01/08/2016 9:03:39

Tư vấn chính sách pháp luật: Điểm tựa pháp lý cho người lao động

Công tác tư vấn pháp luật của cán bộ công đoàn cơ sở ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp trong thời kỳ mới. Đặc biệt, trong thời điểm chuẩn bị hội nhập TPP, công tác tư vấn pháp luật cho người lao động lại trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi vậy, người cán bộ công đoàn phải thường xuyên cập nhật kiến thức pháp luật để đảm bảo lợi ích hợp pháp của người lao động vừa giúp người sử dụng lao động hành xử đúng luật, hợp lý vẹn tình.

Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với các thủ lĩnh Công đoàn trong ngành Dầu khí về vấn đề này.

Phó chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Mạnh Kha:Cán bộ công đoàn phải là chuyên gia tư vấn

die m tu a pha p ly cho nguo i lao do ng

Công tác tổ chức cán bộ, tập huấn về chính sách pháp luật công đoàn là rất cần thiết và luôn được Công đoàn Dầu khí Việt Nam (CĐ DKVN) quan tâm, thực hiện một cách bài bản, bổ ích và thiết thực. Đơn cử như từ năm 2013 đến nay, Công đoàn DKVN tổ chức hơn 10 đợt tập huấn trên cả nước về Luật Lao động, trong đó có nhiều lớp chuyên sâu như đào tạo chuyên sâu cho các chủ tịch công đoàn cơ sở, xử lý tranh chấp trong doanh nghiệp…

Trong bối cảnh gia nhập TPP tới đây sẽ có sự cạnh tranh trong công tác công đoàn. Bởi vậy, vai trò của công đoàn cần phải tiếp tục được khẳng định, đáp ứng nhu cầu của công đoàn viên, giữ vững hoạt động của tổ chức. Nếu chúng ta không có một đội ngũ cán bộ tốt, tầm nhìn rộng sẽ là khó khăn lớn cho tổ chức công đoàn. Đối với cán bộ công đoàn, ngoài công tác phong trào góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công đoàn viên thì tư vấn pháp luật lại là nền tảng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động (NLĐ). Mà pháp luật Việt Nam chúng ta luôn có sự chuyển động, thường xuyên được hoàn thiện mà điều này có nhiều nội dung lớn liên quan đến NLĐ như Luật Lao động 2012, Luật Bảo hiểm Y tế…

Một vấn đề quan trọng nữa là việc tranh chấp lao động mà ngay cả trong Tập đoàn chúng ta cũng bắt đầu xảy ra tại một số đơn vị. CĐ DKVN đã bắt đầu nhận được một số kiến nghị của NLĐ mà chúng tôi cũng đã phải vào cuộc tham gia giải quyết cùng công đoàn cơ sở. Nổi lên một vấn đề là cán bộ công đoàn cơ sở chưa phát huy được vai trò tư vấn pháp luật của mình nên mới để xảy ra khiếu nại vượt cấp. Bởi vậy, để giải quyết tận gốc điều này, đáp ứng nhu cầu của công đoàn viên, chúng ta, những cán bộ công đoàn phải thường xuyên trau dồi, cập nhật thông tin về pháp luật lao động, sẵn sàng tư vấn, phổ biến cho NLĐ tại đơn vị.

Phó chủ tịch Công đoàn Công ty Mẹ Chu Thành Ngọc: Tư vấn trực tiếp và giải quyết từ gốc

die m tu a pha p ly cho nguo i lao do ng

Công đoàn Công ty Mẹ – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hiện có trên 1.500 đoàn viên công đoàn, đang sinh hoạt tại 10 công đoàn cơ sở thành viên, 4 công đoàn bộ phận và gần 100 tổ công đoàn. Do đặc điểm của Công đoàn Công ty Mẹ – Tập đoàn, hiện nay có tổng số 39 đầu mối trực thuộc, trải dài trên địa bàn Bắc, Trung, Nam của đất nước và có 1 công đoàn bộ phận ở nước ngoài (Công đoàn bộ phận SNG), trong đó có 6 ban quản lý dự án (với tính chất kém ổn định và không kéo dài) và với những đối tượng NLĐ với những đặc thù rất khác nhau, do đó việc sớm hình thành và luôn kiện toàn Tổ Tư vấn pháp luật nhằm giải quyết ngay từ khi những thắc mắc, những mâu thuẫn bắt nguồn do hiểu biết khác nhau về luật và áp dụng luật là rất cần thiết.

