Được thành lập vào tháng 2-1993 với cơ sở vật chất – kỹ thuật và nhân lực nghèo nàn so với ngành, qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) ngày càng khẳng định vị thế là một trong số những tổng công ty trụ cột của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, đang vững bước phát triển mạnh mẽ hội nhập nhanh chóng với thị trường khu vực và quốc tế.
Vươn ra biển lớn
Khi mới thành lập, PTSC chỉ có 800 cán bộ công nhân viên, với doanh thu đạt 165 tỷ đồng/năm. Trải qua hơn 24 năm xây dựng và phát triển, PTSC đã có những bước nhảy vọt cả về quy mô, tầm vóc và nhất là chất lượng. Tổng công ty hiện có 26 đơn vị thành viên với hơn 9.000 cán bộ công nhân viên, hoạt động trên 6 lĩnh vực dịch vụ chính. Nhờ đó lực lượng sản xuất của PTSC đã thực sự được giải phóng và phát triển mạnh mẽ, thể hiện ở mức tăng trưởng doanh thu liên tục đạt mức cao, bình quân hơn 30%/năm.
Năm 2007 doanh thu là 5.776 tăng 28% so với năm 2006 và đặc biệt lần lượt trong các năm 2008, 2009 và 2010 đã tạo được những bước nhảy vọt lớn, doanh thu đạt 8.672 tỷ, 12.500 tỷ và 20.238 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong vòng 5 năm, từ 2008 đến năm 2012, doanh thu của PTSC đã tăng trưởng 300%; lợi nhuận tăng trung bình 36,3%/năm, nộp ngân sách nhà nước năm sau cao hơn năm trước (riêng năm 2012 nộp ngân sách đạt 2.718 tỷ đồng).
Hạ thủy khối thượng tầng, dự án biển đông 1-dự án dầu khí lớn nhất Việt Nam do các kỹ sư, thợ PTSC thiết kế, thi công.
Đến năm 2013, doanh thu Tổng công ty PTSC đã đạt trên 29.000 tỷ đồng. Đồng thời, Tổng Công ty PTSC đã xây dựng được hệ thống dịch vụ và cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng đầy đủ được hầu hết các nhu cầu về dịch vụ dầu khí chất lượng cao ở thị trường trong nước, từng bước vươn ra cung cấp dịch vụ cho các công ty dầu khí quốc tế. Trong giai đoạn khó khăn, do giá dầu suy giảm, Tổng Công ty vẫn giữ vững nhịp độ để phát triển bền vững và đặc biệt vẫn đảm bảo việc làm ổn định cho hơn 9.000 cán bộ, công nhân.
Dấu ấn “Thuyền trưởng”
Những thành tích trên mang dấu ấn của người “Thuyền trưởng” Nguyễn Hùng Dũng. Năm 2008, ông đảm nhiệm cương vị Tổng Giám đốc và mạnh dạn chỉ đạo đề xuất thay đổi cơ cấu tổ chức để hoạt động theo mô hình Công ty mẹ – Công ty con. Thời điểm đó, ông đã đưa ra nhiều các giải pháp, đề xuất để thay đổi mô hình quản trị doanh nghiệp; thực hiện phân cấp, giao quyền cho các đơn vị thành viên; khuyến khích người lao động sáng tạo… Với đặc thù hoạt động của mình, công tác triển khai các dự án đòi hỏi những cán bộ phụ trách và thực hiện trực tiếp phải luôn chủ động trong việc xử lý tình huống phát sinh. Nếu không có cơ chế phân cấp hiệu quả, công việc chắc chắn sẽ tồn đọng bởi khối lượng rất lớn đồng thời không tạo được cơ hội cho các cán bộ trẻ, lãnh đạo các đơn vị thành viên phát huy được năng lực và có cơ hội trưởng thành. PTSC thực hiện công tác này thành công với tinh thần “bớt quyền nhưng không mất quyền – thêm quyền nhưng không lạm quyền” mà tất cả đều là vì mục tiêu chung, lợi ích chung.
Không những người làm việc trong ngành dầu khí mà bạn đọc còn quen thuộc hình ảnh nhân vật trong loạt bài dự thi “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Báo Nhân Dân tổ chức. Các cuộc trao đổi của ông trên Báo Quân đội nhân dân và trên các phương tiện thông tin đại chúng của ông về tình hình sản xuất kinh doanh, những sáng kiến kỹ thuật, sự dũng cảm kiên định của cán bộ, kỹ sư, công nhân viên PTSC trong lao động, sản xuất, trong công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam ( tàu Bình Minh 02) tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội. Cũng cần nói thêm, ông Nguyễn Hùng Dũng là cán bộ trưởng thành từ cơ sở, từng đảm nhiệm nhiều chức vụ từ Trưởng phòng kế hoạch, Phó tổng giám đốc, rồi Tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam.
