Trải qua ngàn năm lịch sử của dân tộc, biển đảo luôn là lãnh thổ thiêng liêng, không thể tách rời, không thể chia cắt và có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng về hải phận của Tổ quốc. Bằng nhiều mồ hôi, nước mắt của biết bao thế hệ người Việt đã xác lập, quản lý và bảo vệ chủ quyền thuộc chủ quyền Quốc gia trên biển Đông, trong đó có chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong cái nắng gay gắt, bỏng rát của những ngày đầu tháng 5 lịch sử, con tàu HQ 561 (Khánh Hòa 01 của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) đã đưa 112 đại biểu của Hội Cựu chiến binh Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thuộc Đoàn công tác số 10 đến thăm, làm việc tại huyện đảo Trường Sa và cụm nhà giàn DK1. Vinh dự tham gia chuyến công tác này, có chúng tôi, những cán bộ Công đoàn Dầu khí Việt Nam.
Biển Tháng năm nhẹ nhàng êm dịu, con tàu vươn sóng đưa chúng tôi đến thăm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và cụm nhà giàn DK1. Đảo Đá Lớn, đảo đầu tiên mà tôi đến là một đảo chìm nhỏ đẹp, đầy hiên ngang kiêu hãnh giữa biển trời mênh mông. Nhìn từ xa, lá cờ chủ quyền tung bay, đỏ thắm và nổi bật giữa biển xanh bao la, khẳng định cột mốc, đánh dấu chủ quyền bất khả xâm phạm của biển đảo Việt Nam. Khắc sâu trong tâm trí chúng tôi, mỗi người một cảm xúc với mắt lệ dâng trào nơi tuyến đầu, đó là hình ảnh người chiến sỹ Hải quân, hiên ngang, chắc tay súng, nghiêm trang đứng dưới cái nắng chói chang để canh giữ vùng trời, vùng biển thân yêu của Tổ quốc. Bài thơ mà tôi đã được học trong sách vở từ thủa ấu thơ, lại được văng vẳng vang lên: “Mặc nắng mưa, gió bão; Cây súng chú chắc tay; Giữ lấy biển, lấy trời”… và hiện thực, tôi đã được chứng kiến, càng khâm phục hình ảnh Chú Hải quân nơi đảo xa, đã không quản khó khăn, gian khổ để mang lại sự bình yên cho đất nước. Thật xúc động hơn, khi tôi cầm trên tay bông hoa hồng không có gai được người lính đảo làm lên từ ốc biển và thân cây, đó là sự thể hiện khát khao, với tình yêu cháy bỏng của cán bộ, chiến sỹ giành cho những người thân nơi đất mẹ thân yêu. Tình cờ tôi gặp một chiến sỹ với đôi mắt rưng rưng ngấn lệ từ cầu đảo nhìn xa xôi về con tàu của chúng tôi neo ở ngoài khơi. Khi tâm sự, tôi được biết đồng chí tên là Hoà, mới ra đảo làm nhiệm vụ được mấy tháng, đồng chí tuổi còn rất trẻ, cái tuổi mới đôi mươi chưa một lần hò hẹn. Nhưng người lính trẻ đã tạm gác lại những ước mơ hoài bão trong ký ức, để hăng hái, tình nguyện làm nhiệm vụ cao quý nơi đảo xa, và rồi, có những người đã gắn cả tuổi thanh xuân, cả cuộc đời với biển đảo, ở đó, người chiến sỹ đã chọn “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”.
Đây là một chuyến đi mang nhiều ý nghĩa to lớn, thể hiện những tình cảm sâu nặng của Người lao động Dầu khí đến với Cán bộ, Chiến sỹ và Nhân dân đang ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đến với Trường Sa, chúng tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng về quần đảo tiền tiêu, nơi có mối nhân duyên giữa ngành Dầu khí với Quân chủng Hải quân. Khi đến thăm các đảo, được tận mắt chứng kiến cuộc sống của quân và dân trên quần đảo Trường Sa Lớn, chúng tôi thật khâm phục ý chí kiên cường, tinh thần bất diệt, sẵn sàng khắc phục khó khăn, vượt qua mọi hiểm nguy để hoàn thành mọi nhiệm vụ. Qua chuyến đi, mỗi chúng tôi càng nhận thức sâu sắc hơn về vai trò trách nhiệm của cá nhân và tầm nhìn xa, tầm nhìn tư duy chiến lược của Đảng, Nhà nước với biển đảo.
Đoàn đại biểu Hội Cựu chiến binh Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, thực hiện nghi lễ chào cờ tại đảo Trường Sa Lớn.
