Tiếp theo các nội dung tư vấn pháp luật tại kỳ trước, kỳ này Văn phòng Tư vấn pháp luật tiếp tục gửi tới bạn đọc các câu hỏi tư vấn và xử lý tình huống theo quy định của pháp luật như sau:
Câu 1.
Khi người lao động xin nghỉ không lương (1 đến 2 tháng) và người sử dụng lao động đã đồng ý thì trong khoảng thời gian này người lao động có được hưởng ngày nghỉ hằng năm không?
Trả lời:
Căn cứ Điều 6 Nghị định 45/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động:
“Điều 6. Thời gian được coi là thời gian làm việc của người lao động để tính số ngày nghỉ hằng năm
…
- Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng.
…”.
Như vậy, thời gian người lao động xin nghỉ việc riêng không hưởng lương từ 01 đến 02 tháng (đã được người sử dụng lao động đồng ý) không được coi là thời gian làm việc của người lao động để tính số ngày nghỉ hằng năm.
Câu 2.
Chị A đang nuôi con nhỏ 06 tháng tuổi. Hỏi, chị A được hưởng những chế độ gì theo quy định của pháp luật lao động hiện hành?
Trả lời:
– Căn cứ Điều 155 Bộ luật Lao động 2012:
“Điều 155. Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ
- Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp sau đây:
- a) Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
- b) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
…
- Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
- Trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động.
- Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động”.
– Căn cứ điểm d khoản 4 Điều 123 Bộ luật Lao động 2012:
“4. Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:
…
- d) Lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi”.
– Căn cứ khoản 3 Điều 7 Nghị định 85/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ:
“3. Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ như sau:
- a) Mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi;
- b) Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động”.
Như vậy, trong thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, chị A được hưởng những chế độ sau:
– Không phải làm việc vào ban đêm;
– Không phải làm thêm giờ;
– Không phải đi công tác xa;
– Không bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
– Không bị xử lý kỷ luật lao độngvì lý do nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
– Không bị xử lý kỷ luật lao động khi đang trong thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi;
– Được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Câu 3.
Theo quy định của pháp luật, trong thời gian hành kinh, lao động nữ được nghỉ bao nhiêu phút mỗi ngày?
Trả lời:
Căn cứ Điều 7 Nghị định 85/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ:
“Điều 7. Chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ
- Khi khám sức khỏe định kỳ, lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế ban hành.
- Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ như sau:
- a) Mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là 03 ngày trong một tháng;
- b) Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;
- c) Thời gian nghỉ cụ thể do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ”.
Như vậy, trong thời gian hành kinh, lao động nữ được nghỉ mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là 03 ngày trong một tháng. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.Thời gian nghỉ cụ thể do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.
Văn phòng Tư vấn pháp luật