Với những thành tích xuất sắc, Tổng Công ty PTSC và cá nhân ông Nguyễn Hùng Dũng đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Ông Nguyễn Hùng Dũng còn liên tục nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, chiến sĩ thi đua Bộ Công Thương và chiến sĩ thi đua toàn quốc, Bằng khen Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bằng khen của Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương, Bằng khen Tập đoàn, Doanh nhân dầu khí tiêu biểu xuất sắc, doanh nhân tâm tài và là một trong 50 gương mặt tiêu biểu của ngành Dầu khí Việt Nam qua các thời kỳ, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Danh hiệu Vinh Quang Việt Nam lần thứ XII.
Kể từ khi đảm nhiệm cương vị Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (từ 2013), những đóng góp của ông Nguyễn Hùng Dũng có tầm ảnh hưởng rộng hơn cho cả một ngành, chứ không còn đơn thuần cho một đơn vị như trước kia. Lĩnh vực mà ông trực tiếp chỉ đạo là công tác kế hoạch, thống kê và quản lý tài sản của Tập đoàn; công tác đầu tư phát triển của Tập đoàn; công tác dịch vụ dầu khí; công tác bảo đảm an toàn trong hoạt động hàng hải; các dự án đầu tư xây dựng dân dụng do Tập đoàn làm chủ đầu tư… Một khối lượng công việc quá lớn, quá rộng, đòi hỏi thật nhiều tâm huyết, năng lực, trí tuệ. Nào là thoái vốn tại các dự án, các đơn vị ngoài ngành, thực hiện tái cấu trúc các đơn vị, tháo gỡ khó khăn trong công tác đấu thầu phù hợp tuân thủ theo Luật Đấu thầu mới, nào là hỗ trợ các đơn vị cải thiện tình hình và đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư của Tập đoàn.
Cùng đối tác nỗ lực sớm hoàn thiện dự án Ethanol Dung Quất
Dự án Ethanol Dung Quất do Công ty Cổ phần nhiên liệu sinh học miền Trung (PVB) làm chủ đầu tư và đơn vị này đã đàm phán, ký kết hợp đồng với Liên danh Tổng thầu EPC gồm PTSC Quảng Ngãi (đơn vị thành viên của Tổng Công ty PTSC) và Công ty Alfa Laval (Ấn Độ). Hợp đồng quy định rõ trách nhiệm các bên thuộc Liên danh trong việc triển khai các hạng mục công việc liên quan đến dự án, trong đó PTSC Quảng Ngãi thực hiện phần xây dựng nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất. Sau khi hoàn thành xây dựng, dự án đã được bàn giao cho Chủ đầu tư vận hành thương mại và hầu hết các hạng mục (35/36) đều đạt yêu cầu chất lượng.
Duy chỉ còn hạng mục Nước thải, theo hợp đồng quy định do Công ty Alfa Laval chịu trách nhiệm cung cấp bản quyền độc quyền thực hiện. Trong hợp đồng nêu rõ: Công ty Alfa Laval cung cấp bản quyền thiết kế, công nghệ hạng mục Nước thải này và bản thiết kế đã được Chủ đầu tư là Công ty PVB phê duyệt. Trên cơ sở đó, Công ty PTSC Quảng Ngãi đã thực hiện theo đúng thiết kế (đã được Chủ đầu tư phê duyệt) của Công ty Alfa Laval. Nhưng do thiết kế và công nghệ của hạng mục có sự khác biệt trên thực tế (chất lượng nước thải đầu ra không đạt chất lượng), do vậy, hệ thống xử lý nước thải do Công ty Alfa Laval thiết kế hiện chỉ hoạt động dưới 100% công suất thiết kế. Hiện nay, Chủ đầu tư và Công ty Alfa Laval đang đàm phán và tranh chấp về trách nhiệm đối với hạng mục này, nhất là trách nhiệm về thiết kế và công nghệ.
Một vấn đề khác, do địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt của miền Trung, quá trình triển khai thi công xây dựng dự án gặp rất nhiều khó khăn. Ban Lãnh đạo PTSC thường xuyên quan tâm, đôn đốc và giám sát để hoàn thành dự án theo đúng tiến độ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, Chủ đầu tư đã thay đổi thiết kế một số hạng mục công trình; đồng thời các số liệu khảo sát địa chất công trình do Chủ đầu tư cung cấp có sự khác biệt so với thực địa nên đã ảnh hưởng tới tiến độ của Dự án. Vì lý do này, là đơn vị tham gia trong hợp đồng Liên danh Tổng thầu, PTSC Quảng Ngãi đã bị ảnh hưởng. Hiện các bên (Chủ đầu tư, Công ty Alfa Laval và PTSC Quảng Ngãi) đã tiến hành đàm phán để xử lý dứt điểm theo đúng các điều khoản của hợp đồng đã ký.
Hiện nay, Tổng Công ty PTSC vẫn đang cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện quyết liệt các chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ để sớm đưa Nhà máy Ethanol Dung Quất vào hoạt động trở lại nhằm đáp ứng nguồn cung E100 để phối trộn xăng E5 RON 92, góp phần thực hiện thành công Đề án phát triển nhiên liệu sinh học và Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống được Chính phủ ban hành.
Đỗ Kim Anh