24/06/2021 12:05:30

Tổ chức đối thoại tại nơi làm việc để phát huy kỹ năng cán bộ công đoàn

Đối thoại tại nơi làm việc (ĐTTNLV) là việc chia sẻ thông tin, tham khảo, thảo luận, trao đổi ý kiến giữa người sử dụng lao động (NSDLĐ) với người lao động (NLĐ) hoặc tổ chức đại diện NLĐ về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích và mối quan tâm của các bên tại nơi làm việc nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, cùng nỗ lực hướng tới giải pháp các bên cùng có lợi (Khoản 1 Điều 63 Bộ luật Lao động năm 2019). Do đó, việc phát huy kỹ năng cán bộ công đoàn (CBCĐ) trong tổ chức ĐTTNLV là rất cần thiết.

Trách nhiệm các bên tham gia tổ chức ĐTTNLV

Thời gian qua, trách nhiệm doanh nghiệp tổ chức đối thoại định kỳ và đối thoại đột xuất đã được quan tâm thực hiện. Số lượng cuộc đối thoại tăng dần theo từng năm, chất lượng các cuộc đối thoại được nâng lên, không khí cuộc đối thoại cởi mở, bình đẳng hướng đến sự phát triển chung của doanh nghiệp, nâng cao đời sống của NLĐ. Trong 5 năm qua, có 143.484 cuộc đối thoại định kỳ (trong đó, có 124.931 cuộc trong doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn); 7.115 cuộc đối thoại đột xuất (trong đó doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn 6.326 cuộc).

Mặc dù một số NLĐ biết được ý nghĩa việc tổ chức đối thoại định kỳ, nhưng thực tế đối thoại chưa thực chất, chỉ để đối phó với cơ quan quản lý nhà nước. Vì thế, quyền “được biết, được tham gia, được kiểm tra, giám sát” theo quy định của NLĐ bị hạn chế.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 63 của Bộ luật Lao động 2019, NSDLĐ có trách nhiệm tổ chức ĐTTNLV. Tuy nhiên, một số chủ doanh nghiệp tránh trách nhiệm bằng cách không xây dựng quy chế đối thoại hoặc xây dựng để đối phó, không áp dụng, không tổ chức lấy ý kiến NLĐ và CĐCS, chưa tổ chức đối thoại theo quy định hoặc tổ chức lồng ghép với giao ban, sơ kết, tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; khi đối thoại không đủ căn cứ để phân tích, giải trình nội dung đối thoại; phương pháp, kỹ năng đối thoại các bên còn kém.

Kỹ năng CBCĐ trong tổ chức ĐTTNLV

Công đoàn Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS) tổ chức buổi đối thoại định kỳ tại nơi làm việc.

Kỹ năng tổ chức đối thoại là việc vận dụng hiệu quả nhất các kiến thức, kinh nghiệm của các chủ thể trong quá trình thực hiện các nội dung tổ chức đối thoại nhằm đạt được mục tiêu như mong đợi. Qua kết quả nghiên cứu, thấy cán bộ CĐCS có một số kỹ năng sau:

Kỹ năng lập kế hoạch tổ chức đối thoại: Xác định nội dung yêu cầu cần đạt được của bản kế hoạch tổ chức đối thoại và quy trình lập một bản kế hoạch tổ chức đối thoại: có 66,7% NSDLĐ cho rằng CBCĐ có kỹ năng lập kế hoạch tổ chức đối thoại là tốt và 33,3% là trung bình; còn NLĐ đánh giá tốt (65,8%), trung bình (37,7%) và kém (1,3%). CBCĐ có kỹ năng lập kế hoạch tổ chức đối thoại được chuẩn bị kỹ lưỡng, cập nhật và chỉnh sửa kịp thời sẽ giúp CBCĐ đánh giá chính xác được chất lượng của các công việc cần thực hiện theo từng giai đoạn.

Kỹ năng thu thập, xử lý thông tin trong tổ chức đối thoại: Thu thập thông tin trong tổ chức đối thoại là quá trình xác định nhu cầu thông tin, tìm nguồn thông tin, thực hiện tập hợp thông tin theo yêu cầu nhằm đáp ứng mục tiêu tổ chức đối thoại đã được định trước. Khi xử lý thông tin, phân loại những thông tin cơ bản, những thông tin mới, thông tin có điểm khác biệt với những thông tin trước. Kết quả khảo sát cho thấy, NLĐ cho rằng CBCĐ có “Kỹ năng thu thập thông tin trong tổ chức đối thoại” tốt (62,0%), trung bình (36,7%) và kém (1,3%); có “Kỹ năng xử lý thông tin trong tổ chức đối thoại” tốt (60,6%), trung bình (37,7%) và kém (1,7%). Như vậy, CBCĐ cơ sở được NLĐ đánh giá cao có kỹ năng thu thập, xử lý thông tin trong tổ chức đối thoại giải quyết kịp thời những kiến nghị, bức xúc của NLĐ, đặc biệt là các vấn đề về tiền lương, tiền thưởng, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi… tránh được mâu thuẫn và tranh chấp lao động xảy ra.

Kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong tổ chức đối thoại: Kỹ năng giao tiếp trong tổ chức đối thoại là những quy tắc, nghệ thuật, cách ứng xử, đối đáp được đúc rút qua kinh nghiệm thực tế hằng ngày giúp các chủ thể tham gia đối thoại hiệu quả và thuyết phục hơn. Kết quả nghiên cứu cho thấy, NSDLĐ đánh giá CBCĐ có kỹ năng này, 66,7% là tốt, 33,3% là trung bình; nhưng CBCĐ đánh giá bản thân chính mình thấp hơn, 54,3% là tốt và 45,7% là trung bình. Chứng tỏ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử thuộc về tính cách của mỗi người, nhưng CBCĐ rất cần truyền đạt thông điệp, lắng nghe tích cực, trao đi và nhận lại phản hồi giữa chủ thể giao tiếp (người nói) và đối tượng giao tiếp (người nghe) nhằm đạt được một mục đích giao tiếp trong đối thoại.

Kỹ năng xử lý các tình huống cụ thể trong tổ chức đối thoại: được hiểu là những cách thức phân tích, liên hệ, tìm hiểu các thông tin khác nhau để có thể có một cái nhìn tổng thể nhất về tình huống vấn đề đang diễn ra trong quá trình đối thoại và đưa ra được những phương án đánh giá, giải quyết được vấn đề một cách thỏa đáng nhất trong khả năng có thể nhằm đạt được mục tiêu đối thoại. Kết quả khảo sát cho thấy, NLĐ đánh giá CBCĐ có kỹ năng này tốt (56,8%), trung bình (41,5%) và kém (1,3%), trong khi đó CBCĐ đánh giá tốt (57,1%) và trung bình (42,9%).

Kỹ năng thương lượng, đối thoại: được hình thành qua sự học hỏi, rèn luyện, cọ xát, đòi hỏi kinh nghiệm, thời gian và công sức. Kỹ năng này được NSDLĐ đánh giá tốt (54,2%) và trung bình (45,8%), NLĐ đánh giá tốt (58,3%), trung bình (39,9%) và kém (1,8%).

Kỹ năng kiểm tra, giám sát sau đối thoại: để đảm bảo việc thực hiện các chế độ, chính sách, pháp luật đối với NLĐ, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ. NLĐ đánh giá CBCĐ có kỹ năng kiểm tra, giám sát sau đối thoại, tốt (62,3%), trung bình (36,0%) và kém (1,7%). Công tác kiểm tra, giám sát sau đối thoại phải chủ động, thường xuyên, toàn diện, chặt chẽ thì mới đảm bảo được quyền và lợi ích của NLĐ.

Phát huy kỹ năng CBCĐ trong tổ chức ĐTTNLV

CBCĐ cần phát huy kỹ năng lập kế hoạch tổ chức đối thoại: Trước hết xác định lý do, mục tiêu, vai trò, ý nghĩa việc lập kế hoạch; sau đó xác định các công việc cần thực hiện khi lập kế hoạch; xác định việc lập kế hoạch tổ chức đối thoại được thực hiện ở đâu, khi nào và ai là người thực hiện; xác định tiến độ việc lập kế hoạch dựa trên mức độ cần thiết của việc tổ chức đối thoại; xác định các chủ thể hỗ trợ việc lập kế hoạch tổ chức đối thoại.

Nâng cao kỹ năng thu thập, xử lý thông tin trong tổ chức đối thoại phải phù hợp với mục tiêu của đối thoại, thông tin phải chính xác để có căn cứ trong việc sử dụng phục vụ tổ chức đối thoại, thông tin phải đầy đủ, kịp thời và thông tin đơn giản dễ hiểu. Cuối cùng, tóm tắt thông tin và phân loại thông tin theo các nhóm (thông tin về phía doanh nghiệp; thông tin về phía nhu cầu của NLĐ; thông tin về quản lý ngành, nghề của Nhà nước…).

CBCĐ cần phát huy kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong tổ chức đối thoại là khéo, diễn đạt rành mạch, dễ hiểu, không ngọng, lắp; đảm bảo chia sẻ thông tin và không áp đặt; hiểu đối tác, tìm ra điểm chung; học cách lắng nghe, thể hiện sự tôn trọng ý kiến người khác trong đối thoại; điều chỉnh phong cách nói chuyện, tạo sự thân thiện trong giao tiếp, duy trì sự tự tin, trao đi và tiếp nhận phản hồi, âm lượng và sự rõ ràng.

Phát huy kỹ năng xử lý tình huống trong tổ chức đối thoại là cố gắng giữ bình tĩnh, kiềm chế bản thân trước những cơn nóng giận để có cái nhìn bao quát toàn vẹn vấn đề; lắng nghe để thấu hiểu, không giả vờ mà phải hiểu những gì NLĐ hoặc NSDLĐ trình bày; nói rõ quan điểm cá nhân là hãy thẳng thắn đề xuất các phương án giải quyết mâu thuẫn, hoặc các phương án chấp nhận trong đối thoại. Điều quan trọng cần làm là giải quyết và tìm ra “nút thắt” của vấn đề, sau đó tìm ra những giải pháp để hoàn thành các mục tiêu chung trong tương lai, cũng là mục tiêu của đối thoại.

Để có được kỹ năng thương lượng và đối thoại tốt cần có sự chuẩn bị kĩ càng với các chiến lược có tính thuyết phục và phải đưa ra được luận điểm hợp tình, hợp lý phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc là cả hai bên cùng thắng và mang đến kết quả khiến cả hai bên cùng hài lòng.

CBCĐ chú trọng kỹ năng kiểm tra, giám sát sau đối thoại, tập trung vào thực hiện biên bản cuộc đối thoại đã cam kết nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổ chức ĐTTNLV và thay đổi nhận thức của NSDLĐ đối với công tác đối thoại.

Nguyễn Tá (Tổng hợp)