01/12/2021 9:01:55

Tự hào 60 năm Ngành Dầu khí Việt Nam phát triển cùng đất nước: Vietsovpetro – Cánh chim đầu đàn của ngành Dầu khí

Trong những năm tháng khó khăn nhất của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của Liên bang Xô Viết và nhân dân Liên Xô. Điều đó đã thể hiện qua những công trình biểu tượng cho tình hữu nghị Việt – Xô đã gắn bó với nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Tình hữu nghị lâu bền ấy được nối dài đến ngày hôm nay, còn được biết đến bằng sức sống của một tập thể liên doanh được thành lập vào những năm đất nước ta đang trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Đó là Liên doanh Vietsovpetro, đầu tàu vững mạnh của ngành Dầu khí Việt Nam, cánh chim đầu đàn, cũng là một trong những biểu tượng đẹp và đầy tự hào minh chứng cho tình hữu nghị Việt – Nga.

Trong hồi ký của mình, cựu Thứ trưởng Bộ Địa chất Liên Xô V.A. Yarmolyuk có đoạn: “Ngày 14/10/1979, tôi vừa đi nghỉ an dưỡng về thì ngay ngày hôm sau Bộ trưởng E.A. Kozlovski nói với tôi rằng tôi cần chuẩn bị cho chuyến bay gấp sang Việt Nam.

– Vì mục đích gì thế. Và tôi sẽ đi với tư cách là ai?

– Đồng chí sẽ lãnh đạo một nhóm liên ngành các nhà địa chất – dầu mỏ, bao gồm các chuyên gia của các bộ khác nhau: Bộ Địa chất, Bộ Công nghiệp Dầu khí và Bộ Công nghiệp Khí đốt, ngoài ra còn có các nhân viên của Ủy ban Kế hoạch nhà nước. Nhiệm vụ của nhóm các đồng chí là xác định xem đất nước chúng ta sẽ tiếp tục tham gia như thế nào vào sự nghiệp dầu khí ở Việt Nam“.

Ngày 25/10/1979, các ông Đinh Đức Thiện, Lê Văn Cự, cố vấn cho đại sứ quán F.I. Kleimenov, nhà địa chất và kỹ sư trưởng về dầu khí G.A. Kostromin đã ra sân bay Nội Bài đón đoàn của ông V.A. Yarmolyuk. Sau vài ngày đi thực tế ở đồng bằng sông Hồng, tất cả các thành viên bay vào TP HCM. Trong vòng hơn 2 tuần lễ, các chuyên gia Liên Xô đã làm quen với các tài liệu do các đồng nghiệp Việt Nam cung cấp. Đoàn cũng đi thăm thành phố Vũng Tàu và thiết bị khoan ở bán đảo Cà Mau. Theo kết luận của các chuyên gia Liên Xô, thềm lục địa Việt Nam xứng đáng được “phát triển càng nhanh càng tốt”.

Ngày 1/12/1979, Bộ Chính trị đã tổ chức một cuộc họp đặc biệt để thảo luận bản báo cáo của ông Đinh Đức Thiện về các cuộc đàm phán của ông tại Mátxcơva, cũng như kết quả công việc của các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam. Điểm chủ chốt là luận điểm cho rằng, việc hợp tác với Liên Xô và sự tham gia của các nước thành viên khối SEV là “một biện pháp cần thiết để xây dựng một ngành dầu khí hoàn chỉnh và hài hòa”. Sau cuộc thảo luận, ngày 17/12/1979, Tổng Bí thư Lê Duẩn đưa ra lời đề nghị chính thức với Tổng Bí thư L.I. Brezhnev về việc Việt Nam mong muốn Liên Xô giúp đỡ xây dựng ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam và khai thác mỏ dầu khí trên thềm lục địa miền Nam Việt Nam.

