Từ ngày 30/6 đến ngày 01/7, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn, đối thoại về pháp luật lao động, Bảo hiểm xã hội (BHXH) cho hơn 100 cán bộ công đoàn là chủ tịch, phó chủ tịch, lãnh đạo các ban chuyên đề và cán bộ phụ trách chuyên đề chính sách pháp luật, cán bộ công đoàn các khu công nghiệp, các địa phương có đông CNLĐ thuộc 20 LĐLĐ tỉnh, thành phố khu vực Miền Trung – Tây Nguyên.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: ĐỖ THIỆM |
Hội nghị được tổ chức tại thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Đình Quảng – Uỷ viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Nhiều nội dung thiết thực
Đồng chí Lê Đình Quảng – Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, thời gian qua, chính sách pháp luật về lao động, BHXH của Nhà nước ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ hơn, phù hợp với quá trình hội nhập thế giới và đảm bảo quyền công dân. Tuy nhiên qua thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến đời sống xã hội, nhất là đối với người lao động (NLĐ), đồng thời cũng bộc lộ một số vấn đề trong việc thực hiện chính sách pháp luật về quan hệ lao động và chính sách an sinh xã hội ở nước ta…
Đây là những nội dung đặt ra cho tổ chức Công đoàn và cán bộ công đoàn các cấp mà hội nghị lần này hướng đến nhằm phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đoàn viên, NLĐ và xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Đồng thời hội nghị cũng là dịp trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệp, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách pháp luật về lao động và BHXH ở các địa phương. Qua đó Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ nghiên cứu, phục vụ quá trình tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước.
Đồng chí Lê Đình Quảng – Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam trao đổi tại Hội nghị. Ảnh: ĐỖ THIỆM |
Tại Hội nghị, cán bộ công đoàn đã được các báo cáo viên của Tổng LĐLĐ Việt Nam tập huấn, trao đổi về tình hình quan hệ lao động hiện nay; một số chính sách mới ban hành trong lĩnh vực lao động như mở rộng giới hạn làm thêm giờ, hỗ trợ tiền thuê nhà ở… và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn; hợp đồng lao động và một số vấn đề cán bộ công đoàn cần quan tâm trong quá trình thực hiện Bộ luật Lao động năm 2019; tình hình thực hiện pháp luật về BHXH và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn; một số vấn đề cơ bản kiến nghị, đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014…
Theo đó, nhiều thông tin về quan hệ lao động và BHXH đã được trao đổi, chia sẻ tại hội nghị như: Tình hình tranh chấp lao động tập thể từ đầu năm 2022 đến nay có chiều hướng gia tăng hơn so với những năm trước, đã có 65 cuộc tranh chấp lao động tập thể xảy ra, liên quan đến tiền lương, tiền thưởng, các chính sách phúc lợi theo thoả ước lao động tập thể doanh nghiệp…hầu hết đã được các cấp công đoàn vào cuộc kịp thời tuyên truyền, vận động, tư vấn, hướng dẫn NLĐ và phối hợp với các ngành liên quan, chủ doanh nghiệp giải quyết hài hoà quan hệ về quyền và lợi ích giữa người sử dụng lao động và NLĐ.
Hay vấn đề về quan hệ cung và cầu trong thị trường lao động và tỷ lệ lao động thất nghiệp ở nước ta hiện nay; tác động của đại dịch Covid-19 đã tạo tâm lý lo sợ của một bộ phận NLĐ, dẫn đến nguồn cung lao động ở các đô thị lớn, khu vực công nghiệp, dịch vụ giảm…đặt ra cho tổ chức Công đoàn, cán bộ công đoàn cần tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò đại diện người lao động trong thương lượng và tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội.
