị – xã hội lớn nhất, đông đảo nhất ngành Dầu khí, tháng 12-2014, Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã ký Chương trình phối hợp công tác với Hội Dầu khí Việt Nam. Chuyến thăm và làm việc với các đơn vị lần này là nhằm triển khai cụ thể chương trình 2015, là chuyến khảo sát nắm bắt về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác xây dựng tổ chức công đoàn, lắng nghe những tâm tư về đời sống, lao động, việc làm; lắng nghe phản ánh thực chất nhất những khó khăn cũng như các kiến nghị của đơn vị để đề ra những giải pháp hỗ trợ trong thời gian tới.

_DSC0077

Đoàn công tác của Hội DKVN và Công đoàn DKVN làm việc tại PVEP

Chủ tịch CĐ DKVN Nghiêm Thùy Lan khẳng định, đợt khảo sát tại các đơn vị trong ngành lần này là những trao đổi, đối thoại cùng các đơn vị. Các kiến nghị, đặc biệt là kiến nghị về chế độ chính sách, về xây dựng công đoàn,… sẽ được tổng hợp đầy đủ để báo cáo lên lãnh đạo cao nhất của ngành, của Đảng và Nhà nước, ngõ hầu có được những giải pháp tốt nhất nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động ngành Dầu khí, vì sự phát triển ổn định, bền vững của đơn vị, của Ngành trong thời gian tới.

Chủ tịch Hội DKVN Ngô Thường San tin tưởng, với hình thức trao đổi gặp gỡ và đối thoại như thế này, các đơn vị sẽ cởi mở bày tỏ những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nêu rõ những áp lực cạnh tranh mà đơn vị đang phải đương đầu; đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; biện pháp khuyến khích phong trào sáng kiến sáng chế trong sản xuất để cùng nhau bàn bạc tháo gỡ, thực hiện mục tiêu tạo sức bật mới cho phát triển.

Tiến sỹ Phan Ngọc Trung, Viện trưởng VPI và các cán bộ chủ chốt của Viện đã có buổi trao đổi hết sức thẳng thắn và đưa ra nhiều vấn đề thiết thực, cụ thể để trao đổi, xin ý kiến tư vấn của đoàn công tác.

VPI là tổ chức KHCN hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ với những nhiệm vụ chủ yếu là thực hiện nghiên cứu và dịch vụ KHCN thông qua hợp đồng kinh tế, nghiên cứu áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đối với hoạt động dầu khí và thực hiện nhiệm vụ đào tạo cho Tập đoàn và các đơn vị trong và ngoài ngành.

Cho đến nay, VPI được coi là tổ chức KHCN đi đầu trong việc chuyển đổi theo mô hình quy định tại Nghị định 115. Năm 2014 vừa qua đã thực hiện tới 211 đề tài nhiệm vụ NCKH, thực hiện 174 hợp đồng dịch vụ KHCN và hàng loạt các hợp đồng cung cấp sản phẩm dịch vụ khác, đào tạo 495 lượt học viên ngoài Viện.

Sau 7 năm hoạt động của mô hình tổ chức KHCN tự chủ, hoạt động nghiên cứu KHCN của VPI về cơ bản đã xóa bỏ được tư tưởng bao cấp, trì trệ, nâng cao tính năng động, chủ động phát huy nguồn lực sáng tạo, phát triển thành đơn vị NCKH tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ, bền vững về quy mô, tính tổng hợp và đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Sản phẩm NCKH và ứng dụng công nghệ mang tính sáng tạo, đã tạo được sự đột phá về chất lượng và phát triển theo chiều sâu ở các lĩnh vực thế mạnh. VPI thực sự đã trở thành đơn vị đầu ngành về khả năng cung cấp các dịch vụ cốt lõi cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và hầu hết các đơn vị trong, ngoài Tập đoàn, kể cả các công ty – nhà thầu dầu khí nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, VPI hiện vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn không dễ khắc phục, đặc biệt là các khó khăn về cơ chế, chính sách. Cho đến nay, Nghị định 115 vẫn còn rất nhiều bất cập chưa được tháo gỡ trong quá trình thực thi, thậm chí văn bản hướng dẫn còn chưa đầy đủ. Sự chồng chéo trong việc áp dụng các cơ sở pháp lý hiện hành như Luật Đấu thầu, Luật KH&CN cũng như các thủ tục, quy trình xét duyệt phức tạp chính là những cái “nút thắt” đối với mô hình hoạt động hiện nay của VPI.

