30/06/2016 9:31:08

TƯ VẤN PHÁP LUẬT THÁNG 6/2016

Tiếp theo các nội dung tư vấn pháp luật tại kỳ trước, kỳ này Văn phòng Tư vấn pháp luật tiếp tục gửi tới bạn đọc các câu hỏi tư vấn và xử lý tình huống theo quy định của pháp luật như sau: 

Câu 1:

Ngày 02/01/2016, chị X ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với Công ty A, mức lương theo hợp đồng lao động là 4.000.000 đồng. Ngày 15/01/2016, chị X ký hợp đồng lao động thời hạn 01 năm với Công ty B, mức lương theo hợp đồng lao động là 8.000.000 đồng (Chị X làm việc ở Công ty A và Công ty B). Hỏi Công ty nào có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế bắt buộc cho chị X?

Trả lời:

– Căn cứ khoản 2 Điều 13 Luật Bảo hiểm Y tế 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014):

“Điều 13. Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế

……………

  1. Trường hợp một người đồng thời…………….

Trường hợp đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 của Luật này có thêm một hoặc nhiều hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thì đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất.

…………………….”.

– Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 4 Nghị định số 44/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động:

“Điều 4. Trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế bắt buộc của người sử dụng lao động và người lao động

……………….

  1. Trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc của người sử dụng lao động và người lao động:
  2. a) Người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất có trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

Người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động còn lại có trách nhiệm chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

……………”.

Như vậy, trường hợp người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động của hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất có trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế.

Trong trường hợp này, hợp đồng lao động có mức lương cao nhất là hợp đồng lao động ký giữa chị X và Công ty B ngày 15/01/2016 với mức lương theo hợp đồng lao động 8.000.000 đồng. Do đó, Công ty B có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế bắt buộc cho chị X. 

Câu 2:

Thời hạn người sử dụng lao động gửi thông báo bằng văn bản về việc tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động theo quy định của pháp luật lao động hiện hành?

Trả lời:

Căn cứ Điều 30 Nghị định 05/2015/NĐ-CP:

“Điều 30. Trình tự xử lý kỷ luật lao động

Trình tự xử lý kỷ luật lao động tại Điều 123 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:

  1. Người sử dụng lao động gửi thông báo bằng văn bản về việc tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động cho Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên cơ sở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở, người lao động, cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật của người lao động dưới 18 tuổi ít nhất 5 ngày làm việc trước khi tiến hành cuộc họp.

…………………….”.

Như vậy, người sử dụng lao động gửi thông báo bằng văn bản về việc tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động trong thời hạn ít nhất 5 ngày làm việc trước khi tiến hành cuộc họp.

Câu 3:

Công ty A quyết định cho người lao động nghỉ Tết Âm lịch năm 2016 từ ngày 06/02/2016 đến hết ngày 10/02/2016. Do ngày 07/02/2016 trùng vào chủ nhật (là ngày nghỉ hằng tuần của Công ty) nên theo quy định Công ty phải sắp xếp cho người lao động nghỉ bù vào ngày 11/02/2016. Tuy nhiên, do nhu cầu sản xuất, người lao động Công ty A phải đi làm từ ngày 11/02/2016. Hỏi, cách tính tiền lương Công ty A phải trả cho người lao động làm việc trong ngày nghỉ bù?

Trả lời:

Căn cứ khoản 3 Điều 115 Bộ luật Lao động 2012:

“Điều 115. Nghỉ lễ, tết

………………

  1. Nếu những ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này trùng vào ngày nghỉ hằng tuần, thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp”.

Căn cứ khoản 5 Điều 25 Nghị định 05/2015/NĐ-CP:

“……………………

  1. Người lao động làm thêm giờ vào ngày lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hằng tuần quy định tại Điều 110 của Bộ luật Lao động được trả lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết. Người lao động làm thêm giờ vào ngày nghỉ bù khi ngày lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hằng tuần theo quy định tại Khoản 3 Điều 115 của Bộ luật Lao động được trả lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ hằng tuần.

…………………….”.

Như vậy, trong trường hợp người lao động Công ty đi làm vào ngày 11/02/2016 (ngày nghỉ bù do ngày lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hằng tuần) thì người lao động được trả lương tính theo tiền lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200% (điểm b khoản 1 Điều 97 Bộ luật Lao động 2012).

Văn phòng Tư vấn pháp luật