Sôi nổi ý kiến từ thực tiễn
Các báo cáo viên của Tổng LĐLĐ Việt Nam trao đổi, làm rõ một số nội dung chính sách, pháp luật mới như: Quy định về mức lương tối thiểu vùng theo tháng, theo giờ được áp dụng từ ngày 01/7/2022 quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 của Chính phủ; thời gian làm thêm giờ trong tháng, thời gian làm thêm giờ trong năm theo Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15; chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà ở cho NLĐ theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ; hay các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế; tiền lương tham gia bảo biểm xã hội, độ tuổi nghỉ hưu, điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng…
Báo cáo viên của Tổng LĐLĐ Việt Nam trao đổi, làm rõ một số nội dung chính sách, pháp luật mới. Ảnh: ĐỖ THIỆM |
Còn các đại biểu là cán bộ công đoàn của các ngành, các địa phương thì trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hiệu quả từ địa phương, cơ sở về công đoàn tham gia xây dựng quan hệ lao động và đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trong thực thi pháp luật lao động, BHXH cho NLĐ… Đồng thời cũng phản ánh nhiều tình huống từ thực tiễn hoạt động công đoàn ở cơ sở và đề xuất, kiến nghị đối với cơ quan quản lý Nhà nước và Tổng LĐLĐ Việt Nam trong thời gian tới nhằm đảm bảo thực thi pháp luật, chăm lo tốt hơn đời sống cho đoàn viên, NLĐ.
Đồng chí Vĩnh Phúc Nguyên – Chuyên viên Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ tỉnh Khánh Hoà chia sẻ, thị trường lao động hiện nay đem đến nhiều cơ hội lựa chọn việc làm cho NLĐ, không ít NLĐ giao kết hợp đồng lao động cùng lúc với nhiều người sử dụng lao động; việc tham gia BHXH của những lao động này đã được pháp luật quy định. Tuy nhiên trong thực tế việc giám sát thực hiện pháp luật về tham gia BHXH đối với NLĐ làm việc cho nhiều người sử dụng lao động còn gặp khó khăn, vướng mắc.
“Trong thực tế trường hợp NLĐ làm việc theo các hợp đồng lao động giao kết với cả công ty mẹ và công ty con thì NLĐ thường chỉ được tham gia BHXH theo công việc có mức lương thấp nhất. Đây là vấn đề mà các nhà làm luật cần nghiên cứu để xây dựng những chế tài phù hợp trong thời gian tới”, đồng chí Vĩnh Phúc Nguyên đề xuất.
Đồng chí Trương Văn Hà – Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật LĐLĐ tỉnh Quảng Ngãi nêu những vướng mắc trong xử lý vi phạm pháp luật về BHXH. Ảnh: ĐỖ THIỆM |
Còn đồng chí Trương Văn Hà – Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật LĐLĐ tỉnh Quảng Ngãi phản ánh về việc xử lý các đơn vị sử dụng lao động vi phạm pháp luật về BHXH hiện nay còn nhiều vướng mắc như: Công đoàn khởi kiện theo Bộ luật Dân sự năm 2015 thì không thể đại diện cho tập thể NLĐ mà phải đại diện cho từng NLĐ vì yêu cầu khởi kiện và quyền lợi của mỗi người là khác nhau; hay nếu cơ quan BHXH lập hồ sơ chuyển cơ quan điều tra khởi tố theo các Điều 214, 215, 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì rất khó khăn trong việc xác định hành vi trốn đóng BHXH.
Hay đồng chí Nguyễn Văn Trọng – Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh thì chia sẻ về việc vai trò của tổ chức Công đoàn trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp đã được quy định khá đầy đủ trong Bộ luật Lao động năm 2019, Luật BHXH năm 2014, tuy nhiên trong thực tiễn có nhiều quy phạm pháp luật chưa thực thi được hoặc thực thi không hiệu quả do chế tài chưa rõ. Đơn cử như việc đối thoại tại nơi làm việc khi doanh nghiệp xây dựng phương án sử dụng lao động, khi chấm dứt hợp đồng lao động do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế; hay việc lấy ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ ở doanh nghiệp khi xây dựng, ban hành thang lương, bảng lương…
Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Trọng nêu những bất cập trong việc xử lý những vi phạm. Ảnh: ĐỖ THIỆM |
Cùng ý kiến với đa số đại biểu tham dự Hội nghị, đồng chí Trần Quang Vinh – Phó chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá cao hiệu quả của các lớp tập huấn, đối thoại và hội nghị do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức, đã kịp thời cung cấp thông tin, trang bị kiến thức pháp luật, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc triển khai và giám sát việc thực hiện pháp luật về lao động, BHXH; đồng thời đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục mở các lớp tập huấn trong thời gian tới để không ngừng bồi dưỡng, nâng cao hiểu biết, kỹ năng của cán bộ công đoàn các cấp, đáp ứng yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Theo laodongcongdoan.vn