Hiện nay, Tổ Tư vấn pháp luật của Công đoàn Công ty Mẹ – PVN có 9 đồng chí đang làm việc ở 9 vị trí và ở 7 đơn vị khác nhau, để trước hết và đầu tiên là trực tiếp tư vấn luật cho những NLĐ và đoàn viên công đoàn của chính đơn vị mình (bình quân mỗi tổ viên hằng năm đã trực tiếp tư vấn được 10 thắc mắc lớn nhỏ); mặt khác, với những vụ việc lớn hơn sẽ tập trung khả năng giải quyết và tư vấn của nhóm (nhóm sẽ gồm 2-3 tổ viên khi được giao nhiệm vụ); những vụ việc lớn hơn thì sẽ cần đến sự tư vấn của các cá nhân và đơn vị chuyên nghiệp hơn như luật sư, văn phòng luật sư, công ty luật…

Chính nhờ “khâu” tư vấn trực tiếp, giải quyết từ gốc, giải quyết triệt để sự vụ từ “trứng nước”, nên những năm vừa qua Công đoàn Công ty Mẹ – PVN chỉ nhận được 1 đơn kiến nghị của vài đồng chí làm việc ở ban quản lý dự án đã gần hết thời gian hoạt động (chuẩn bị giải thể) và chính công đoàn cơ sở thành viên đã phối hợp để giải quyết ổn thỏa sự việc.

Tuy nhiên, việc giải quyết tranh chấp lao động ở Công đoàn Công ty Mẹ – PVN là chưa có. Ngoài việc Công ty Mẹ – PVN và các đơn vị trực thuộc Công ty Mẹ luôn giải quyết đúng đắn, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành và đúng chế độ chính sách, ngoài ra còn đãi ngộ thỏa đáng thì đã là nguyên nhân cơ bản không gây ra tranh chấp (cả quyền và lợi ích). Mặt khác khâu tuyên truyền phổ biến pháp luật đầy đủ, kịp thời, nhận thức và trình độ của NLĐ Công ty Mẹ cũng cao nên không có áp lực về hiểu biết cũng như thực hiện chế độ chính sách; Bên cạnh đó công tác tư vấn pháp luật luôn song hành cũng tạo ra những điều kiện đảm bảo an toàn hợp lý cho mối quan hệ hiểu biết và áp dụng pháp luật của cả Công ty Mẹ, mà bắt đầu từ các đơn vị.

Chúng ta đều tự khẳng định được rằng: “Công tác tuyên truyền, phổ biến và tư vấn pháp luật là rất quan trọng, cần được đưa lên hàng đầu trong nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, đặc biệt là chuẩn bị hội nhập TPP”. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng của một tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội như công đoàn. Đứng trước mỗi khó khăn, vấn đề cần được đặt ra là: Công đoàn sẽ làm gì để NLĐ tin tưởng và để sát cánh cùng lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là khó khăn và những thách thức của ngành Dầu khí Việt Nam hiện nay.

Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty (TCT) Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) Nguyễn Văn Cư: Người lao động tự nguyện giảm thu nhập vượt qua khó khăn

die m tu a pha p ly cho nguo i lao do ng

Để nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật cho NLĐ, góp phần bảo vệ quyền lợi cho NLĐ thì Công đoàn PVEP đã thành lập tổ tư vấn pháp luật công đoàn, trang bị đầy đủ các văn bản về pháp luật lao động mới nhất cho tổ tư vấn, tổ chức các khóa tập huấn về pháp luật cho các cán bộ làm công tác tư vấn để giúp trả lời, tư vấn cho NLĐ khi cần thiết.

Cho đến thời điểm hiện tại, Công đoàn PVEP đã làm rất tốt công tác đối thoại NLĐ tại nơi làm việc theo Nghị định 60 của Chính phủ năm 2013 (tối thiểu 3 tháng một lần) để NLĐ có điều kiện hỏi, trao đổi những tâm tư, nguyện vọng, thắc mắc của mình về các chế độ, chính sách, môi trường làm việc, công tác an toàn nơi làm việc… thậm chí cả các ý kiến xây dựng để công tác điều hành sản xuất kinh doanh của PVEP đạt hiệu quả tốt hơn. Chính vì vậy, tập thể NLĐ đã được giải đáp thắc mắc kịp thời, không còn hiện tượng đơn thư khiếu nại mà công đoàn cũng như Ban Thanh tra phải thụ lý và giải quyết. Vì làm tốt những công tác trên nên trong những năm qua Công đoàn PVEP không nhận được đơn thư khiếu nại của NLĐ.

