Thực hiện kế hoach công tác của Khối thi đua năm 2020 và Kết luận Hội nghị sơ kết hoạt động 06 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 06 tháng cuối năm 2020 của Khối thi đua 9 Công đoàn Tập đoàn và Tổng Công ty thuộc TLĐ LĐVN. Ngày 09 tháng 10 năm 2020, Khối thi đua 9 Công đoàn Tập đoàn và Tổng Công ty phối hợp tổ chức buổi tọa đàm về tình hình thực hiện các chế độ đặc thù đối với NLĐ trong các công ty nhà nước khi Quyết định số 01/2020/QĐ-TTg ngày 03/01/2020 của Chính phủ được ban hanh và bãi bỏ Quyết định số 234/2005/QĐ-TTg, Quyết định số 43/2012/QĐ-TTg của Chính phủ quy định chế độ đặc thù đối với NLĐ tại một số ngành, nghề trong các công ty nhà nước.
Toàn cảnh buổi toạ đàm
Về tham dự buổi tọa đàm, đại diện Tổng Liên đoàn LĐVN có đồng chí Vũ Hồng Quang, Phó trưởng Ban CSKT-XH và TĐKT và đồng chí Đặng Văn Khánh, Trưởng phòng BHLĐ, Ban Quan hệ Lao động Tổng Liên đoàn cùng các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch và cán bộ chuyên môn, cán bộ công đoàn thuộc 9 Công đoàn Tập đoàn và Tổng Công ty. Đoàn chủ trì buổi tọa đàm gồm: Đồng chí Nghiêm Thùy Lan, Chủ tịch Công đoàn DKVN; đồng chí Lê Phan Linh, Chủ tịch Công đoàn Hàng hải Việt Nam và đồng chí Đỗ Đức Hùng, Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam.
Đ/c Nghiêm Thùy Lan, Trưởng Khối thi đua, Chủ tịch CĐ DKVN phát biểu khai mạc và chỉ đạo tại buổi tọa đàm
Buổi tọa đàm tập trung thảo luận về chủ đề “Tình hình thực hiện các chế độ đặc cho người lao động trong công ty nhà nước” và nghe ý kiến các đơn vị báo cáo những khó khăn khi không còn cơ sở pháp lý để thực hiện chế độ đặc thù cho người lao động và đồng thời nghe các Công đoàn trong Khối phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người lao động khi không được hưởng các chế độ ăn định lượng, thưởng an toàn, phụ cấp đi biển,…
Phó Chủ tịch CĐ DKVN Nguyễn Mạnh Kha phát biểu tại buổi toạ đàm
Chủ tịch Công đoàn BSR Khuất Thị Lê phát biểu tại buổi toạ đàm
Buổi tọa đàm đã thống nhất kiến nghị với Tổng Liên đoàn LĐVN về việc tiếp tục đảm bảo chế độ đặc thù cho người lao động trong các công ty nhà nước và Tổng Liên đoàn có cơ sở làm việc với các bộ, ngành cũng như việc báo cáo kiến nghị trên với Thủ tướng Chính phủ tại Buổi làm việc và đánh giá quy chế phối hợp năm 2020 để đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần ban hành văn bản pháp luật mới thay thế Quyết định số 43/2012/QĐ-TTg, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các doanh nghiệp thực hiện chế độ chính sách đặc thù đối với người lao động và hạch toán chi vào chi phí sản xuất kinh doanh hoặc giá thành sản phẩm.
Các chế độ đặc thù như sau:
1. Chế độ thưởng an toàn đối với công nhân, nhân viên một số ngành nghề có điều kiện lao động đặc thù như người lao động làm việc trong ngành hàng không, điện lực, đường sắt, hàng hải, dầu khí (khai thác dầu khí, sản xuất phân, điện, đạm, lọc hóa dầu, bảo dưỡng sửa chữa đường ống dẫn khí và phân phối khí), khai thác khoáng sản, thăm dò địa chất, thăm dò địa chất, thợ lặn,…
2. Chế độ ăn định lượng của người lao động làm việc trên biển, làm việc theo chuyến bay, chuyến tàu hỏa, khai thác mỏ, thăm dò khai thác dầu khí,…
3. Một số chế độ đặc thù, chính sách pháp luật khác:
– Bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại nguy hiểm trong các ngành Dầu khí, Dệt may, Hàng hải, Điện lực, Than khoáng sản,… còn thiếu nhiều nghề chưa được cập nhật, đánh giá cụ thể và bổ sung trong văn bản pháp luật.
– Xem xét chế độ tiền lương đặc thù cho cho NLĐ làm việc tại doanh nghiệp có tính chất đặc biệt, quan trọng của đất nước trong nhà máy lọc hóa dầu.
– Đề xuất với Quốc hội, Chính phủ công nhận danh hiệu liệt sĩ vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc cho NLĐ làm việc tại ngoài giàn khoan không may tử nạn tại các khu vực thăm dò, khai thác dầu khí tại Lô 05-2 (Hải Thạch), Lô 05-3 (Mộc Tinh) và các lô lân cận trên biển đã góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, khẳng định chủ quyền biển và thềm lục địa biển Việt Nam.
– Miễn thuế thu nhập cá nhân đối với chế độ đặc thù đã chi cho NLĐ như lương an toàn bay, lương thuyền viên tuyến nội địa, phụ cấp làm việc trên biển.
4. Một số vấn đề về thực hiện BLLĐ năm 2019 và Luật BHXH:
– Kiến nghị với Chính phủ về các vướng mắc khi Bộ Luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 như thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người làm công việc có tính chất đặc biệt để bổ sung danh mục công việc có tính chất đặc biệt phải làm việc, trực vận hành 24/24 giờ tại các nhà máy sản xuất điện, đạm, lọc hóa dầu, vận hành bảo dưỡng sửa chữa đường ống dẫn khí và trạm phân phối khí,… cho doanh nghiệp đặc thù vào Điều 116 Bộ luật Lao động năm 2019 để được áp dụng làm việc 12 giờ/ca/ngày giúp doanh nghiệp linh hoạt trong việc sắp xếp thời giờ làm việc, sử dụng lao động một cách hiểu quả, giảm thời gian giao ca, tiết kiệm chi phí đi lại cho NLĐ cũng như chi phí khác cho doanh nghiệp.
– Xem xét quy định đóng phí BHXH, BHYT, BHTN đối với thuyền viên là lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong thời gian nghỉ dự trữ (phép, nghỉ bù và thời gian này là 3 tháng/năm), theo quy định hiện tại không được đóng các loại bảo hiểm; NLĐ bị nghỉ việc do dịch bệnh covid (nghỉ trên 14 ngày) ảnh hưởng đến thời gian đóng để hưởng chế độ BHXH, BHYT. Do vậy, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của NLĐ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thấp hơn 05 năm so với NLĐ trong điều kiện lao động bình thường sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến mức lương hưu của NLĐ đặc thù này.
Ban CSPLKT, CĐ DKVN