Tại kỳ họp lần thứ 6, khóa XIII của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN dưới sự chủ trì của Chủ tịch Nguyễn Đình Khang, nội dung trong Quy định khung mối quan hệ phối hợp hoạt động giữa Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn với các Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố nhận được nhiều ý kiến tham gia.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Xuân Hùng trình bày tờ trình về Quy định khung mối quan hệ phối hợp hoạt động giữa Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn với các Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố. Ảnh: Đền Phú
Các tờ trình về Quy định khung mối quan hệ phối hợp hoạt động giữa Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn với các Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố; Quy định về bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách làm việc tại công đoàn cơ sở ; Đề án thí điểm xây dựng mô hình tổ chức và hoạt động Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp có đông đoàn viên… do Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Hùng trình bày.
Ông Võ Mạnh Sơn – Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Đền Phú
Đóng góp về nội dung này, ông Võ Mạnh Sơn – Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa – đề nghị cần quy định rõ về việc hiệp y khi hình thành cơ cấu Ban chấp hành Công đoàn ngành ở địa phương.
Đối với việc đảm bảo an ninh trật tự, trong đó có giải quyết đình công, lãn công, ông Sơn cho biết, theo quy định thì Chủ tịch Ủy ban Nhân dân sở tại chịu trách nhiệm. Khi thực hiện Công đoàn ngành xuyên suốt thì cần quy định rõ về trách nhiệm của Công đoàn ngành Trung ương và Liên đoàn Lao động địa phương trong khi giải quyết đình công, lãn công…
Về số lượng cán bộ Công đoàn chuyên trách, ông Sơn đề nghị nên bố trí khi có 1.000 đoàn viên sẽ có 1 cán bộ Công đoàn chuyên trách.
Đại tá Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Công đoàn Quốc phòng. Ảnh: Đền Phú
Cũng về các bộ Công đoàn chuyên trách, Đại tá Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Công đoàn Quốc phòng – băn khoăn có thể sẽ có khó khăn vì hiện doanh nghiệp có nhiều loại hình, nếu bố trí cán bộ Công đoàn cơ sở từ cán bộ Công đoàn trên đưa xuống thì có phù hợp với thực tiễn không.
Bà Phan Thị Thúy Linh – Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Đền Phú
Bà Phan Thị Thúy Linh – Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Đà Nẵng – đưa ra ý kiến cần có quy định rõ về sự phối hợp giữa Công đoàn ngành Trung ương và Liên đoàn Lao động địa phương trong xử lý các vụ tai nạn lao động, đình công, lãn công xảy ra trên địa bàn địa phương. Đây là cũng là ý kiến của nhiều Ủy viên Đoàn Chủ tịch đối với Quy định khung mối quan hệ phối hợp hoạt động giữa Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn với các Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố.
Về nội dung này, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang cho hay, quan trọng nhất là xác định những nội dung phối hợp, có những nội dung thực hiện theo quy định của Đảng, có những nội dung thực hiện theo quy định của địa phương. Vấn đề là cần xác định các nội dung phối hợp phù hợp, ví dụ giải quyết tai nạn lao động, tranh chấp lao động thì trước hết là thuộc trách nhiệm của cấp ủy chính quyền địa phương… Chủ tịch Nguyễn Đình Khang đề nghị tiếp thu ý kiến của các Ủy viên Đoàn Chủ tịch để xây dựng việc phối hợp cụ thể trong từng vấn đề như công tác phát triển đoàn viên, chăm lo cho đoàn viên, xử lý các công việc…
Báo Lao động
https://laodong.vn/cong-doan/quy-dinh-khung-moi-quan-he-phoi-hop-can-ro-ve-trach-nhiem-1390100.ldo