Trong thời gian vừa qua và hiện nay giá dầu thế giới vẫn còn giảm sâu, dẫn tới ảnh hưởng không nhỏ tới tâm tư NLĐ, cụ thể về thu nhập cũng như công ăn việc làm. Trước tình hình đó Công đoàn PVEP đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới NLĐ để NLĐ hiểu rõ những khó khăn, thách thức mà PVEP gặp phải do ảnh hưởng của giá dầu. Từ đó, NLĐ hiểu, thông cảm và cùng chia sẻ, chung lưng đấu cật với ban lãnh đạo TCT, cùng đồng hành với TCT để tìm các giải pháp, thực hành tiết kiệm, phát huy sáng kiến sáng chế, góp phần giảm giá thành sản phẩm, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh được PVN giao phó. Thậm chí, tự nguyện giảm thu nhập của mình để góp phần cùng PVEP vượt qua khó khăn trước mắt cùng ban lãnh đạo PVEP đưa TCT phát triển bền vững, lâu dài.

Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) Hồ Trọng Thoán: Công đoàn kêu gọi NLĐ cùng chia sẻ khó khăn

die m tu a pha p ly cho nguo i lao do ng

Công tác tư vấn pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Công đoàn PV Drilling góp phần vào việc chăm lo, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ. Các ban chuyên trách chính sách pháp luật, tuyên giáo của Công đoàn PV Drilling thường xuyên tham mưu cho Ban Thường vụ cập nhật những văn bản, quy định mới của pháp luật, Luật Lao động, Luật Công đoàn để tuyên truyền về chính sách, chế độ lương, phụ cấp đặc thù có liên quan đến NLĐ, nhất là đối với NLĐ làm việc ca kíp trên các giàn khoan thông qua các công đoàn cơ sở thành viên trong toàn TCT, giúp NLĐ hiểu rõ được quyền lợi, chế độ của mình.

Công đoàn cũng thường xuyên tổ chức tập huấn hoặc cử cán bộ tham gia tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ về công tác tư vấn pháp luật do công đoàn cấp trên tổ chức, đồng thời có sự giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đúng theo quy định pháp luật tại từng đơn vị.

Những chế độ, chính sách đối với NLĐ luôn được thực hiện một cách đầy đủ nhất tại PV Drilling, cho nên đến thời điểm hiện tại chưa có trường hợp tranh chấp lao động hay NLĐ có khiếu kiện xảy ra, đó là một điều hết sức đáng mừng. Có được kết quả đó có thể khẳng định rằng, hoạt động tư vấn pháp luật của tổ chức công đoàn đã bám sát Nghị quyết số 04/NQ-BCH, ngày 27-12-2010 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng tư vấn. Phát huy tốt vai trò tham mưu công tác tư vấn pháp luật đối với công đoàn cùng cấp, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của NLĐ. Phối hợp với người sử dụng lao động kiến nghị với cấp có thẩm quyền giải quyết tốt các chế độ, chính sách và tạo niềm tin đối với NLĐ.

Các cán bộ làm công tác công đoàn, chủ tịch công đoàn cơ sở thành viên chủ động nắm tình hình việc thực hiện chế độ, chính sách, những vấn đề bức xúc trong cán bộ, công nhân viên lao động tại đơn vị để tổ chức tư vấn kịp thời.

Năm 2016 dù đối diện với nhiều khó khăn và thử thách nhưng PV Drilling luôn quan tâm đến đời sống NLĐ, nhất là đối với NLĐ làm việc trên giàn khoan. Công đoàn cùng với chính quyền có nhiều giải pháp để cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân, viên chức, NLĐ giải quyết tốt việc chống bụi, chống ồn, chiếu sáng, phòng chống cháy nổ và hạn chế tối đa các nguy cơ tìm ẩn mất an toàn, bệnh nghề nghiệp. Môi trường làm việc luôn được cải thiện và an toàn, góp phần bảo đảm an toàn sức khỏe cho NLĐ và phục vụ tốt cho sản xuất. Duy trì đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp… Nhờ vậy, đã góp phần ổn định đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân, viên chức lao động.

Hiện nay, khi mà giá dầu vẫn ở mức thấp, khiến các hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà thầu khoan chưa thể triển khai, điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến các dịch vụ của PV Drilling. Từ đầu năm, công đoàn và ban lãnh đạo PV Drilling đã áp dụng các biện pháp kêu gọi NLĐ cùng chia sẻ khó khăn với TCT bằng cách tạm thời không nhận lương hiệu quả, thay thế nhân sự chuyên gia người nước ngoài. Đối với người đang nghỉ chờ việc, chủ yếu tập trung ở đội ngũ lao động trực tiếp trên giàn khoan nằm trong diện tạm hoãn hợp đồng lao động, Công đoàn TCT đã kiến nghị với ban lãnh đạo vẫn tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ trong thời gian 1 năm, duy trì bảo hiểm PVI Care, trợ cấp khó khăn… nhằm chờ cơ hội thị trường dầu khí phục hồi trở lại.

