30/11/2023 10:14:34

Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư xây nhà ở xã hội

Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn.

Trên 60% công nhân thuê trọ

Hiện nay, nước ta đang có 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu thực về nhà ở.

Theo khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, có trên 60% số công nhân lao động đang phải thuê trọ tại các khu nhà trọ do người dân tự đầu tư xây dựng. Trong đó, nhiều khu trọ thiếu tiện ích, không bảo đảm an ninh, an toàn với giá thuê khoảng 1,5 đến 4 triệu đồng/tháng, chiếm 25% – 30% thu nhập của công nhân lao động…

Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư xây nhà ở xã hội

Những dãy nhà trọ lụp xụp là lựa chọn bất đắc dĩ của công nhân lao động thu nhập thấp. Ảnh: Ý YÊN

Chị Bùi Thị Hà – công nhân Công ty TNHH TOTO Việt Nam hiện đang thuê trọ trong căn phòng 10m2 gần Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội). Chị Hà cho biết, 2 con gái đều đang ở tuổi lớn nhưng chị buộc phải gửi con ở quê với bà nội vì điều kiện kinh tế không cho phép.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Kim Oanh (quê ở Bắc Giang), công nhân Khu công nghiệp Phú Thị – Gia Lâm cho biết, hai vợ chồng sinh sống tại Hà Nội đã được 5 năm, còn các con được gửi về quê nhờ ông bà chăm sóc bởi nhà trọ chật hẹp.

Chồng chị ngoài làm công nhân đóng gói bánh kẹo, thi thoảng còn chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập. Họ thuê căn phòng trọ hơn 10m2 để tiết kiệm chi phí.

“Chỉ mong có chỗ ở ổn định để vợ chồng tôi đón con lên ở cùng”, chị Oanh nói khi được hỏi về mong muốn của bản thân.

Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư xây nhà ở xã hội

Năm 2020, Viện Công nhân và Công đoàn tiến hành một cuộc khảo sát, cho biết có tới 66% công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ để ở. Trong đó, gần 4% phải ở nhà thiếu kiên cố hoặc nhà đơn sơ, với điều kiện chật chội, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, tiện nghi sinh hoạt; 23% công nhân lao động đang phải dùng nguồn nước giếng đất, giếng khoan.

Hồi tháng 5/2022, để chuẩn bị cho Chương trình Thủ tướng gặp mặt, đối thoại với công nhân lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức khảo sát, nhận được gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị, đề xuất của cán bộ, đoàn viên và công nhân lao động gửi đến người đứng đầu Chính phủ, tập trung vào 10 nhóm vấn đề lớn. Trong đó có vấn đề quy hoạch, dành quỹ đất và tháo gỡ cơ chế, chính sách để triển khai xây dựng nhà ở cho công nhân lao động, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Theo báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, kết quả phát triển nhà ở xã hội cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu. Cụ thể, đến nay đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ, tổng diện tích 3.135.000 m2. Con số này chỉ mới đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân lao động.

Tổng LĐLĐ Việt Nam được làm nhà ở xã hội bằng tài chính công đoàn

Sáng ngày 27/11/2023, Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó có Điều 80 về hình thức phát triển nhà ở xã hội.

Đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 85,63%), Quốc hội chính thức thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi). Ông Hoàng Thanh Tùng – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết nhiều ý kiến tán thành phương án quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê.

Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư xây nhà ở xã hội
Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) vào sáng 27/11. Ảnh: Q.P

Với nhiều ý kiến được đưa ra tại phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đa số đại biểu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê để bổ sung nguồn lực đầu tư phát triển nhà ở xã hội; phát huy vai trò, trách nhiệm của Tổng LĐLĐ Việt Nam trong việc chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là quyền có chỗ ở, nâng cao chất lượng cuộc sống và thu hút công nhân, người lao động tham gia tổ chức Công đoàn.

Tại khoản 2 Điều 84 quy định: Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn thì việc xác định chủ đầu tư dự án được thực hiện theo quy định áp dụng với dự án đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Theo đó, việc quản lý và triển khai thực hiện dự án đầu tư sẽ do đơn vị quản lý dự án trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Dự thảo luật cũng bổ sung vào khoản 1 Điều 85 ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội sử dụng nguồn tài chính công đoàn như sau: Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn thì chủ đầu tư dự án được hưởng ưu đãi quy định tại các điểm a, b, e, g và h khoản 2 Điều 85.

Tại Điều 86 quy định một số nguyên tắc xác định giá thuê và giao Tổng LĐLĐ Việt Nam quyết định giá thuê nhà ở xã hội; đồng thời khoản 4 Điều 89 giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội, bảo đảm cơ chế triển khai đồng bộ hoạt động đầu tư xây dựng và cho thuê nhà ở xã hội do Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư.

Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư xây nhà ở xã hội

Khu thiết chế Công đoàn Hà Nam. Ảnh: PHÚC HƯNG

Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng bổ sung các quy định về xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm chặt chẽ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung vào các điều 94, 95 của dự thảo Luật quy định về quy hoạch, bố trí quỹ đất, yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và giao Chính phủ quy định điều kiện bảo đảm an toàn về môi trường, quy mô, tỷ lệ diện tích đất phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; sửa đổi khoản 1 Điều 19 của Luật Đầu tư để cho phép xây dựng các hạ tầng xã hội của khu công nghiệp trong hàng rào khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, do Luật Đầu tư chỉ điều chỉnh các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trong khi Luật Nhà ở đã bổ sung dự án nhà lưu trú công nhân, để tránh cách hiểu, áp dụng pháp luật khác nhau, bảo đảm đồng bộ, chặt chẽ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung khoản 3 Điều 95 của dự thảo Luật về việc “Dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp phải được Ban quản lý Khu công nghiệp chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư theo quy định áp dụng đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật về đầu tư…”.

Theo Tạp chí LĐ và CĐ