Một vướng mắc khác là, theo Nghị định số 69/2014/NĐ-CP của Chính phủ về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước (Điều 29, 31), không thể xác định VPI là đơn vị sự nghiệp hay doanh nghiệp cấp II thuộc Công ty Mẹ, dẫn đến khó khăn trong việc sử dụng Quỹ phát triển KHCN của Tập đoàn để đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm trang thiết bị phục vụ nghiên cứu và phát triển.

Có thể khẳng định rằng, việc chuyển đổi VPI sang mô hình hoạt động theo Nghị định 115 là phù hợp với xu hướng phát triển tất yếu, tạo điều kiện chủ động tối đa cho tổ chức KHCN, giải phóng sức sáng tạo cho cán bộ NCKH, nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo điều kiện gắn kết giữa NCKH và phát triển công nghệ với hoạt động sản xuất kinh doanh của Ngành Dầu khí, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Song để mô hình này thực sự phát triển mạnh, bền vững, rất cần sự quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ các rào cản chính sách từ phía Chính phủ và các Bộ, ngành và từ Tập đoàn.

Tại buổi làm việc với PVEP, đoàn công tác đã nghe Tiến sỹ Đỗ Văn Khạnh, Tổng giám đốc PVEP thông báo về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, về các dự án của PVEP hiện nay. Đoàn cũng nghe báo cáo công tác của Công đoàn PVEP, những thuận lợi và khó khăn PVEP đang phải đối mặt trong bối cảnh giá dầu suy giảm tiêu cực, khó lường. Là đơn vị chủ lực của Tập đoàn trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác Dầu khí, PVEP hiện đang quản lý điều hành nhiều dự án dầu khí trọng điểm của Ngành. Liên tục nhiều năm qua, PVEP luôn hoàn thành vượt mức, về đích sớm mọi chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch được giao. Tuy nhiên, PVEP cũng luôn đứng trước những thách thức do địa bàn hoạt động rộng, đầu tư lớn, môi trường làm việc khắc nghiệt, tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh, an toàn…

Hiện trong tình hình mới, PVEP đang phải rà soát lại các kế hoạch, chủ động xem xét lại các dự án nhằm giảm bớt thiệt hại do tác động của giá dầu xuống thấp, phải ngồi lại với các nhà thầu dịch vụ để đàm phán về việc giảm giá, tìm giải pháp cho cơ chế, nguồn tài chính cho đầu tư. Khó khăn cơ bản của PVEP là cơ chế tài chính cho PVEP còn nhiều bất cập, nếu không có một cơ chế đầu tư đặc thù cho mô hình doanh nghiệp thăm dò, khai thác như PVEP thì khó bảo đảm cho sự phát triển lâu dài và bền vững.

Bên cạnh đó, những ràng buộc của các quy định pháp lý về phân bổ chi phí, thủ tục đầu tư, trích lập quỹ phát triển thăm dò khai thác,… đang khiến PVEP mất đi sự chủ động cần thiết. Cơ chế lương cho đội ngũ cán bộ quản lý chưa phù hợp cũng tác động không nhỏ tới hoạt động của Tổng công ty. Một trong số những đề xuất đáng chú ý nhất được đưa ra là tìm phương án cổ phần hóa một số dự án nhiều rủi ro để huy động vốn, tiến tới cổ phần hóa một phần chính PVEP.

Đoàn công tác đã ghi nhận các đề xuất kiến nghị của PVEP để tổng hợp báo cáo lên các cấp có thẩm quyền. Sáng kiến hợp tác khảo sát của hai tổ chức Hội DKVN và Công đoàn DKVN là rất có ý nghĩa nhằm chung tay góp sức hỗ trợ các đơn vị thành viên của Tập đoàn, chắc chắn sẽ có tác động rất tích cực đến hoạt động của các đơn vị cũng như các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, thực sự trở thành một động lực cho sự phát triển của ngành Dầu khí trong giai đoạn hiện nay.

Tiến Dũng