Ông Lê Văn Hùng, năm 1980-1981 là trợ lý Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí, nhớ lại: “Kể ra thì chỉ khoảng mấy dòng, nhưng thực chất là cả mấy năm, từ khi Tổng bí thư Brezhnev tuyên bố rằng Đảng Cộng sản Liên Xô đồng ý giúp đỡ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp dầu khí, cho đến lúc Liên Xô cử Bộ Công nghiệp Khí sang đây nghiên cứu toàn bộ tài liệu, để rồi sau đó về báo cáo lại với Tổng bí thư Brezhnev…”.

Kỳ 5: Vietsovpetro – Mệnh lệnh từ trái tim

Lễ ký kết Hiệp định hợp tác về thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa phía Nam Việt Nam tại Điện Kremli tháng 7/1980

Ngày 3/7/1980, tại điện Kremlin, dưới sự chứng kiến của Tổng bí thư Breznhev và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phía Liên Xô, Tổng bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng phía Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch Nhà nước của hai nước là Baibakov và Nguyễn Lam đã kí hiệp định về việc hợp tác tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía nam Việt Nam.

Theo các điều khoản của hiệp định, tới cuối năm 1980 phía Liên Xô đưa ra các dự thảo hiệp định về việc thành lập một xí nghiệp liên doanh và điều lệ của tổ chức này. Và từ ngày 17 đến ngày 25/2/1981, tại Vũng Tàu đã dễn ra các cuộc đàm phán thỏa thuận dự thảo hiệp định và điều lệ của xí nghiệp liên doanh trong tương lai. Đứng đầu phái đoàn về phía Liên Xô là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Kinh tế đối ngoại E. I. Osadchuk, phía Việt Nam là Thứ trưởng Bộ Ngoại thương Hoàng Trọng Đại, dưới sự chỉ đạo chung của Phó Thủ tướng Trần Quỳnh. Ngay tại đây, trong quá trình đàm phán, hai bên đã thỏa thuận được những nét cơ bản của chương trình công tác trong giai đoạn đầu tiên, bao gồm các loại hình và khối lượng công việc chính mà xí nghiệp liên doanh và các đơn vị nhà thầu của hai nước phải thực hiện trong giai đoạn 1981-1985.

Ông Lê Văn Hùng kể lại: “Tham gia vào đoàn đàm phán Hiệp định dầu khí Việt – Xô do Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Trần Quỳnh dẫn đầu có nhiều Bộ. Tại Tổng cục Dầu khí do Bộ trưởng Đinh Đức Thiện trực tiếp chỉ đạo. Hầu hết các cục, các phòng của tổng cục đều tham gia đàm phán. Các giai đoạn đàm phán được tổ chức khi thì ở Nhà khách Chính phủ ở Hà Nội, khi thì tại Vũng Tàu. Mặc dù rất bận rộn nhưng Bộ trưởng Đinh Đức Thiện thường xuyên nhắc nhở nhân viên của Tổng cục Dầu khí cần phải tạo điều kiện ăn ở thuận lợi cho phái đoàn Liên Xô…”

Theo lời kể của ông Hùng, vào đầu năm 1981, cả hai bên trong đoàn liên chính phủ hàng tháng tiến hành đàm phán tại khách sạn Hòa Bình (Vũng Tàu). Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đúng ngày sinh nhật của mình đã đến thăm đoàn đàm phán trên tầng 8 của khách sạn Hòa Bình. Sau lần đến thăm của đồng chí Phạm Văn Đồng, những vấn đề chính liên quan đến Hiệp định liên chính phủ về cơ bản đã được giải quyết. Phía Liên Xô đề xuất cùng với việc ký kết Hiệp định dầu khí giữa hai nước nên ký ngay một hợp đồng để tàu địa chấn Poisk của Liên Xô thực hiện khảo sát địa chấn trong khu vực có triển vọng dầu khí. Phía Việt Nam cần chuẩn bị ngay các điều kiện cho tàu triển khai hoạt động.