Tầm nhìn tư duy ấy có lẽ cũng mang tính định hướng lớn lao cho các hoạt động khảo sát, tìm kiếm, thăm dò của ngành Dầu khí, ngay từ những ngày đầu dưới mưa bom, bão đạn trong cuộc đấu tranh chống lại Đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc của quân và dân miền Bắc. Tầm nhìn đó, gợi mở, tạo ra bước đi nhanh chóng, kịp thời của những cán bộ địa chất ngay từ những ngày đầu giải phóng đất nước, năm 1975 đã tiếp quản cơ quan quản lý, thăm dò Dầu khí của chính quyền Sài Gòn cũ. Đó là những bước đi chiến lược, vô cùng quan trọng để hôm nay, ngành Dầu khí không chỉ khai thác tốt nguồn vàng đen trong nước mà đã sớm đầu tư ra nước ngoài, “tìm lửa” về cho đất nước Việt Nam.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngay sau chiến thắng Buôn Ma Thuột tháng 3/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ nhìn ra thời cơ chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam mà ông còn nghĩ ngay đến việc giải phóng các hòn đảo trên biển Đông. Đại tướng đã kiến nghị với Bộ Chính trị: “Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo quân ngụy đang chiếm giữ”. Kiến nghị này đã được ghi vào Nghị quyết Bộ Chính trị ngày 25/3/1975. Cũng từ ngày ấy, Quân ủy Trung ương điều động đồng chí Hoàng Trà, Chính ủy Quân chủng Hải quân về làm việc trong Bộ Tổng tham mưu. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng yêu cầu Bộ Tổng tham mưu và Bộ Ngoại giao cung cấp tài liệu về tình hình biển đảo, chỉ đạo Cục Quân báo nắm tình hình quân ngụy ở biển Đông để có kế hoạch giải phóng kịp thời. Chính nhờ sự chỉ đạo chiến lược ấy, quần đảo Trường Sa được hoàn toàn giải phóng vào ngày 29-4-1975 và đã góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế biển và phát triển Ngành Dầu khí hôm nay. Sau sự kiện Gạc Ma 14-3-1988, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng nhiều tướng lĩnh khác đã chỉ đạo phải khẩn trương xây dựng các nhà giàn DK1, để bảo vệ vững chắc thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, tạo nên những con “mắt thần” bảo vệ chủ quyền, những vọng gác chiến lược cho các giàn khoan Dầu khí.
Đồng chí Đinh Văn Sơn, Thành viên Hội đồng Thành viên, Ủy viên Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Trưởng đoàn công tác số 10 tặng quà cán bộ, chiến sỹ trên đảo Sơn Ca.
Cán bộ, chiến sỹ công tác trên quần đảo Trường Sa, cụm nhà giàn DK1 luôn xác định nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo là quan trọng nhất, khẩn trương nhất và cũng là vinh quang nhất. Các lực luợng Hải quân đã dũng cảm vượt qua mọi khó khăn gian khổ, luôn chủ động, bình tĩnh, khôn khéo xử lý các tình huống, thực hiện nghiêm đối sách, kiềm chế đến mức tối đa, để giữ vững hoà bình và phát triển trong khu vực. Chúng tôi nghẹn ngào khi gặp đồng chí Phạm Văn Hòa, chỉ huy Trưởng đảo Trường Sa Lớn, anh tâm sự: “Sắp đến tuổi nghỉ hưu rồi, sau nửa cuộc đời gửi mình cho sóng gió biển đảo, anh sẽ trở về hậu phương để sum họp cùng gia đình, nơi đó, có người vợ tần tảo sớm hôm, luôn mong ngóng chồng ngoài đảo xa, nơi đó, có cô con gái xinh xắn đáng yêu, có cậu con trai tinh nghịch và cả căn nhà nhỏ ấm cúng thân thương được xây dựng lên bằng mồ hôi, công sức của người lính đã gom góp nhiều năm từ hải đảo”. Đặc biệt hơn khi Đoàn công tác đến với Nhà gian DK 1/7, gặp gỡ, trao đổi với Trung tá Nguyễn Văn Thuận, người 20 năm canh giữ các nhà giàn DK giữa đại dương bão tố, anh nói đã đến lúc xuất ngũ, trở về nhà, nhưng hẳn khi về đất liền anh sẽ gặp không ít những khó khăn, sẽ chung chiêng, nghiêng ngả, vì cuộc sống hiện tại nơi quê hương, với nhiều bộn bề mưu sinh sẽ khác với cuộc sống của người lính, không chút do dự, sẵn sàng hy sinh vì biển đảo thân yêu của Tổ quốc. Thêm nữa là bao nhiêu chiến sĩ trẻ tuổi chỉ 19 – 20, với nước da sạm đen vì nắng gió