Tại dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Bộ Công Thương rà soát, chỉnh sửa một số nội dung về quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhằm phù hợp với quy định hiện hành.
Chỉnh sửa một số nội dung về quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhằm phù hợp với quy định hiện hành – Ảnh minh họa |
Theo đó, dự thảo đề xuất, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được bổ sung một số quyền sau đây:
Tổ chức triển khai điều tra cơ bản về dầu khí trên toàn bộ lãnh thổ đất liền, hải đảo và vùng biển của Việt Nam;
Phê duyệt các chương trình tìm kiếm thăm dò dầu khí, tìm kiếm thăm dò dầu khí bổ sung, tận thăm dò dầu khí;
Phê duyệt điều chỉnh kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí, kế hoạch phát triển mỏ dầu khí, kế hoạch thu dọn công trình dầu khí quy định tại Khoản 4 Điều 46, Khoản 5 Điều 47 và Khoản 4 Điều 52 của Luật này;
Giám sát công tác thiết kế, xây dựng công trình dầu khí;
Tổ chức bán phần sản phẩm của nước chủ nhà cùng với phần sản phẩm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với tư cách là bên nhà thầu, khai thác được theo hợp đồng dầu khí, được phép bán chung sản phẩm này với các nhà thầu khác trong hợp đồng dầu khí theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 59 của Luật này;
Tham gia vào các hợp đồng dầu khí cùng với doanh nghiệp có vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để thực hiện các hoạt động dầu khí tại các lô dầu khí theo quy định của Luật này và được tiếp nhận hợp đồng dầu khí của các lô dầu khí mà Thủ tướng Chính phủ giao tiếp tục thực hiện hoạt động dầu khí khi nhà thầu nước ngoài bàn giao cho nước chủ nhà (Điều 61).
Cụ thể một số nghĩa vụ của PVN được quy định tại Điều 62 của dự thảo Luật.
Bổ sung quy định về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán
Đây là nội dung mới tại dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) được bổ sung so với Luật Dầu khí hiện hành nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy định của pháp luật có liên quan và đặc thù của hoạt động dầu khí (tham khảo quy định tại Nghị định số 36/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ – PVN), gồm các điều khoản như sau:
Công tác kế toán, kiểm toán đối với hợp đồng dầu khí, dự án dầu khí (Điều 55), trong đó có quy định về phân bổ chi phí tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ dầu khí của dự án tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ dầu khí không thành công của doanh nghiệp nhà nước phù hợp với đặc thù của hoạt động dầu khí.
Việc quyết toán chi phí quy định rõ cho các giai đoạn theo từng khoản mục, hạng mục và từng giai đoạn trong hợp đồng dầu khí hoặc khi kết thúc dự án dầu khí, dự án thành phần của dự án dầu khí. Việc phê duyệt quyết toán chi phí được thực hiện theo quy định tại hợp đồng dầu khí và quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế (Điều 56).
Về các chính sách ưu đãi đầu tư trong hoạt động dầu khí: Đây cũng là nội dung mới được bổ sung so với Luật Dầu khí hiện hành, trên cơ sở quy định của pháp luật có liên quan và tham khảo quy định của một số nước trong khu vực như: Indonesia, Malaysia…, gồm các điều khoản như sau:
Nguyên tắc xác định lô, mỏ ưu đãi và đặc biệt ưu đãi đầu tư dầu khí (Điều 57), gồm: Các lô, mỏ ưu đãi đầu tư dầu khí; các lô, mỏ đặc biệt ưu đãi đầu tư dầu khí; các trường hợp đặc biệt khác (lô, mỏ, dự án cận biên tại điều kiện đặc biệt ưu đãi đầu tư dầu khí, khai thác tận thu dầu khí, dầu khí phi truyền thống).
Các quy định về thuế (Điều 58), gồm chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu dầu thô.
Quyền và nghĩa vụ của nhà thầu: Điều khoản này được rà soát, chỉnh sửa phù hợp với quy định hiện hành và bổ sung một số nội dung về việc:
Nhà thầu được phép bán chung các sản phẩm dầu khí (được khai thác theo hợp đồng dầu khí) theo từng lô và từng thời điểm xuất bán, mà không bị coi là vi phạm pháp luật về cạnh tranh (Điều 57).
Nhà thầu là tổ chức, cá nhân nước ngoài được mở tài khoản tại Việt Nam và nước ngoài; được phép mua ngoại tệ tại ngân hàng thương mại và được bảo đảm cân đối ngoại tệ đối với các dự án quan trọng (Điều 57).
Nhà thầu được miễn tiền sử dụng khu vực biển đối với việc sử dụng khu vực biển để tìm kiếm thăm dò dầu khí; khai thác dầu khí; xử lý, vận chuyển tài nguyên dầu khí khai thác được trong các vùng biển của Việt Nam về bờ bằng đường ống theo hợp đồng dầu khí và quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Điều 57).
Về quản lý nhà nước đối với hoạt động dầu khí: Nội dung này quy định trách nhiệm của Chính phủ (Điều 63), Thủ tướng Chính phủ (Điều 64), Bộ Công Thương (Điều 65), các bộ, cơ quan ngang bộ (Điều 66) và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Điều 67) được rà soát, cập nhật phù hợp với các quy định hiện hành.
Theo Bộ Công Thương, dự thảo Luật được xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động dầu khí, hạn chế tối đa những khó khăn, vướng mắc do cơ chế, sự không rõ ràng, chồng chéo, bất cập của hệ thống pháp luật. Đồng thời tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và tư nhân trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trong bối cảnh hoạt động dầu khí ngày càng khó khăn, phức tạp nhất là những khu vực nước sâu, xa bờ, nhạy cảm về quốc phòng – an ninh.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Theo Báo điện tử Chính phủ