“Vào tháng 4/1981, một đoàn cán bộ liên hợp phía Liên Xô do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí biển O.O. Sheremet, phía Việt Nam do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí Phạm Văn Diêu, đã đi khảo sát các điểm định vị ven biển. Một tình tiết éo le xảy ra khi đoàn tàu rời khỏi điểm định vị Khe Gà (hôm trước vừa bị sét đánh), thì tàu bị hỏng máy. Trong đêm tối, dân quân tỉnh Thuận Hải ngỡ chúng tôi là tàu di tản nên đã bắn rất nhiều, tưởng chừng tất cả chúng tôi sẽ chết. Đến sáng hôm sau mới được tàu cá của dân đưa vào cảng Hàm Tân (trong số những người trên con tàu đó hiện nay đang sống khỏe mạnh có ông Ngô Thường San và ông Huỳnh Bá Oai, cán bộ A17 Bộ Công an và tôi” – ông Lê Văn Hùng xúc động nhớ lại kỷ niệm khó quên.

Sau khi các chuyên gia hoàn thành công việc, các đồng chí Trần Quỳnh và Hoàng Trọng Đại báo cáo riêng với Hội đồng do Chính phủ Việt Nam lập ra về dự thảo hiệp định thành lập liên doanh thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa phía nam đất nước và điều lệ của liên doanh. Như ông Trần Quỳnh thông báo cho ông E. I. Osadchuk, “với sự nhiệt tình và nhất trí cao, Hội đồng đã phê chuẩn dự thảo Hiệp định và Điều lệ”. Vào mùa xuân năm 1981, ông Trần Quỳnh, người được phân công chịu trách nhiệm về dự án này, đã liên tục trao đổi thư từ với các đại diện chính thức phía Liên Xô là Yu.V. Zaitsev, E.I. Osadchuk và những người khác. Cùng lúc đó Ngân hàng Ngoại thương hai nước cũng tích cực thỏa thuận vấn đề hỗ trợ tài chính cho các giao dịch của xí nghiệp mới.​​

Kỳ 5: Vietsovpetro – Mệnh lệnh từ trái tim

Lễ ký Hiệp định Liên Chính phủ Việt Nam – Liên Xô về việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh Việt – Xô (nay là Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro) ngày 19/6/1981.

Hiệp định Liên Chính phủ giữa Việt Nam và Liên bang Xô viết về việc thành lập Vietsovpetro tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía nam Việt Nam (gọi tắt là Hiệp định ngày 19/6/1981) chính thức được ký kết. Sự tồn tại và phát triển của Vietsovpetro cũng được pháp luật và công ước quốc tế thừa nhận và bảo vệ.

Bản hiệp định bổ sung được ký vào ngày 16/7/1991, do Thứ trưởng thứ nhất Bộ Công nghiệp dầu khí Liên Xô B.A.Nikitin và Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng Việt Nam Trần Lum ký. Thỏa thuận làm sáng tỏ các khía cạnh của hoạt động trong tương lai của Vietsovpetro có tính đến những thay đổi đang diễn ra trong nền kinh tế Việt Nam cũng như trong quan hệ kinh tế thương mại hỗ trợ lẫn nhau giữa hai nước. Từ năm 1991, liên doanh hoạt động trên các nguyên tắc độc lập kinh tế và tự chủ tài chính.

Bản hiệp định bổ sung tiếp theo được ký kết giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam với Chính phủ Liên bang Nga ngày 27/12/2010 về việc tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực thăm dò địa chất và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam trong khuôn khổ Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro, cơ sở của Hiệp định liên chính phủ này là quyết định của chính phủ hai nước về việc gia hạn hoạt động của Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro thêm 20 năm nữa – đến ngày 31/12/2030.

Chúng ta cùng điểm lại những dấu mốc quan trọng của Liên doanh Vietsovpetro nói riêng và ngành Dầu khí Việt Nam nói chung:

– 19/6/1981, Liên doanh thành lập.

– 26/5/1984, ngọn đuốc dầu đầu tiên rực sáng trên Biển Đông; rồi chỉ sau 4 tháng, lượng dầu khai thác sụt giảm, Vietsovpetro đứng trước nguy cơ phá sản.

– 26/6/1986, Vietsovpetro khai thác tấn dầu thương mại đầu tiên, đưa Việt Nam vào danh sách các nước xuất khẩu dầu trên thế giới. Đây cũng chính là dấu mốc quan trọng, đã định danh Việt Nam trên bản đồ dầu khí thế giới.