Chủ tịch Công đoàn TCT CP Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí (DMC) Khuất Quang Tiến: Tạo sự tin tưởng, đồng thuận từ ba phía

die m tu a pha p ly cho nguo i lao do ng

Có thể nói, sự hiểu biết về pháp luật và các văn bản quy định của Nhà nước và công đoàn là điều kiện tiên quyết trong hoạt động của công đoàn. Với vai trò là người đại diện, người bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho NLĐ, từ nhận thức và qua thực tiễn hoạt động tại công đoàn cơ sở cho thấy, nếu cán bộ công đoàn và NLĐ được trang bị kiến thức về pháp luật thì kết quả hoạt động công đoàn đạt kết quả tốt, tạo sự tin tưởng, đồng thuận của NLĐ với tổ chức công đoàn và người sử dụng lao động, không xảy ra các hiện tượng đơn thư, khiếu kiện…

Tại Công đoàn cơ sở DMC đã thành lập tổ tư vấn pháp luật, bao gồm các cán bộ công đoàn từ cấp tổ công đoàn đến ban chấp hành công đoàn cơ sở. Những người này thường xuyên được trang bị, bổ sung kiến thức về pháp luật, chính sách. Đồng thời, Công đoàn DMC đã khởi tạo ra mục tư vấn pháp luật trên trang web của TCT và có đường link đến trang tư vấn pháp luật của CĐ DKVN để thường xuyên cập nhật thông tin, giải đáp công khai các vấn đề NLĐ yêu cầu giải đáp. Mặt khác Công đoàn DMC cũng thường xuyên đào tạo, bổ sung kiến thức cho tổ công tác thông qua các lớp tập huấn; tổ chức phổ biến chính sách – pháp luật đến NLĐ thông qua các hình thức câu hỏi và đáp án các tình huống có nội dung gắn với thực tế tại đơn vị.

Ngoài ra, Công đoàn DMC cũng tổ chức để NLĐ tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến trong việc xây dựng thỏa ước lao động; tổ chức đối thoại thường kỳ giữa NLĐ và sử dụng lao động.

Trong những năm gần đây, mặc dù có nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bố trí việc làm và đảm bảo thu nhập cho NLĐ, nhưng tổ chức công đoàn và lãnh đạo chuyên môn luôn phấn đấu bảo đảm quyền lợi cho NLĐ ở mức cao nhất. Bên cạnh đó NLĐ cũng thấu hiểu và chia sẻ với tình hình khó khăn chung nên trong TCT không xảy ra tình trạng đơn thư, kiếu kiện.

Trước các khó khăn hiện nay của toàn ngành và của DMC nói riêng, đặc biệt là chuẩn bị cho sự gia nhập của Việt Nam vào Hiệp định TPP với nhiều thuận lợi nhưng cũng đầy thách thức, công đoàn cơ sở TCT DMC xác định một số vấn đề trọng tâm của hoạt động công đoàn. Đầu tiên, Công đoàn DMC xác định tập trung nâng cao tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật bằng cách đổi mới phương thức tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đến NLĐ. Chú trọng tuyên truyền về Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013, Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm hay nội dung của Hiệp định TPP, các công ước quốc tế ILO về lao động… Mặt khác, tuyên truyền về truyền thống của giai cấp công nhân ngành Dầu khí để động viên, khuyến khích NLĐ DMC phát huy truyền thống 25 năm xây dựng và trưởng thành, khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh, xây dựng đơn vị, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.

Công đoàn DMC đang tăng cường công tác đào tạo cán bộ công đoàn về mọi mặt. Từ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn chuyên trách ở cơ quan công đoàn cấp cơ sở đến các kỹ năng hoạt động công đoàn đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách ở cơ sở, trong đó chú trọng bồi dưỡng các kỹ năng thương thuyết, đàm phán với người sử dụng lao động, tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn trong doanh nghiệp…

Cuối cùng là đổi mới phương thức hoạt động công đoàn bằng cách chuyển trọng tâm hoạt động của công đoàn về cơ sở với phương châm “nhanh chóng chuyển đổi từ phương thức chỉ đạo hành chính, sang phương thức trực tiếp; thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện để công đoàn cấp dưới chủ động thực hiện nhiệm vụ; cùng giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc của cơ sở nhưng tuyệt đối không làm thay”.

Thành Công – Vương Tâm