Ngày 18/1/2023, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng đã chủ trì cuộc họp về việc thực hiện chương trình xây dựng và hoàn thiện văn bản quy phạm nội bộ (VBQPNB) năm 2022 và kế hoạch xây dựng và hoàn thiện VBQPNB năm 2023.
Cùng dự có các Phó Tổng giám đốc: Đỗ Chí Thanh, Lê Xuân Huyên, Lê Ngọc Sơn, cùng lãnh đạo các Ban/Văn phòng Tập đoàn.
Tại cuộc họp, đại diện Ban Pháp chế và Kiểm tra đã trình bày báo cáo về việc thực hiện chương trình xây dựng và hoàn thiện VBQPNB năm 2022 và đề xuất chương trình năm 2023. Hiện tại, Bộ Quy chế quản trị nội bộ của Tập đoàn gồm 137 văn bản quy phạm nội bộ (VBQPNB) đang có hiệu lực thi hành đã được số hóa được chia thành 6 bộ quy chế về các nội dung: Quản lý chiến lược, đầu tư, đấu thầu mua sắm; lĩnh vực E&P; khoa học công nghệ, sản phẩm thương mại, năng lượng; quản trị nguồn nhân lực; nội chính truyền thông; tài chính kế toán.
Toàn cảnh cuộc họp |
Theo chương trình xây dựng và hoàn thiện VBQPNB của Tập đoàn trong năm 2022, Tập đoàn đã ban hành mới 15 VBQPNB bao gồm: Quy chế Quản trị Công ty mẹ – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Quy chế quản lý dự án dầu khí trong nước; Quy trình quản lý và sử dụng Hệ thống quản lý trữ lượng và tiềm năng dầu khí; Quy trình phối hợp xử lý thông tin cho hoạt động dầu khí trên thực địa; Hướng dẫn công tác quản lý và thực hiện các hoạt động tìm kiếm thăm dò Dầu khí; Quy chế về công tác thẩm định dự án đầu tư của Petrovietnam; Hướng dẫn thực hiện công tác An toàn Sức khỏe Môi trường; Quy trình theo dõi giám sát vận hành bảo dưỡng sửa chữa nhà máy điện; Quy trình quản lý dòng tiền tại Công ty mẹ – Tập đoàn; Quy định về kế toán quản trị của Petrovietnam; Quy định vận hành và khai thác sử dụng mạng riêng không kết nối internet; Quy định thẩm tra quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành của Công ty mẹ – Tập đoàn; Hướng dẫn quản lý và sử dụng Bí mật sản xuất kinh doanh của Petrovietnam; Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Dầu khí Việt Nam; và Quy chế quản lý công tác An sinh xã hội của Petrovietnam.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các Ban chuyên môn/Văn phòng Tập đoàn đã trực tiếp báo cáo Tổng Giám đốc về tình hình triển khai công tác hoàn thiện Bộ Quy chế quản trị, tập trung làm rõ nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ, chất lượng trong quá trình xây dựng và ban hành VBQPNB, thực trạng, vướng mắc trong quá trình áp dụng các VBQPNB để có phương án tháo gỡ. Đại diện lãnh đạo các Ban chuyên môn cũng kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo Tập đoàn xem xét, cho ý kiến kế hoạch xây dựng và hoàn thiện đối với các dự thảo VBQPNB năm 2023.
Để công tác tối ưu hóa Bộ Quy chế quản trị được triển khai hiệu quả, đảm bảo chất lượng, tiến độ, Tập đoàn cần tập trung đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác xây dựng và hoàn thiện VBQPNB, tối ưu hóa Bộ Quy chế quản trị, đặc biệt là Quy chế về sản phẩm thương mại; Quy chế quản lý hoạt động khoa học công nghệ; Quy chế quản lý cán bộ trong Tập đoàn; Quy chế về hoạt động của Ban chỉ đạo và Tổ thư ký giúp việc xử lý khủng hoảng truyền thông.
Song song với đó, thực hiện công tác phổ biến, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện các VBQPNB đã được ban hành như thông qua việc tổ chức hội nghị, tọa đàm, trao đổi về các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình áp dụng các VBQPNB hiện hành để hỗ trợ cho công tác hoàn thiện và tối ưu hoá VBQPNB để đáp ứng được chất lượng và phù hợp với thực tế quản trị điều hành của Petrovietnam.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng phát biểu kết luận |
Kết luận cuộc họp, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh Bộ Quy chế quản trị của Petrovietnam có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần củng cố các yếu tố mang tính nền tảng trong quản trị doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ máy Công ty Mẹ và người đại diện vốn tại các đơn vị thành viên triển khai công việc một cách chuẩn mực, đảm bảo tiến độ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của toàn Tập đoàn.
Theo đó, năm 2023, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng yêu cầu các Phó Tổng giám đốc phụ trách các lĩnh vực, Trưởng các Ban chuyên môn phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2022 để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy chế quản trị nội bộ: Cần tập trung rà soát, xây dựng kế hoạch cụ thể về chất lượng, tiến độ phê duyệt và ban hành; Triển khai cụ thể quy chế quản trị nội bộ gắn liền với sản xuất kinh doanh của Tập đoàn và với sự thay đổi chính sách của Nhà nước, đồng thời phù hợp trong từng lĩnh vực như chiến lược đầu tư, đấu thầu; Rà soát lại công tác quản trị việc xây dựng và ban hành các quy chế quản trị nội bộ nhất là sau khi Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023; Sử dụng công nghệ nhằm thúc đẩy, hỗ trợ, hoàn chỉnh hệ thống quản trị nội bộ; Đẩy mạnh công tác đào tạo, truyền thông để góp phần nâng cao hiệu quả quản trị, giảm thiểu rủi ro trong từng lĩnh vực và để từng cán bộ công nhân viên Công ty mẹ – Tập đoàn nói riêng và trong toàn Tập đoàn nói chung phải có trách nhiệm tham gia công tác quản trị doanh nghiệp.
N.H