– 6/9/1988, sự kiện tìm thấy dầu trong tầng đá móng nứt nẻ đã mở ra một kỷ nguyên mới trong khoa học dầu khí thế giới. Bước ngoặt thay đổi lịch sử của Vietsovpetro, của ngành Dầu khí Việt Nam.

Mấy ai biết được về những ngày gian khổ và có những lúc tưởng như tuyệt vọng ấy. Mấy ai biết được để có được những ngày tháng như hôm nay, Liên doanh Vietsovpetro đã từng đứng trước những thách thức một còn – một mất. Những dấu mốc đầu tiên, quan trọng nhất quyết định thành bại của ngành Dầu khí đều gắn với cái tên Vietsovpetro.

Con đường lịch sử 40 năm đã ghi dấu chân của những người làm dầu khí Vietsovpetro từ những ngày đầu gian khó, những thời điểm thách thức giới hạn của niềm tin, của lập trường, của những định hướng cho tương lai Vietsovpetro đến những niềm vui vỡ òa khi tìm thấy dòng dầu đầu tiên và liên tiếp những triệu tấn dầu được khơi lên từ dòng đất Mẹ.

Nhìn lại chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển của Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro, có thể nói thành tựu to lớn nhất Vietsovpetro có được là đã tổ chức thành công công tác điều tra cơ bản tài nguyên dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam. Tiến hành công tác nghiên cứu địa chất – địa vật lý trên hàng chục lô hợp đồng và phát hiện 9 mỏ dầu khí có giá trị công nghiệp và tổ chức khai thác trên 2 mỏ: Bạch Hổ và mỏ Rồng với trữ lượng thu hồi quy dầu hơn 300 triệu tấn. Thành công này có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang tính bản lề, đã khai sinh một nền công nghiệp mới cho đất nước, công nghiệp thăm dò – khai thác dầu khí, cũng như xác lập quy mô tầm vóc to lớn của Vietsovpetro nói riêng và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ngày hôm nay.

Có thể nói mối quan hệ hợp tác này chính là “mệnh lệnh từ trái tim” của những người bạn Liên Xô, là chỉ đạo xuyên suốt của Đảng Cộng sản Nga, để làm thế nào xây dựng cho Việt Nam một cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, đủ để tự mình tổ chức thăm dò và khai thác tài nguyên đất nước” – TS. Ngô Thường San khẳng định.

Kỳ 5: Vietsovpetro – Mệnh lệnh từ trái tim

Tượng đài Hữu nghị Việt – Nga tại TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Tượng đài hữu nghị quân nhân Nga – Việt do Xí nghiệp liên doanh Việt – Xô xây dựng và khánh thành tháng 12/2009, là đài tưởng niệm đầu tiên liên quan đến quân nhân Liên bang Nga được xây dựng vinh danh bên ngoài lãnh thổ Nga. Tượng đài mang nhiều ý nghĩa giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ mai sau về tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam và Liên Xô/Liên bang Nga vốn được xây nên bằng công sức, trí tuệ và xương máu của những con người giàu tinh thần cộng sản quốc tế, nhắc nhở mỗi người Việt Nam về giá trị thiêng liêng của chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.

Trải qua nhiều thử thách và biến động lịch sử, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga không ngừng được củng cố và phát triển. Hai đất nước đã cùng nhau xây đắp tượng đài Hữu nghị Việt – Nga bằng tình cảm, công sức và sự hy sinh quên mình của nhiều thế hệ người dân hai nước.

Và Vietsovpetro xứng đáng là niềm tự hào – biểu tượng đẹp và cho tình hữu nghị giữa hai đất nước.

Trúc Lâm (t/h)

Trong bài có sử dụng tư liệu của Ký sự Hành trình Người đi tìm lửa, cuốn sách “ Tới kho báu Rồng Vàng” của nhóm tác giả: V. S. Vovk, V. G. Osmanov, Yu. V. Evdoshenko