đứng trên từng chốt gác, có người tháng 7, người tháng 11 năm nay sẽ hết nghĩa vụ trở về quê. Cậu thì muốn tiếp tục được đào tạo để theo sự nghiệp Hải quân, cậu lại muốn đi học nghề để tự tin kiếm sống và xây dựng gia đình và có anh chỉ muốn chạy thật nhanh về nhà ôm lấy mẹ và nắm chặt tay người bạn gái yêu thương… Rồi bây giờ cả hàng trăm, hàng nghìn người lính, cán bộ, ngư dân ở các tàu Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư, Tàu cá… đang can trường, bền bỉ đấu tranh, kiên quyết giữ từng thước biển trời của non sông và sẵn sàng hy sinh thân mình cho Tổ quốc yên bình. Mà không chỉ có vậy, đó là cuộc đời của những người giữ hải đăng, những người lính công binh đi kê cao thềm lục địa, những kỹ sư, công nhân sửa chữa, xây dựng nhà giàn… Họ, mỗi con người, mỗi số phận đều thấm đẫm những nhọc nhằn, hy sinh và đánh đổi cả cuộc đời cho gia đình, quê hương và Tổ quốc thân yêu… Tất cả họ đều khắc sâu trong tim chân lý “Còn người, còn chủ quyền Quốc gia” “Còn Người, còn đảo, còn nhà giàn”.
Đoàn công tác đến thăm các đảo trong những ngày Biển Đông dậy sóng, chúng tôi lại thấy bộ đội Hải quân lại thêm mạnh mẽ kiên cường, Hoàng Sa gặp sóng to, bão lớn, thì Trường Sa càng bền chắc ý chí giữa trùng dương. Giữa cái nắng, cái gió của Trường Sa, người chiến sỹ luôn giữ vững tinh thần lạc quan, tiếng cười, tiếng hát vẫn đầy ắp trên các điểm đóng quân của đảo. Chương trình giao lưu văn nghệ của Đoàn với cán bộ, chiến sỹ nơi đảo xa, tiếng hát át tiếng sóng, các thành viên đều hát vang “Biển này là của ta, đảo này là của ta”, khúc ca đó đã tạo lên cảm xúc thiêng liêng nơi tuyến đầu sóng gió để rồi khơi dậy truyền thống anh dũng đấu tranh của dân tộc ta chống ngoại xâm, với ý chí Quyết tử, để Tổ quốc Quyết sinh. Vùng biển của Tổ quốc chưa bao giờ lặng sóng, trong những ngày tháng này, với những toan tính tham lam, mưu đồ xảo quyệt, Trung Quốc đã ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước ta. Nơi tuyến đầu của Tổ quốc, Cảnh Sát biển, Kiểm ngư và những ngư dân Việt Nam luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước để kiên định lập trường làm nhiệm vụ chấp pháp trên biển, chúng ta đang sống ở một thời đại mà không phải các nước lớn có thể làm mưa làm gió, hoặc định đoạt số phận của nước nhỏ.
Là người dân Đất Việt, là con cháu Lạc Hồng, tôi nghĩ, mỗi chúng ta, không phân biệt già trẻ, trai, gái, không phân biệt các thành phần và tầng lớp trong xã hội, hãy kết nối triệu triệu trái tim nơi khắp năm châu, bốn biển, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng tâm, hợp lực, chung sức, chung lòng, sẵn sàng đấu tranh dưới mọi hình thức, sử dụng mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Bằng tinh thần thiết thực yêu nước, yêu quê hương, biển đảo, trong tháng 5 vừa qua, Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phát huy truyền thống anh dũng chống ngoại xâm của dân tộc, phát động phong trào và kêu gọi toàn thể cán bộ công nhân viên, người lao động Dầu khí “Chung tay vì biển đảo quê hương”, quyên góp được gần 17 tỷ đồng để ủng hộ lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và Kiểm ngư Việt Nam đang ngày đêm bám biển, chấp pháp nhiệm vụ trên thực địa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của dân tộc ta đã khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại được nhân lên gấp bội, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấm chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước “. Các thế hệ Việt Nam luôn anh dũng và kiên quyết hành động với tinh thần thiêng liêng cao cả: “Tổ quốc vì biển đảo, biển đảo vì Tổ quốc” để Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ xa xưa và mãi mãi về sau là một phần máu thịt, là lãnh thổ thiêng liêng của đất mẹ Việt Nam.
Lê Tiến Sơn – Phó Chánh Văn phòng CĐDKVN